Họa sĩ 9X Thu Uyên và con đường tìm nguồn cảm hứng sáng tác

17/08/2022 06:41
Ngô Hiển
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Trên con đường tìm nguồn cảm hứng sáng tác, Nguyễn Thu Uyên rất hứng thú với những gì đến từ sơ khai nguyên thủy trong tự nhiên, con người để đưa vào tranh.

Cuối tháng 7/2022, triển lãm “Xin chào” của nhóm 61YK+ gồm 10 sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, trong đó họa sĩ trẻ Nguyễn Thu Uyên đã có màn ra mắt ấn tượng với công chúng tại Trung tâm Mỹ thuật Đương đại, số 621, Đê La Thành, Hà Nội.

Đối với họa sĩ trẻ Nguyễn Thu Uyên, tình yêu và niềm đam mê với hội họa sớm ươm mầm trong tâm hồn cô.

Họa sĩ trẻ Nguyễn Thu Uyên (ảnh: NVCC)

Họa sĩ trẻ Nguyễn Thu Uyên (ảnh: NVCC)

Vẽ như hơi thở của cuộc sống

Nguyễn Thu Uyên sinh năm 1999, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Khi mới 4 tuổi, cô đã có hứng thú và khao khát được cầm bút vẽ, niềm đam mê đến một cách rất tự nhiên. Nguyễn Thu Uyên tâm sự: “ Vẽ đối với em rất tự nhiên như chính là hơi thở của cuộc sống vậy”.

Có lẽ, chính tình yêu hội họa từ nhỏ, yêu cái thuần túy, đơn sơ nên sau này Nguyễn Thu Uyên cũng dần nhận ra bản thân rất hứng thú với những gì đến từ sơ khai nguyên thủy trong tự nhiên, con người để đưa vào trong tranh.

Học lên cấp 2, Thu Uyên đã nuôi chí phấn đấu phải thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cái nôi nuôi dưỡng và đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ tài năng của đất nước. Biết được ý định của Thu Uyên, bố mẹ đều hết lòng ủng hộ để thỏa chí ước mơ của con.

Bằng sự nỗ lực bản thân, năm 2017, Nguyễn Thu Uyên thi đỗ Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam như mong ước. Cô dồn hết tâm sức để học tập, tìm tòi và đi tìm cảm hứng sáng tác.

May mắn, cô được dìu dắt từ hai người thầy họa sĩ là Nguyễn Quang Hải và Đào Quốc Huy. Nguyễn Thu Uyên cho biết: “Mỗi thầy đều có thế mạnh riêng của mình, thầy Nguyễn Quang Hải chú trọng kỹ thuật, nền tảng vững chắc cơ bản. Còn thầy Đào Quốc Huy lại chú trọng về đề tài sáng tác”.

Các thầy luôn gợi mở và kích thích tiềm năng của học trò, giúp Thu Uyên tránh đi theo lối mòn. Ngoài giờ giảng trên lớp, Thu Uyên thường xin ý kiến giúp đỡ từ các thầy. Có khi hai thầy trò cùng ngồi trao đổi, làm việc rồi từ đó tìm ra hướng sáng tác.

Phiêu lưu trong thế giới bản thân

Từ năm thứ 3 đại học, Thu Uyên bắt đầu sáng tác tranh. Tùy tính cách mà các họa sĩ sẽ chọn hướng sáng tác khác nhau, cô họa sĩ trẻ đã tự tạo cho mình một thế giới riêng. Từ đó, cô đi phiêu lưu tìm kiếm những thế mạnh bản thân để phát huy nó trong sáng tạo tác phẩm.

Nguyễn Thu Uyên đi sâu vào khai thác các chủ đề trong thiên nhiên tìm sự kết nối. Những trạng thái khác nhau trong cùng một khung cảnh thiên nhiên, con người với thiên nhiên cũng được Thu Uyên khai thác triệt để.

Tác phẩm “Hồi ức bão trên biển”, năm 2022 của Nguyễn Thu Uyên (ảnh: NVCC)

Tác phẩm “Hồi ức bão trên biển”, năm 2022 của Nguyễn Thu Uyên (ảnh: NVCC)

Đã nhiều lần cô về Nghệ An để khai thác chủ đề: “Biển và em”. Cả ngày trên biển để ngắm các trạng thái của, lúc bình minh, lúc chiều tà, biển bão, biển lắng, mùa đông, mùa hè… Các thời điểm khác nhau của khung cảnh dẫn tới tâm trạng và tạo nguồn cảm hứng sáng tác.

Chỉ trong mấy năm, họa sĩ trẻ Nguyễn Thu Uyên đã có nhiều tác phẩm ấn tượng, trong đó có 10 tác phẩm sơn dầu khổ lớn và hơn một trăm tác phẩm kí hoạ, trực hoạ khổ nhỏ đa dạng về chất liệu…

Ngoài việc học tập, Thu Uyên còn thường tham gia dạy vẽ cho các em nhỏ ở lớp Mỹ thuật Ong Vàng trên phố Phù Đổng Thiên Vương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Thu Uyên cho biết: “Tham gia dạy các bạn nhỏ rất thú vị, không chỉ em truyền cho cho các bạn tình yêu mà các bạn cũng truyền lại cho em năng lượng sáng tạo mới mẻ, đột phá hơn”.

Trong quá trình dạy, Thu Uyên luôn đề cao sự quan sát và tính sáng tạo của trẻ, không xơ cứng hay khuôn theo hình mẫu. Thậm chí vừa vẽ vừa trò chuyện cùng trẻ để khai thác và phát triển được nhiều chủ đề.

Hai tác phẩm về trẻ em của Nguyễn Thu Uyên, năm 2020 (ảnh: NVCC)

Hai tác phẩm về trẻ em của Nguyễn Thu Uyên, năm 2020 (ảnh: NVCC)

Nguyễn Thu Uyên cho biết: “Ví dụ trong chủ đề: Giao thông, em sẽ hỏi các bạn nhỏ thấy gì trên đường. Có khi là xe cộ trên đường, cửa hàng buôn bán, siêu thị… bất cứ thứ gì trẻ thấy trên đường đều có thể vẽ. Điều đó khiến các bạn nhỏ rất thích thú”.

Thông điệp từ triển lãm “Xin chào”

Đối với người họa sĩ, việc tổ chức triển lãm tranh đánh dấu từng bước trưởng thành, phát triển trên con đường sáng tác nghệ thuật.

Họa sĩ trẻ Nguyễn Thu Uyên (thứ 3 từ trái) cùng nhóm 61YK+ và các thầy giáo trong buổi triển lãm (ảnh: NVCC)

Họa sĩ trẻ Nguyễn Thu Uyên (thứ 3 từ trái) cùng nhóm 61YK+ và các thầy giáo trong buổi triển lãm

(ảnh: NVCC)

Đối với Nguyễn Thu Uyên và các bạn trong nhóm 61YK+ khi ra mắt triển lãm “Xin chào’’ gồm 59 tác phẩm, với mục đích không chỉ đánh dấu điểm kết thúc cho những năm tháng sinh viên tại đại học mà còn là sự mở đầu cho một chặng đường dài sáng tác nghệ thuật.

Nhóm hoạ sĩ 61YK+ gồm 10 người, là một nhóm hoạ sĩ trẻ đến từ mọi miền của Tổ quốc, các bạn có sự đa dạng về đề tài và phong cách thể hiện.

Với họa sĩ trẻ Nguyễn Thuỳ Trang, đề tài cô theo đuổi xuyên suốt là vẻ đẹp thiên nhiên, con người. Vẽ đối với chị là đi tìm chính bản thân mình và phải kiên trì đi trên con đường đó. Với sự nhạy cảm và sâu sắc trong tâm hồn cùng chất liệu sơn mài truyền thống, các tác phẩm của chị mang đậm hồn quê Bắc Bộ yên ả.

Tiếp nối đó là những thanh âm hạnh phúc trong tranh của Nguyễn Yến. Các tác phẩm của Yến luôn tràn đầy rung cảm về thiên nhiên, không khí gia đình ấm cúng và sự bay bổng của tình yêu đôi lứa. Nhắc tới tình yêu, về sự giằng xé nội tâm khó có thể diễn tả bằng lời mà đôi khi chính tác giả cũng không cố gắng cụ thể tình yêu đó trong tranh.

Quỳnh Nga hay Lene, luôn luôn có cách dẫn dắt chúng ta đến với những trạng thái vừa hỗn loạn, vừa tĩnh mịch, có sự nồng ấm của tình yêu và cũng có cả sự cô đơn hoang hoải.

Đến cuối cùng, chúng ta có thể cũng sẽ không rõ mình cảm thấy gì đứng trước tranh của Ne, nhưng điềm nhiên là có một sự gặp gỡ ở đâu đó mơ hồ trong tâm trí.

Tác phẩm “Giông phố” của Nguyễn Thu Uyên, năm 2022 (ảnh: NVCC)

Tác phẩm “Giông phố” của Nguyễn Thu Uyên, năm 2022 (ảnh: NVCC)

Đến tranh của Nguyễn Thu Uyên là đến với một thế giới nơi con người và thiên nhiên được hoà làm một tổng thể hoàn chỉnh. Với cô, vẽ luôn luôn là một cuộc rong chơi, phiêu lưu trong nội tâm, bạn luôn đề cao cảm xúc của cá nhân mình trong quá trình sáng tác. Cùng vì thế mà bạn lựa chọn lối vẽ biểu hiện mạnh mẽ, với các khung cảnh không cụ thể, cùng với biểu cảm nhân vật trong tranh có tính tương tác cao, người xem sẽ luôn luôn có cảm giác mình như đang là một phần trong thế giới của mà bạn tạo ra.

Đến với những đề tài có khuynh hướng thực tế là của ba bạn Âu Đình Kiên, Nguyễn Đức Anh và Nguyễn Minh Thuấn. Cùng là những góc phố nhưng mỗi bạn lại có phong cách thể hiện rất đặc trưng. Đặc biệt là Minh Thuấn với các nhiều màu sắc xã hội, đó là cảnh nhà bếp, nhà hàng với không khí trôi êm và tĩnh lặng.

Tiếp đó là thấy được cánh rừng dữ dội đầy màu sắc lung linh qua bức tranh của Âu Đình Kiên.

Đối lập với cách vẽ này, các tác phẩm của Đức Anh có tính chỉn chu và hiện thực cao hơn, người xem sẽ không khỏi trầm trồ về kỹ thuật tả thực của anh...

Khách tham quan triển lãm “Xin chào” (ảnh NVCC)

Khách tham quan triển lãm “Xin chào” (ảnh NVCC)

Mỗi tác phẩm trong triển lãm là một câu chuyện, trải nghiệm, suy tư hay tình cảm của những nghệ sĩ. Nhưng qua đó thấy được nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào của họ, góp phần tạo nên dấu ấn trong tâm trí người đến thưởng lãm. Tuy vậy, con đường cần bước tiếp còn rất dài.

Đối với họa sĩ trẻ Nguyễn Thu Uyên tâm sự: “Hành trình khởi đầu trước khi ra được biển lớn cần rất nhiều nỗ lực bản thân và thậm chí có sự hi sinh, đánh đổi tuổi trẻ trên con đường vươn tới đỉnh cao của nghệ thuật’’.

Ngô Hiển