Hoàn thiện cơ chế, thu hút đầu tư trong GD để giảm áp lực sĩ số lên trường công

25/07/2022 06:34
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến cuối năm 2022, tỷ lệ các trường phổ thông ngoài công lập là 14%, số học sinh ngoài công lập theo học đạt 7,5%.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ, về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025, cho đến nay, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được một số kết quả nhất định bên cạnh một số khó khăn.

Số trường phổ thông ngoài công lập còn hạn chế

Tính đến hết năm học 2021-2022, tổng số học sinh của Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 1,65 triệu em, trong đó số học sinh công lập là hơn 1,42 triệu em và ngoài công lập là 226.631 em.

Tổng số trường học tại thành phố là 2.416 trường, gồm 1.400 trường công lập và ngoài công lập là 1.016 trường.

Đối với bậc học mầm non: Có 131.087 học sinh học trường ngoài công lập, còn số em học trường công lập là 126.176 em.

Cũng tương tự như vậy, số trường học ngoài công lập ở bậc mầm non cũng cao hơn gần gấp đôi so với các trường mầm non công lập (883 trường ngoài công lập trong khi đó chỉ có 468 trường công lập).

Thống kê công tác đầu tư xây dựng trường lớp năm học 2021-2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Thống kê công tác đầu tư xây dựng trường lớp năm học 2021-2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Ở chiều ngược lại, các bậc học từ tiểu học đến trung học phổ thông thì học sinh vẫn chủ yếu theo học hệ công lập còn hệ ngoài công lập vẫn rất hạn chế.

Số lượng trường ngoài công lập ở bậc tiểu học, trung học cơ sở chỉ chiếm trên 2- 5% so với các trường công lập, còn số lượng học sinh ngoài công lập ở những bậc học này cũng còn rất thấp so với học sinh công lập.

Trong năm học 2022-2023 sắp đến, theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng học sinh ngoài công lập ở các bậc học dự kiến sẽ tăng khoảng 6.569 em, trong khi đó hệ công lập học sinh dự kiến tăng đến 15.328 em.

Tăng nhiều nhất vẫn là bậc học mầm non (ngoài công lập tăng 3.933 em), kế đó là trung học phổ thông (2.519 em), còn lại là tiểu học và trung học cơ sở.

Năm 2020, quận Tân Bình vận động xã hội hóa hơn 20,5 tỷ đồng

Theo ông Nguyễn Bá Thành – Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, trong những năm vừa qua, nguồn kinh phí từ xã hội hóa của các công ty, đơn vị, cá nhân đầu tư cho sự phát triển của giáo dục và đào tạo trên địa bàn quận đã tăng lên đáng kể.

Hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài công lập đã được xây mới, cải tạo sửa chữa, tăng cường đầu tư trang bị cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, góp phần nâng cao các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh, đáp ứng yêu cầu đổi mới của nhà trường, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp phát triển giáo dục của quận.

Trong giai đoạn năm 2016-2020, hệ thống trường lớp ngoài công lập trên địa bàn quận đã thành lập mới 15 trường mầm non.

Trong năm 2020, nguồn tài trợ xã hội hóa cho các trường thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình đã vận động được hơn 20,5 tỷ đồng.

Từ năm 2015 đến năm 2020, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Thành phố Hồ Chí Minh đã có 33 trường được vay vốn kích cầu đầu tư, phát triển giáo dục, với tổng số tiền hơn 4,6 tỷ đồng.

Chương trình này những năm qua đã tạo thêm cơ hội cho học sinh được học tập trong điều kiện cơ sở vật chất được đầu tư tốt, phụ huynh học sinh hoàn toàn chủ động trong việc thực hiện tăng cường cơ sở vật chất của nhà trường, đảm bảo điều kiện học tập và sinh hoạt cho con em ở trường.

Phương thức thực hiện kích cầu rõ ràng, minh bạch các khoản đóng góp, chất lượng giáo dục ngày càng được cải thiện, kinh phí trả vốn kích cầu cộng với mức học phí thấp, cơ sở vật chất tốt, chất lượng dạy và học được đảm bảo.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Thành vẫn nhìn nhận, việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho việc phát triển giáo dục và đào tạo tại quận vẫn còn có hạn chế, như: Việc tham gia của các lực lượng xã hội vào việc đầu tư cho giáo dục chưa cao, mang tính chất phong trào.

Quá trình xã hội hóa, đầu tư cho giáo dục ở các trường tuy có tổ chức nhiều hoạt động, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Công tác chỉ đạo của ngành giáo dục về công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho giáo dục và đào tạo vẫn còn có nhiều bất cập, như cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội có lúc, có nơi chưa đồng bộ, mang tính phong trào, chưa cụ thể hóa được các văn bản hướng dẫn thực hiện vào tình hình thực tế của địa phương. Do đó thì việc thực hiện chưa đi vào chiều sâu.

Cuối năm 2022, thành phố phấn đấu có 14% trường phổ thông ngoài công lập

Theo ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 số cơ sở mầm non ngoài công lập đạt 67,5%, số trẻ theo học đạt 57,5%.

Với giáo dục phổ thông, Thành phố Hồ Chí Minh cố gắng phấn đấu đến cuối năm 2022 tỷ lệ các trường phổ thông ngoài công lập đạt 14%, số học sinh theo học ngoài công lập đạt 7,5%.

Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến cuối năm 2022 có 14% trường phổ thông ngoài công lập (ảnh minh họa: CTV)

Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến cuối năm 2022 có 14% trường phổ thông ngoài công lập (ảnh minh họa: CTV)

Để đạt được con số phấn đấu này, thành phố sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách như rà soát lại các hệ thống văn bản, chính sách về xã hội hóa.

Cụ thể: Tham mưu, đề xuất giải pháp tạo điều kiện để nhà đầu tư sử dụng đất không nằm trong quy hoạch giáo dục xây dựng trường phổ thông tư thục, đáp ứng nhu cầu xã hội hóa giáo dục, thu hút đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, giảm áp lực sĩ số lên hệ thống các trường công lập.

Đề xuất xem xét các Quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông khi áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có quy định diện tích tối thiểu từ 8 - 10m2/học sinh.

Đối với các hoạt động giáo dục liên quan đến cơ sở giáo dục ngắn hạn có vốn đầu tư của nước ngoài, trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ lên lớp chính khóa, dịch vụ tư vấn du học, văn phòng đại diện: Tham mưu hoàn thiện khung pháp lý về các quy định điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện về nhân sự.

Tham mưu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về địa vị pháp lý, quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức đầu tư cho giáo dục và các cơ sở giáo dục ngoài công lập, về sử dụng các nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước.

Tham mưu, đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý, cấp phát ngân sách Nhà nước theo hướng Nhà nước bảo đảm đầu tư cho các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông), chuyển từ hỗ trợ các cơ sở giáo dục sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách, chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng.

Tham mưu xây dựng, ban hành các chính sách về quyền lợi của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được tuyển dụng, làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn thành phố, bảo đảm ít nhất ngang bằng với quyền lợi của đội ngũ nhà giáo làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập.

Ngoài ra, thành phố sẽ còn rà soát các điều kiện về đầu tư, các chính sách về thuế, chính sách về đất đai trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết, đơn giản hóa quy trình thủ tục cho nhà đầu tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo thông tin thông suốt, minh bạch, giải quyết kịp thời những thắc mắc của các nhà đầu tư trong quá trình thành lập, hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Bảo đảm đối xử bình đẳng, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch, không phân biệt cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Người học đều được tiếp cận cơ hội giáo dục, hưởng lợi từ các chính sách phát triển giáo dục của Đảng, Nhà nước. Với vốn viện trợ ODA thì các cơ sở giáo dục ngoài công lập được tiếp cận, thụ hưởng vốn viện trợ này theo đúng quy định của pháp luật liên quan. Với vốn vay tín dụng trong nước thì các cơ sở giáo dục ngoài công lập được thụ hưởng nguồn vốn tín dụng trong nước ưu đãi (nếu có).

Song song đó, thành phố còn sẽ đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục, tiếp tục đẩy mạnh thông tin và truyền thông.

Việt Dũng