Hoan nghênh tinh thần, chỉ đạo kịp thời của Bộ Giáo dục về dạy học từ xa

16/05/2020 08:05
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Giáo sư Phạm Tất Dong kiến nghị, thời gian qua dạy học trực tuyến đã manh nha thì khi dịch bệnh được đẩy lùi vẫn nên tiếp tục duy trì hình thức học tập này.

Khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các nhà trường đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, những thói quen vốn ổn định về nề nếp học tập, thời gian, thời thời lượng bài giảng, về cách dạy- học, cách kiểm tra,… của người dạy, người học bị thay đổi, làm nảy sinh những yêu cầu mới, nhiệm vụ mới để đáp ứng tình huống khác biệt, chưa có trong tiền lệ.

Từ đó, dạy học trực tuyến, dạy qua truyền hình,…trở thành hướng giải quyết tất yếu của các nhà trường nhằm ứng phó sự nguy hại của dịch bệnh đối với trường học. 

Với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, ngành Giáo dục đã triển khai đồng bộ các giải pháp về dạy và học phù hợp với tình hình thực tế, trong đó, giải pháp dạy học trực tuyến, trên truyền hình đã được thực hiện trên toàn quốc và bước đầu có kết quả. 

Chia sẻ với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam hoan nghênh tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia đã có chỉ đạo kịp thời về dạy học qua internet, trên truyền hình cũng như công nhận kết quả của phương thức học này. 

Bởi lẽ trên cơ sở hướng dẫn của Bộ giúp các địa phương, nhà trường xây dựng kế hoạch triển khai việc dạy học qua Intrenet, qua trên truyền hình, thông báo lịch phát sóng cụ thể trên truyền hình đối với từng môn học, lớp học và phổ biến tới toàn thể học sinh, giáo viên và gia đình học sinh. 

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng một số địa phương thực hiện rất hiệu quả, học sinh thích thú, còn các địa phương vùng dân tộc, miền núi đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm các giải pháp duy trì nền nếp học tập cho học sinh và tổ chức dạy học trên truyền hình, dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện của địa phương.

Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam (ảnh nguồn Vietnamnet).
Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam (ảnh nguồn Vietnamnet).

Giáo sư Phạm Tất Dong đánh giá, dạy – học trực tuyến là một bước tiến của nền giáo dục hiện đại, không bao giờ có chuyện sản phẩm mới lại lạc hậu hơn sản phẩm cũ. 

Tuy nhiên vì là một phương thức mới nên nhiều người chưa quen, cảm thấy khó, sợ thay đổi nhưng đến khi làm được rồi thì thấy rằng dạy – học trực tuyến là một phương pháp rất cơ bản. 

Chính vì vậy, Giáo sư Phạm Tất Dong kiến nghị, thời gian qua dạy học trực tuyến đã manh nha ở các trường phổ thông thì khi dịch bệnh được đẩy lùi vẫn nên tiếp tục duy trì hình thức học tập này để phát huy tác dụng. 

Bởi lẽ, việc triển khai hình thức đào tạo tích hợp trực tuyến không chỉ là một giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 mà còn đánh dấu bước tiến lớn trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác dạy học ở trường phổ thông, phù hợp với xu hướng phát triển của khu vực cũng như trên thế giới.

Giờ đây thầy trò được trở lại với phấn trắng, bảng đen, tuy nhiên để ứng dụng công nghệ 4.0 vào giảng dạy hiệu quả thì nhà trường nên kết hợp vừa dạy trực tiếp vừa có một số giờ ứng dụng dạy trực tuyến. 

Giáo sư Trần Hồng Quân: Dạy học trực tuyến, truyền hình cần tiếp tục nhân rộng
Giáo sư Trần Hồng Quân: Dạy học trực tuyến, truyền hình cần tiếp tục nhân rộng

Theo Giáo sư Phạm Tất Dong, đối với những tiết học ngoại khóa, ôn tập về Lịch sử, Địa lý thì nhà trường hoàn toàn có thể ứng dụng dạy trực tuyến.

Ví như tiết học về người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo nếu dạy trực tiếp thì chỉ toàn lý thuyết tuy nhiên nếu học trực tuyến thì giáo viên hoàn toàn có thể chuẩn bị hình ảnh sinh động, thậm chí phim về vị vua này giúp tiết học trở nên thú vị hơn, hấp dẫn đối với học trò. 

Trước đó, ngày 16/4, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì họp trực tuyến với 19 Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc các vùng khó khăn về việc triển khai hoạt động dạy học từ xa qua internet và truyền hình, tại đây ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho rằng, những chỉ đạo kịp thời, rõ ràng của Bộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương triển khai thực hiện dạy học trực tuyến. 

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, triển khai dạy học trực tuyến đạt được 3 hiệu quả: Duy trì việc học, phần nào đó tạo được cho học sinh ý thức học tập, và thực hiện được mục tiêu “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.

“Tỉnh Nghệ An đã huy động tất cả các nguồn lực địa phương để tổ chức dạy học qua internet, truyền hình. Đến nay, ở cấp trung học phổ thông đã có gần 80%, trung học cơ sở 70% tham gia học tập theo các hình thức này”, ông Thái Văn Thành thông tin.

Là tỉnh có nhiều địa bàn khó khăn nhưng 100% các trường học thuộc tỉnh Quảng Nam đã triển khai dạy học trực tuyến.

Tuy nhiên, theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam, tùy vào vùng miền mà việc học trực tuyến đạt hiệu quả khác nhau. Tại các địa bàn thuận lợi, số học sinh tham gia học trực tuyến bình quân đạt trên 80%.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cho rằng, học trực tuyến hiệu quả ở mức độ nào là do nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Vẫn biết là còn khó khăn nhưng nếu nhìn khó khăn mà nhận xét dạy học trực tuyến không hiệu quả là không công bằng.

“Việc dạy học trực tuyến trong thời gian qua là có hiệu quả” - ông Quốc khẳng định. 

Quan điểm của nhiều Giám đốc Sở Giáo dục về dạy học qua internet và truyền hình
Quan điểm của nhiều Giám đốc Sở Giáo dục về dạy học qua internet và truyền hình

Đặc biệt, ông Quốc nhận định, những nơi nào Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, phụ huynh lo việc học cho con, nơi đó sẽ hiệu quả.

Cũng tại cuộc họp này, có 5 yếu tố quyết định thành công trong dạy học trực tuyến được Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đưa ra, trong đó trước hết là cơ sở hạ tầng, từ máy tính, phần mềm, đến đường truyền.

Yếu tố thứ hai là công tác quản lý chỉ đạo. Theo Thứ trưởng, sự quyết liệt trong quản lý, theo dõi, động viên, ghi nhận trong thời điểm khó khăn sẽ tạo động lực cho học sinh, giáo viên.

Lãnh đạo sở và hiệu trưởng nào tâm huyết sẽ triển khai thành công. “Hiệu trưởng cần quán triệt đây là nhiệm vụ để không có tâm lý vì nghỉ dạy mà làm việc với tinh thần không cao” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng thứ ba trong triển khai dạy học trực tuyến.

Có hạ tầng tốt, người quản lý quyết liệt, giáo viên chất lượng, tâm huyết nhưng học sinh thiếu động lực học tập, phụ huynh thiếu sự chia sẻ, hỗ trợ thì quá trình triển khai dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình không thể thành công.

Đây cũng hai yếu tố cuối cùng được Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề cập. “Học sinh phải có ý thức tự học, nhất là các em cuối cấp. Phụ huynh học sinh cần động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các em học tập” - Thứ trưởng nói.








Linh Hương