“Hoa xương rồng” đơm bông từ chiến trận

03/05/2015 05:00
Nông Thị Thuyết
(GDVN) - Người ta gọi nơi bác và các đồng đội tề tựu vơi nhau là “xóm không chồng”. Còn tôi gọi những người như bác là "những đóa xương rồng đâm bông từ chiến trận”.

Tại phường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) có một nơi gọi là “tề tựu” của những người phụ nữ cô đơn, mà chủ yếu là những nữ thanh niên xung phong tham gia kháng chiến.

Tìm đến con hẻm 358/25/3 Bùi Xương Trạch, không khó để hỏi ra địa chỉ của những cựu thanh niên xung phong này.

Được dịp trò chuyện cùng  bác Đặng Thị Thu (nhà số 15) về những hồi ức gian nan của thủa bom đạn chiến trường, rồi những tháng ngày cô đơn của phận nữ nhi “quá lứa lỡ thì” sau cuộc chiến… mới thấm thía biết nhường nào về nỗi khổ ải của đời người mà họ phải gánh chịu vì những tàn dư vô hình từ chiến tranh mấy chục năm về trước.

Một thời tuổi trẻ xương máu với chiến trận

47 năm  về trước (năm 1968), cô gái 18 tuổi Đặng Thị Thu quê ở Hải Phú, Hải Hậu, Nam Định tham gia thanh niên xung phong cho nhiệm vụ phá đá, mở đường. Giống như nhiều đồng đội khác, ở cái tuổi mà chưa hề biết hai chữ “tình yêu” là gì thì đã theo đơn vị đi băng rừng, vượt núi.

Để rồi từ đó, từng khắc tuổi xuân của cô và đồng đội cứ thế gửi gắm lại nơi những dốc núi, vực sâu và theo từng kíp mìn nổ phá đường đi đánh Mỹ. Những người như bác Thu tuy không cầm súng trực tiếp tham gia chiến trường, nhưng những nỗi vất vả, gian nan của nhiệm vụ mở đường là không thể nói hết bằng lời.

Nữ thanh niên xung phong năm nào giờ đã ở cái tuổi xế chiều, quây quần bên con cháu trong căn nhà nhỏ mà nhà nước chu cấp . Ảnh Nông Thị Thuyết
 Nữ thanh niên xung phong năm nào giờ đã ở cái tuổi xế chiều, quây quần bên con cháu trong căn nhà nhỏ mà nhà nước chu cấp . Ảnh Nông Thị Thuyết

Hồi ấy, đi thanh niên xung phong chủ yếu toàn đàn bà con gái, đi phá đá, mở đường hết các tỉnh miền núi phía Bắc. Như đoàn của bác Thu, mọi người phải rong ruổi hết khắp các cung đường từ Lạng Sơn, Bắc Thái, rồi Vĩnh Phú…. , vừa làm đường vừa phục vụ chiến đấu.

Bác bảo rằng “hồi ấy đi thanh phong (gọi tắt của “Thanh niên xung phong”) thì chỉ có biết đến tinh thần là chính thôi, đấy là nhiệm vụ phải đi, hồi ấy lại đang bị đánh bom ác liệt như thế! Chiến tranh vất vả như vậy nhưng cũng vui, vì mọi người hồi ấy rất thân thiết, không phân biệt vùng miền, xa hay gần…”.

Có lần: “vừa đậy được nắp hầm thì nghe có tiếng đùng đoàng trên mặt đất, nếu như mà chậm vài giây nữa thì chắc là bác… (cười)”.

Làm những công việc như  bác, tuy không phải là cầm súng đánh trận, nhưng vẫn hằng ngày phải chứng kiến cảnh chết chóc, đau thương khi đồng đội mình hy sinh dưới bom đạn quân thù.

Có những khi, trước mắt  bác là cánh tay đồng đội bị đứt lìa đang vướng lại trên cành cây. Nhưng bác bảo không hề thấy sợ vì như bác nói – “điều đó đã quá quen rồi”! Chiến tranh!  nó làm cho con người ta trở nên chai sạn với những điều đau đớn nhất, đó là nỗi đau mất đi đồng đội, và có lẽ là thêm cả lòng căm thù giặc đã giúp họ vượt qua sợ hãi.

Rồi năm 1972, bác Thu cùng loạt TNXP ấy sang làm công nhân quốc phòng, qua mở đường giúp nước bạn Lào cho đến khi hòa bình lập lại.

Những cung đường như Sầm Nưa, Pắc – Xế, Phong – Sa – Lì….hồi đó đã in khắc từng dấu chân, chai sạn của những người thiếu nữ tuổi đôi mươi. Rồi đến những cơn sốt rét rừng, rụng tóc, ghẻ lở dày vò thân thể… Những năm tháng tuổi xuân của bác và đồng đội đã vô tình bị vùi lấp nơi rừng sâu, núi thẳm.

Phận đời “quá lứa, lỡ thì”

Ngày hôm nay, ở cái tuổi 66, khi đã “sang bên kia dốc cuộc đời”, bác Thu sao mà nom gầy quá! Đến nỗi mà bác ngại khi để tôi chụp ảnh, vì “ôi, bác gầy – xấu lắm cháu à, chụp vào ảnh làm sao mà đẹp được?”.

Làn da nâu sạm, gầy guộc và đôi mắt lõm sâu như in khắc bao nỗi khổ, mệt nhọc. Nhưng , điều dễ khiến người ta quý mến ở bác chính là sự niềm nở, thân thiện và rất mến khách.

Chiến tranh qua đi, đến năm 1990, bác và các chị em được Binh đoàn 11- Tổng cụ Hậu cần- Bộ Quốc phòng cho nghỉ hưu, và được phân mỗi người một căn nhà cấp 4 nhỏ, vỏn vẹn được 14m2.

Trở lại với thời bình, quay về là những người phụ nữ trong đời thường, nhưng thật sự trớ trêu khi họ phải chịu cảnh “quá lứa lỡ thì” bởi chiến tranh, bom đạn.

Hầu hết những chị em cùng với bác đều chung phận cô đơn, trong nhà không có bóng người đàn ông để họ có thể nương tựa. Với bác Thu, số phận may mắn cho bác một đứa con, nhưng đó cũng là nỗi tủi hổ và kéo dài những ngày tháng nhọc nhằn của phận gái không chồng.  

Lặng ngồi nhớ lại những tháng ngày sinh nở, nụ cười xen lẫn nét đượm buồn trên khuôn mặt nâu sạm của người đàn bà ngoài sáu mươi. Bởi lẽ, bác mang thai, rồi sinh con đều trong sự lặng lẽ và “tự lực cánh sinh” một mình.

Gia đình, anh em, họ hàng đều ngỡ ngàng khi biết tin, bởi ở cái tuổi đã gần 40 – ai có thể ngờ được rằng người phụ nữ ấy lại còn có thể đủ sức mạnh để bắt đầu làm mẹ (?!) Đó là nỗi khát khao vô cùng của một người đàn bà mong muốn được làm mẹ, để có người cùng chia sẻ cuộc sống và nương tựa lúc về già như  bao người khác.

Đó còn là tủi hờn và đau đớn, bởi lẽ từ khi xác định sinh con, bác phải chấp nhận cuộc sống sẽ chỉ có một mẹ - một con; phải cố quên, cố lờ đi người đã cho mình giọt máu hy vọng đó, dù đứng trước bao lời lẽ của thiên hạ.

Một người mẹ nhưng lại không hề có người đàn ông để được gọi là “chồng”, còn đứa con – dù biết rõ nhưng lại không thể gọi người đó một tiếng “cha”. Người phụ nữ ấy chỉ có thể biết gắng gượng giấu những tủi hổ, đau buồn vào sâu trong lòng để lặn “lội thân cò” nuôi con.

Học xong cấp 2 thì con trai Đặng Trung Đông của bác phải nghỉ học vì nhà quá nghèo, để đi làm đỡ đần giúp mẹ. Thế rồi đến năm 2012, đau đớn tột cùng khi đứa con trai yêu thương, niềm hi vọng - chỗ dựa duy nhất của cuộc đời bác bỗng đổ bệnh lao phổi nặng.

Một thân một mình chạy chữa cho con gần một năm trời, bác gầy sọp, quay quắt theo từng ngày trị bệnh, mọi người ai cũng thương xót thay cho số phận éo le của hai mẹ con.

May mắn thay, được sự giúp đỡ của mọi người và sau bao đợt chữa trị thì bệnh tình cũng thuyên giảm. Hiện tại, con trai bác đã có một gia đình nhỏ, với một công việc là nhân viên bảo vệ. Có lẽ, câu nói “Ông trời không tiệt đường sống của ai bao giờ”  là rất đúng đối với cuộc đời mà bác đã đi qua.

Những người bạn của bác như bác Vân, nhưng nỗi cô đơn còm cõi, lại thêm tuổi cao, bệnh tật dày vò nên đã “xuất gia” nương nhờ nơi cửa phật trong một ngôi chùa bên Gia Lâm. Hay như bác Teo, quá nửa đời người mới run rủi  “gá” tạm cuộc đời với một người đàn ông đã 5 mặt con, bác cũng đành coi con chồng như con mình - như cho có một chút gì đó gọi là niềm vui của tuổi về già!

Ấy vậy mà bác Thu còn có một người con trai khác nữa. Đó là anh Trần Châu Thanh, ở tận trong Quảng Nam – người sinh viên từ một thông tin vô tình đọc được trên báo mà  đã ủng hộ cho con trai bác một khoảng tiền chữa bệnh vào năm 2012.

Bác còn nhớ rõ: “Hôm đến nhận tiền ủng hộ, bác gọi điện cảm ơn và hỏi nó rằng: sao con đang đi học mà lại góp tiền giúp bác? Thế này là con đang bỏ ra từ tiền mồ hôi nước mắt của bố mẹ con…”

-“Con vô tình biết được hoàn cảnh của bác, con không có nhiều tiền, con là sinh viên, nhưng con thật sự muốn giúp đỡ những người như bác, đấy là tiền ăn sáng của con thôi…”.

Kể từ đó, những cuộc điện thoại  xưng “mẹ - con” rất tự nhiên và duy nhất có một lần được hội ngộ, bác đã có thêm một đứa con trai, thêm một niềm vui giản dị nhưng lớn lao vô cùng.

Trong căn phòng nhỏ, chiếc giường của bác vỏn vẹn, nho nhỏ ở bên ngoài, còn đằng sau là không gian dành cho gia đình nhỏ của cậu con trai.

Những tấm huân chương, bằng khen theo những năm tháng thanh niên xung phong vẫn còn đó. Với đồng lương hưu ít ỏi và tiền của con trai kiếm được, cuộc sống của cả gia đình cũng chỉ ở mức tạm ổn.

Những mảnh đời éo le như bác Thu, bác Teo, bác Vân, bác Chính, bác An… trong con ngõ….nỗi buồn ấy, như những đóa xương rồng, họ chỉ có thể động viên lẫn nhau cho qua những ngày tháng tuổi già, kiếm tìm những niềm vui tinh thần giống như trước kia khi họ đã gắng sức vượt qua bom đạn, đau thương.

Nông Thị Thuyết