Học sinh giỏi cũng mỏi mệt vì ôn tập cho quá nhiều kỳ thi để xét tuyển năm 2023

10/02/2023 06:38
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Cách kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn vài tháng, với học sinh lớp 12 những ngày này, chỉ lặp đi lặp lại “guồng quay” học tập miệt mài tới 1-2 giờ sáng.

Những năm gần đây, bên cạnh sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức để lấy điểm làm căn cứ xét tuyển đại học, nhiều cơ sở giáo dục đại học còn tổ chức thêm các kỳ thi riêng để xét tuyển đầu vào.

Các phương thức xét tuyển khác cũng được nhiều cơ sở áp dụng như: Xét tuyển thẳng hoặc xét tuyển kết hợp dựa vào chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS,...

Do đó, nhiều thí sinh vì muốn tăng cơ hội tuyển sinh vào đại học đã lựa chọn ôn tập cho nhiều phương thức xét tuyển: vừa ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa ôn tập cho các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các cơ sở giáo dục đại học, hay tăng cường ôn luyện để thi chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS…

Điểm trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp ngày càng cao, thí sinh lựa chọn thi thêm các kỳ thi khác

Ôn tập cho nhiều kỳ thi cùng lúc, không ít thí sinh cảm thấy áp lực và lo lắng. Ảnh minh họa: DN
Ôn tập cho nhiều kỳ thi cùng lúc, không ít thí sinh cảm thấy áp lực và lo lắng. Ảnh minh họa: DN

Thùy Dương (học sinh lớp 12, Thái Bình) bắt đầu một ngày học tập của mình từ 7 giờ sáng ở trường đến hơn 5 giờ chiều. Kết thúc thời gian học ở trường, Dương ăn vội chiếc bánh mì và lại tiếp tục tới lớp học thêm để kịp giờ học từ 6 giờ 30 phút chiều đến 9 giờ tối.

Trở về nhà, ăn uống, tắm rửa và nghỉ ngơi, 10 giờ tối cô gái lại tiếp tục vào bàn học tới tận 1-2 giờ sáng. Tâm sự với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Dương nói:

“Nhiều lúc em cũng cảm thấy áp lực và quá tải, vì cứ phải học tập liên miên suốt ngày. Nhưng không học thì không theo kịp các bạn, và gần như các bạn trong lớp cũng có lịch học tập như em cả”.

Từ tháng 10 năm ngoái, Dương đã đăng ký học gia sư môn Toán. Gần đây, Dương tiếp tục đăng kí học thêm môn tiếng Anh với học phí 1,2 triệu đồng/tháng. Các môn học khác Dương chọn việc tự ôn tập để tiết kiệm chi phí cho bố mẹ.

Năm nay, Thùy Dương dự định thi chuyên ngành sư phạm Toán của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nguyện vọng thứ 2 của em là Trường Đại học Thương mại. Do vậy, Dương vừa ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Dương cho biết, để tăng cơ hội đỗ vào ngôi trường mơ ước, nữ sinh quyết tâm thử sức thêm ở kỳ thi đánh giá năng lực thay vì chỉ "trông chờ" vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

“Em dự định sẽ dùng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Thương mại. Với sư phạm, em sẽ cố gắng ôn tập để làm tốt bài thi đánh giá năng lực. Những năm gần đây, em thấy điểm chuẩn trúng tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngày càng tăng, do đó em muốn có thêm các phương thức xét tuyển khác để nắm chắc cơ hội đỗ.

Xác định kỳ thi nào cũng có cạnh tranh, vậy nên em sẽ cố gắng phát huy thật tốt để không phải hối tiếc”, Dương bày tỏ quyết tâm.

Gia đình thấy lo khi con ôn tập cho nhiều kỳ thi

Được gia đình định hướng học IELTS từ năm lớp 11, Hải Minh (học sinh lớp 12, Nghệ An) quyết tâm sẽ chinh phục IELTS 6.5 vào tháng 3 tới đây. Minh sẽ dùng kết quả thi IELTS để xét tuyển theo những phương án đã được công bố của Trường Đại học Ngoại thương.

Ảnh minh họa: DN

Ảnh minh họa: DN

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Hải Minh cho hay: “Theo em tìm hiểu và được các thầy cô thông tin, năm nay chúng em có khá nhiều lựa chọn để đăng ký xét tuyển vào đại học. Em dự định sẽ đăng ký vào Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Do vậy, thời gian này em đang tăng tốc để ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp, chuẩn bị thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và còn chuẩn bị thi thêm chứng chỉ tiếng Anh IELTS để xét tuyển”.

Minh tâm sự, mặc dù là một học sinh giỏi, tuy nhiên việc phải học và ôn thi nhiều kỳ thi trong cùng một thời điểm đôi lúc cũng khiến cậu cảm thấy hoang mang và đuối sức.

“Thời gian trong tuần em dành hết cho việc học trên lớp và ôn thi tại các lớp học thêm, trung tâm tiếng Anh. Lúc về nhà, hôm nào em cũng học bài tới tận đêm khuya, sớm nhất cũng phải 1 giờ sáng em mới rời khỏi bàn học. Nhiều lúc, em vẫn cảm thấy hoang mang vì không biết phải bắt đầu từ đâu giữa khối lượng kiến thức khổng lồ như vậy”.

Hiện tại, điểm IELTS ở lần thi gần nhất của Minh là 6.0. Do vậy, khoảng thời gian này em đang ưu tiên dồn sức cho việc ôn luyện tiếng Anh. Cũng vì vậy, điểm thi thử các môn cho kỳ thi tốt nghiệp có phần đuối hơn trước đây, điều này cũng khiến chàng trai khá lo lắng:

“Nhiều lúc bản thân em cũng lo lắng điểm thi IELTS của mình không đạt như mong đợi, như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới tiến độ ôn tập cho các môn học khác, kỳ thi khác. Vì vậy, em sẽ cố gắng hoàn thành tốt kỳ thi IELTS sắp tới để hoàn thành mục tiêu và tiếp thêm động lực để ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp cũng như thi đánh giá năng lực”.

Với bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Minh thường tự luyện đề thi thử trên các diễn đàn học tập để rèn kĩ năng làm bài thi. Chia sẻ thêm, cậu học trò lớp 12 đến từ Nghệ An cho biết sẽ đặt mục tiêu 110 điểm (thang điểm tổng 150).

Vốn có lợi thế ở lĩnh vực Khoa học tự nhiên - Xã hội nên Minh bớt lo lắng hơn, tuy nhiên em lại không tự tin ở lĩnh vực Văn học - Ngôn ngữ. Do đó, Minh cho biết, thời gian rảnh em thường cố gắng đọc thêm thật nhiều để tăng cường hơn vốn hiểu biết.

Trao đổi thêm với phóng viên, mẹ của Hải Minh cho biết: “Tôi thấy các con bây giờ thi cử áp lực rất nặng, vì vậy gia đình cũng luôn động viên, tạo mọi điều kiện để con có thời gian ôn tập và nghỉ ngơi hợp lý.

Trước đây Hải Minh còn dự định thi thêm cả kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nữa, tuy nhiên chúng tôi sợ rằng việc con ôn tập quá nhiều kỳ thi sẽ không hiệu quả. Do đó, qua tư vấn của các thầy cô giáo, gia đình định hướng con ôn tập để đạt kết quả cao từ đó có thể xét tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (nếu đạt) mà không cần phải tham dự kì thi đánh giá năng lực của nhà trường".

Năm 2023 nở rộ các kỳ đánh giá năng lực, đánh giá tư duy khi gia tăng số cơ sở giáo dục đại học tổ chức các kỳ thi này như: đánh giá năng lực (HSA) của Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, bài thi đánh giá do Bộ Công an tổ chức, bài thi TestAS của Trường Đại học Việt Đức…

Bắc Sơn