Hoa hậu Hương Giang: 90% trang phục tôi mặc là hàng Việt

24/01/2012 08:48
Theo hoa hậu Hương Giang, 90% trang phục Giang mặc xuất hiện trước công chúng là hàng Việt.
Ngay cả trong các cuộc thi hoa hậu, hành trang Giang mang theo cũng là trang phục của các nhà thiết kế VN.

Là đại sứ cho nhiều thương hiệu, chiến dịch truyền thông quy mô quốc tế nhưng với hoa hậu đẹp nhất châu Á Hương Giang, trở thành đại sứ hàng Việt có một ý nghĩa rất khác, đó không đơn thuần là công việc mà là trách nhiệm.

Trao đổi với PV,  Hương  Giang nói: "Trong cuộc sống mỗi con người có những thứ không thay đổi được là gia đình, quê hương… Không ủng hộ hàng Việt cũng giống như mình không tự cứu mình".

Có chiều cao “khủng” và gương mặt xinh xắn, Hương Giang là đại sứ hàng Việt trẻ trong CLB Đại sứ hàng Việt xuất hiện khá đều đặn tại các chương trình ủng hộ hàng Việt trong hơn năm qua và nhanh chóng chiếm được nhiều thiện cảm. Ngoài vai trò đại sứ hàng Việt, Giang cũng là người dẫn chương trình “Câu chuyện hàng Việt” phát sóng trên kênh HTV9 hằng tuần.
Hoa hậu Hương Giang tham gia một chương trình giới thiệu sản phẩm mới tại siêu thị Co.op Mart Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM).
Hoa hậu Hương Giang tham gia một chương trình giới thiệu sản phẩm mới tại siêu thị Co.op Mart Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM).

- Điều gì đưa Hương Giang đến vai trò của một đại sứ hàng Việt, vốn không được trả thù lao mà phải thường xuyên về vùng sâu, vùng xa?

Hơn một năm qua, trong vai trò đại sứ hàng Việt, Giang có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, từ những người nông dân chân chất ở Kiên Giang đến các bạn sinh viên nồng nhiệt ở Nha Trang hay tiểu thương Hà Nội, đó là cơ hội cho Giang có vốn sống, kinh nghiệm nhiều hơn.

Những chuyến đi giúp Giang hiểu doanh nghiệp VN còn gặp nhiều khó khăn để đưa thông tin hàng hóa đến người tiêu dùng, trong khi đằng sau họ là hàng chục, hàng trăm công nhân, người lao động đang cần có việc làm để duy trì cuộc sống. Đại sứ hàng Việt là chương trình thiện nguyện và rất ý nghĩa mà Giang thấy may mắn khi được tham gia.

- Điều khó nhất của một đại sứ hàng Việt mà Giang cảm nhận là gì?

Trước khi giao lưu với mọi người, Giang phải lên mạng tìm hiểu xem họ đang quan tâm điều gì để có thể tiếp xúc, trò chuyện một cách gần gũi nhất, như gặp nông dân phải nói chuyện về phân bón, lúa như thế nào, tiểu thương quan tâm hàng nội, hàng ngoại ra sao… Nhưng cũng có những tình huống không có trong “kịch bản”.

Ở Nha Trang, một bạn sinh viên đã hỏi: “Trên mạng hoa hậu Hương Giang được bình chọn là hoa hậu ăn mặc đẹp nhất, vậy trang phục đó là hàng nội hay ngoại?”, hay cô Kim Xuân (nghệ sĩ Kim Xuân) nhiều lần bị hỏi ngay tại sân khấu là trên người cô mặc bao nhiêu phần trăm là hàng Việt. Thực tế, mọi người không phải đợi đến lúc giao lưu mới cố tình mặc hàng Việt để trình diễn mà đã thể hiện ngay trong lối sống hằng ngày. Việc kêu gọi không diễn ra trong một khuôn khổ chương trình mà trở thành hành động đối với các đại sứ.
Hoa hậu Hương Giang giao lưu với các đại sứ hàng Việt tí hon tại Đà Lạt vào giữa năm 2011.
Hoa hậu Hương Giang giao lưu với các đại sứ hàng Việt tí hon tại Đà Lạt vào giữa năm 2011.

- Một nghệ sĩ, người đẹp gắn liền với hình ảnh sang trọng trên các thảm đỏ như Hương Giang liệu có bị áp lực sử dụng hàng hiệu?

Cho đến nay 90% trang phục Giang mặc xuất hiện trước công chúng là hàng Việt. Ngay cả trong các cuộc thi hoa hậu, hành trang Giang mang theo cũng là trang phục của các nhà thiết kế VN. Mọi người cho rằng phải là hàng hiệu mới đẹp, mới sành điệu, nhưng theo Giang, quan trọng là chọn đồ phù hợp bản thân.

Cô bạn hoa hậu Singapore mỗi lần qua Việt Nam rất thích mua sắm, trong khi rất nhiều người cho rằng Singapore mới là thiên đường mua sắm. Giang nghĩ sử dụng hàng hiệu không có tội bởi những món hàng đó rất đáng tiền. Tuy nhiên, những người nổi tiếng cần có sự tiết chế hình ảnh hàng hiệu vì phong cách sống của họ ảnh hưởng mạnh mẽ đến suy nghĩ, quan niệm sống của một bộ phận giới trẻ.

- Hương Giang từng nhận xét hàng Việt vẫn còn chưa đẹp, chưa tốt. Vậy để hàng Việt đi vào cuộc sống mỗi người, theo Giang, doanh nghiệp VN còn phải vượt qua những rào cản nào?

Tiếp xúc với người tiêu dùng nhiều địa phương, Giang thấy mọi người đã quen với cụm từ hàng Việt hơn nhưng vẫn ở mức nhận thức chứ để trở thành thói quen thì cần thêm thời gian.

Ngoài ra, một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn định kiến với hàng Việt là những món hàng bình dân. Trong khi thực tế vẫn có nhiều thương hiệu Việt hướng đến cao cấp và rất nhiều người tiêu dùng cũng cần xài hàng Việt chất lượng cao như thế. Hôm trước chuẩn bị cho một sự kiện, Giang đã vào một cửa hàng thời trang VN mua một chiếc túi cầm tay và cảm thấy tự tin khi dùng nó. 

Theo Tuổi trẻ