Hòa Bình đã khởi tố vụ án, bao giờ Hà Nội mới làm?

26/10/2019 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Chẳng lẽ vụ “Nước sạch sông Đà” chỉ khởi tố ba kẻ đổ trộm dầu còn doanh nghiệp vô can?

(Tiếp theo kỳ 1)

Sau thảm họa, mới biết quản lý nhà nước còn lắm chuyện.

Sự việc nguồn nước thô cung cấp cho nhà máy nước sông Đà bị nhiễm dầu bẩn đã trôi qua gần nửa tháng, đáng tiếc là cho đến nay chưa một cơ quan, đơn vị nào xác định được chính xác bao nhiêu dầu đã bị các đối tượng đổ trộm vào khu vực đầu nguồn và các thành phần độc hại trong dầu ngoài styren còn những gì (Hydrocacbon, hợp chất lưu huỳnh,...)?

Ngay cả thông tin về hồ Đầm Bài mà báo chí đề cập cũng không thống nhất.

Báo Baotintuc.vn [1] và báo Cand.com.vn [2] cho biết hồ Đầm Bài có diện tích 16 km2 (16 triệu m2) trong khi một số nguồn khác như Tienphong.vn [3], Moitruong.net.vn [4] cho là hồ Đầm Bài chỉ rộng 69 ha (690.000 m2) còn “lưu vực” hồ mới là 16 km2.

Đến nay thì rất nhiều bài báo, rất nhiều quan chức địa phương và trung ương đã lên tiếng phân tích, chỉ ra những lỗ hổng trong quản lý nhà nước và kinh doanh của doanh nghiệp song hình như chưa có ai chính thức tuyên bố nhận trách nhiệm, nhất là về phía chính quyền và quản lý nhà nước.

Về phía Chính phủ, việc phân cấp quản lý hoạt động cấp nước hiện nay được chia cho ít nhất là ba bộ.

Bộ Xây dựng quản hoạt động cấp nước tại các đô thị và khu công nghiệp; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý hoạt động cấp nước tại các khu vực nông thôn; Bộ Y tế chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sức khoẻ cộng đồng, ban hành quy chuẩn nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, tổ chức kiểm tra và giám sát việc thực hiện quy chuẩn nước sạch trên phạm vi toàn quốc. [5]

Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều thành phố khác có cả khu vực đô thị và nông thôn, vậy là trên cùng một đơn vị hành chính nếu xảy ra sự cố nước sạch lại không phải do một đầu mối xử lý?

Hiện hoạt động xóa đói giảm nghèo tại các vùng khó khăn đã có kế hoạch tập trung đầu mối, liệu đã đến lúc hoạt động cấp nước cũng phải như vậy?

Nếu xét đến khía cạnh an ninh quốc gia, an sinh xã hội thì bảo đảm an toàn hoạt động cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân phải đặt ngang với phòng chống thiên tai, bão lụt. Tiếc rằng cho đến nay, vấn đề này hình như chưa được coi trọng đúng mức.

Công tác xử lý ô nhiễm dầu tại suối Bằng và hồ Đầm Bài (Hòa Bình). (Ảnh minh họa: VTV)
Công tác xử lý ô nhiễm dầu tại suối Bằng và hồ Đầm Bài (Hòa Bình). (Ảnh minh họa: VTV)

Sau khi phát hiện dầu đổ trộm vào khu vực gần hồ Đầm Bài, tỉnh Hòa Bình đã cử Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đến kiểm tra hiện trường, vậy Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cử cán bộ cấp nào đi kiểm tra?

Dẫu có kiểm tra và phát hiện sai phạm thì tỉnh Hòa Bình cũng vẫn chưa kiên quyết xử lý Viwasupco khi doanh nghiệp này thể hiện sự chây ỳ khi chưa chịu trả hồ Đầm Bài cho tỉnh phục vụ sản xuất nông nghiệp, thậm chí tỉnh này còn phải “Báo cáo với Viwasupco, vì sợ bơm dưới mực nước lấy vào nhà máy sẽ ảnh hưởng đến công suất sản xuất nước sạch”. [6]

Vì sao tỉnh phải “Báo cáo với Viwasupco”, vì sao lại có chuyện ưu ái một doanh nghiệp khiến bà con nông dân Hòa Bình phải chịu thiệt hại vì “Việc điều tiết nước phục vụ nông nghiệp trở nên khó khăn do đơn vị không thể chủ động bơm nước tưới tiêu”. [6]

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng: “Thành phố, doanh nghiệp rút ra được nhiều bài học, kinh nghiệm từ vụ đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà, gây ảnh hưởng đến hàng triệu dân Thủ đô. Phải xem lại toàn bộ hệ thống quan trắc. Hiện tại, hệ thống đó rất thiếu…”. [7]

“Quan trắc” là cần thiết song “cảnh báo nguy hiểm” cho người sử dụng mới là điều cần làm ngay.

Người dân có quyền yêu cầu các đơn vị cung cấp nước sạch đến người tiêu dùng phải lắp ngay các hệ thống tự động kiểm tra và cảnh báo độ an toàn nước sạch tại bể chứa của doanh nghiệp, tại các vị trí đấu nối đến các khu dân cư (phường, khu chung cư cao tầng…).

Sau vụ nước nhiễm dầu thải, Hà Nội liệu có kiểm tra tất cả các nhà máy nước?
Sau vụ nước nhiễm dầu thải, Hà Nội liệu có kiểm tra tất cả các nhà máy nước?

Hệ thống cảnh báo này khi phát hiện bất thường phải có khả năng tự động đóng van nước, dừng cung cấp và phát tín hiệu báo động trên địa bàn.

Bí thư Hoàng Trung Hải cũng nêu ý kiến: “Nếu doanh nghiệp cung cấp nước không đáp ứng được yêu cầu, thành phố có quyền cắt hợp đồng”.

Vấn đề là cùng với chuyện “Lúc nào thành phố cũng có quyền cắt hợp đồng, chọn doanh nghiệp khác” thì thành phố sẽ xử lý thế nào khi sản phẩm “nước sạch” của doanh nghiệp đe dọa sức khỏe, thậm chí là sinh mạng hàng triệu người sử dụng?

Doanh nghiệp Khai Silk thay nhãn mác hàng Trung Quốc bằng nhãn hàng Việt Nam, dù chưa có bất kỳ tố cáo nào cho thấy khăn lụa của Khai Silk đe dọa sức khỏe người sử dụng nhưng doanh nghiệp này đã bị cơ quan chức năng khởi tố vụ án hình sự.

Cung cấp thuốc chữa bệnh không an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử tù.

Vậy chẳng lẽ vụ “Nước sạch sông Đà” chỉ khởi tố ba kẻ đổ trộm dầu còn doanh nghiệp vô can?

Trong các nhu cầu thiết yếu của con người như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, điện, nước sạch… thì điện và nước là hai mặt hàng đặc biệt bởi nhà sản xuất không phải lo đầu ra cho sản phẩm.

Trong nền kinh tế thị trường - định hướng hay không định hướng - tìm được nguồn cầu lớn, ổn định và chỉ có tăng chứ không giảm như điện, nước sạch luôn là cơ hội vàng cho doanh nghiệp.

Để bảo đảm an ninh chính trị Nhà nước cần xem hoạt động cung cấp nước sinh hoạt cho người dân là dịch vụ công ích chứ không phải kinh doanh thương mại thông thường.

Khi xảy ra sự cố nước sạch thì chính quyền phải vào cuộc chứ không thể để người dân tự lo.

Một khi Hòa Bình đã khởi tố vụ án với kẻ đổ trộm dầu thì Hà Nội - với tư cách là người bị hại - cũng cần khởi tố vụ án với doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nước.

Thay vì để người dân tự phát khởi kiện doanh nghiệp, Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nên thay mặt nhân dân kiện doanh nghiệp cung cấp nước sông Đà ra tòa về các tội sau đây:

Thứ nhất: Lãnh đạo nhà máy xử lý nước thiếu trách nghiệm, cung cấp nước ô nhiễm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng triệu người dân Hà Nội;

Chậm đưa ra các cảnh báo nguy hiểm tới người sử dụng nước; Chậm báo cáo cơ quan chức năng tình trạng nước nhiễm độc khiến không ít gia đình đã sử dụng nước nhiễm độc cho sinh hoạt,…

Thứ hai: Lãnh đạo nhà máy có những phát ngôn thiếu tôn trọng người dân khi cho rằng doanh nghiệp mới là bên chịu thiệt hại nhiều nhất chứ không phải người sử dụng nước.

Thứ ba: Chủ đầu tư chưa quan tâm đúng mức đến đổi mới trang thiết bị lọc nước và quy trình lọc nước sau khi thâu tóm nhà máy.

Vấn đề an toàn nguồn nước thô chảy vào hồ Đầm Bài bị xem nhẹ khi chưa đầu tư đường ống (kín) dẫn nước sông Đà về khu xử lý mặc dù giá bán nước liên tục tăng và kinh doanh có lãi,…

Viwasupco, hồ Đầm Bài và sự mập mờ Nước sạch sông Đà
Viwasupco, hồ Đầm Bài và sự mập mờ Nước sạch sông Đà

Thứ tư: Chủ đầu tư đang thực hiện kiểu kiếm lời bằng mọi giá, kinh doanh theo kiểu chụp giật khi không chịu trả hồ Đầm bài cho Hòa Bình để phục vụ sản xuất nông nghiệp như  đã hứa.

Điều này đã được đại diện tỉnh Hòa Bình lên tiếng:

“Hiện hồ Đầm Bài đang được tỉnh Hòa Bình cho Viwasupco “mượn” để kinh doanh nước sạch.

Theo kế hoạch, khi nâng công xuất dự án lên gấp đôi ở giai đoạn 2, nhà đầu tư sẽ nâng cấp và xây kênh dẫn nước đúng tiêu chuẩn, kết thúc thời gian quá độ "mượn" hồ Đầm Bài làm bể chứa nước.

Tuy nhiên đến nay, giai đoạn 2 của dự án đã cơ bản xong, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa trả hồ Đầm Bài cho tỉnh Hòa Bình”. [6]

Có thể thấy trạng thái “quá tả” hoặc “quá hữu” trong quản lý nhà nước luôn luôn tồn tại, có lĩnh vực như quy hoạch báo chí, tư nhân và các tổ chức xã hội nghề nghiệp không được phép kinh doanh, trong khi nước sạch thì lại có những sự ưu ái khó hiểu.

Báo Nhân Dân đưa tin: “Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình khoanh vùng bảo vệ nguồn nước sạch cung cấp cho Nhà máy nước sạch sông Đà.

Chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm việc xả thải gây ô nhiễm môi trường”. [8]

Tại sao Hà Nội lại yêu cầu Hòa Bình một việc rất khó khăn là “khoanh vùng bảo vệ nguồn nước” khi lưu vực hồ Đầm Bài rộng tới 16 triệu m2? Liệu có hợp lý khi Hòa Bình phải đầu tư ngân sách mà hưởng lợi lại là doanh nghiệp?

Tại sao Hà Nội không trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp trong vài tháng phải đầu tư đường ống kín dẫn “nước mặt sông Đà” về nhà máy xử lý để trả hồ Đầm Bài cho Hòa Bình phục vụ sản xuất nông nghiệp?

Trong tương lai gần, chính quyền Hà Nội có cần xem xét lại chính sách mua nước của các doanh nghiệp mà báo chí đã đề cập?

Nên chăng thành phố chỉ có một đầu mối phân phối nước sạch, đơn vị này thu mua nước từ các doanh nghiệp thông qua các hợp đồng hết sức chặt chẽ về chỉ tiêu nước sạch đô thị và những quy định trách nhiệm cụ thể khi xảy ra sự cố.

Thành phố có quyền lựa chọn doanh nghiệp cung cấp nước, song nếu mua giá cao và lấy ngân sách bù giá thì có nên cân nhắc bảo đảm hài hòa lợi ích của tất cả các bên: doanh nghiệp, người tiêu dùng và ngân sách thành phố?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://baotintuc.vn/xa-hoi/lo-hong-khien-nguon-nuoc-sach-song-da-bi-nhiem-dau-20191021171259276.htm

[2] http://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Ai-chiu-trach-nhiem-trong-viec-de-o-nhiem-nguon-nuoc-sach-o-Hoa-Binh-566617/

[3] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nuoc-sach-song-da-chua-biet-bao-gio-dam-bao-cho-viec-an-uong-1476475.tpo

[4] https://moitruong.net.vn/kien-nghi-xay-duong-ong-kin-tu-song-da-ve-nha-may-nuoc/

[5] https://laodong.vn/xa-hoi/kiem-soat-chat-luong-nuoc-sach-qua-nhieu-lo-hong-761115.ldo

[6] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/tinh-hoa-binh-doi-ho-ðam-bai-yeu-cau-lam-kenh-kin-1477844.tpo

[7] https://vtc.vn/bi-thu-ha-noi-khong-the-de-nhu-ong-ton-noi-chang-biet-dung-cap-nuoc-hay-khong-d505760.html

[8] https://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41986002-nuoc-sach-song-da-bao-dam-an-toan-co-the-dung-de-an-uong.html

Xuân Dương