Học sinh học quá tải - Trách nhiệm hàng đầu thuộc về giáo viên

26/04/2015 06:00
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - "Tôi nhận thấy có một bộ phận không nhỏ thầy cô giáo, nhất là bậc tiểu học và THCS còn non yếu, hạn chế về kiến thức chuyên môn lẫn phương pháp sư phạm".

LTS: Tiếp theo loạt bài viết về vấn đề giáo dục của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc, hôm nay, thầy Ngọc đề cập đến chuyện học sinh học quá tải, lỗi và trách nhiệm do ai?

Các góc nhìn, lập luận của thầy xuất phát từ thực tế giáo dục nước nhà, rất đáng suy ngẫm.

Tòa soạn trân trọng gửi tới quý vị bạn đọc.

Chương trình, sách giáo khoa nặng nề, lạc hậu

Trước khi tiến hành phân ban ở bậc THPT năm 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cổ súy, ngợi ca rất nhiều về những thay đổi, điểm mới, ưu việt… của chương trình, nội dung, sách giáo khoa đổi mới ở bậc tiểu học, THCS và phân ban ở bậc THPT. 

Nó sẽ khắc phục được những lạc hậu, hạn chế của chương trình cải cách trước đây, thổi được khí thế, tinh thần dạy và học mới cho thầy và trò. Nhưng thực tế, kết quả đến thời điểm này thì như thế nào? 

Có thể nói, chương trình dạy học đổi mới, phân ban của chúng ta đã bộc lộ quá nhiều hạn chế, trở nên lạc hậu so với giáo dục thế giới đến hàng mấy chục năm, không đáp ứng được yêu cầu của xã hội, đất được trong thời kỳ hội nhập. 

Nhiều nội dung, kiến thức của chương trình, sách giáo khoa đổi mới, phân ban ở các môn học trùng lặp, nặng nề, hàn lâm, xơ cứng, vô bổ, xa rời thực tế cuộc sống…mà các nhà chuyên môn, thầy cô giáo đã chỉ ra và ai cũng thừa nhận thực trạng ấy.

Ảnh minh họa: Đỗ Tấn Ngọc
Ảnh minh họa: Đỗ Tấn Ngọc

Giáo viên chưa biết cách dạy

Là người trong ngành, tôi nhận thấy có một bộ phận không nhỏ thầy cô giáo, nhất là bậc tiểu học và THCS còn non yếu, hạn chế về kiến thức chuyên môn lẫn phương pháp sư phạm (vì nhiều nguyên nhân) nên chưa thể đáp ứng được yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa hiện hành. 

Dạy thường ôm đồm, tham lam, lúc nào cũng sợ thiếu, cái gì cũng muốn truyền đạt, cung cấp hết cho học trò, thành ra thời lượng trên lớp liên tục bị “cháy” giáo án, các học sinh không có thời gian được suy nghĩ, chủ động trao đổi, thảo luận mà luôn trong tình trạng bị nhồi nhét kiến thức đến bội thực, chán ngán. 

Như vậy, giáo viên chính là người làm rườm rà, phức tạp hóa thêm bài dạy, gây ra áp lực quá tải cho học sinh của mình. Giáo viên biết dạy là người biết chọn lọc những kiến thức, nội dung cơ bản, trọng tâm của bài học, để rồi gợi mở, diễn giải cho các em hiểu, nắm bắt nó trong không khí nhẹ nhàng, thoải mái, có đối thoại, tranh luận... 

Ảnh minh họa: Đỗ Tấn Ngọc
Ảnh minh họa: Đỗ Tấn Ngọc

Còn những vấn đề, nội dung mà sách giáo khoa, sách bài tập đã trình bày kỹ rồi, thầy cô giáo chỉ cần hướng dẫn gãy gọn để các em tự học và tự đọc ở nhà. 

Các nhà soạn sách khi viết giáo khoa cũng tính tới chuyện tự học của học sinh ngoài thời gian ở trên lớp. Ví dụ, một số văn bản trong bộ môn Ngữ văn bậc THCS, THPT được viết khá dài, có nhiều đơn vị kiến thức nhưng thời gian quy định chỉ có 1-2 tiết, nếu giáo viên không biết lược bỏ bớt nội dung không cần thiết đi thì khó thể nào đảm bảo về mặt thời gian. 

Ở bộ môn Đạo đức của THCS, Giáo dục công dân của THPT, việc dạy- học chưa đạt hiệu quả, thì lâu nay, nhiều người thầy, người cô toàn đổ tội cho sách giáo khoa viết quá nặng nề, khô khan, lý thuyết, khái niệm nhiều, thiếu đi những ví dụ, tình huống, câu chuyện sống động, hấp dẫn... 

Tôi thấy, vấn đề cốt lõi, hiệu quả hay không, cái chính là ở người dạy, người truyền đạt, chứ không phải ở sách giáo khoa. Không phải mọi thứ đều có điều kiện thể hiện hết trong sách giáo khoa. 

Thực ra, sách giáo khoa chỉ là phần móng, phần khung, còn phần sinh động, hấp dẫn, tươi mới của từng bài môn giáo dục công dân hay nhiều môn học khác, phụ thuộc khá nhiều vào tài vận dụng, chế biến của người thầy, người cô. Cũng giống như trong nấu nướng vậy thôi, chừng ấy nguyên liệu, gia vị, anh biết nấu, khéo nấu sẽ cho ra sản phẩm rất khác với anh vụng nấu, vụng chế biến. 

Hiện nay, Bộ GD & ĐT đang đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng dạy- học, phát huy tốt nhất năng lực, phẩm chất người học sinh bằng các hình thức như : bài học minh họa, sinh hoạt theo chủ đề, thi học khoa kỹ thuật trong học sinh…nhưng tính hiệu quả ở nhà trường chưa đạt, chưa đồng bộ, một phần do tâm lý ngại đổi mới, do sức ỳ ạch của đội ngũ giáo viên còn nặng nề. 

Bệnh thành tích, dạy học thêm...thành một rào cản lớn

Trước hết, sức ép của căn bệnh thành tích do cấp trên áp đặt xuống thầy cô vẫn còn rất nặng nề. Nội dung "Nói không với căn bệnh thành tích trong giáo dục" được khởi xướng cách đây 8 năm, nhưng thực tế lại  ít có chuyển biến. 

Ngay cả, Quy chuẩn tự đánh giá các cơ sở giáo dục của Bộ GD & ĐT được triển khai  gần đây cũng có điểm ràng buộc về số lượng, tỉ lệ học sinh trung bình trở lên. 

Học sinh học quá tải - Trách nhiệm hàng đầu thuộc về giáo viên ảnh 3

Tìm "học sinh nổi trội", thầy "tẩu hỏa nhập ma"

(GDVN) - Sắp đến thời điểm bình chọn học sinh nổi trội theo Thông tư 30 làm thầy cô cứ muốn “tẩu hỏa nhập ma” với bao tiêu chí “hiểu như thế nào cũng được”

Bị căn bệnh thành tích áp chế, luôn vây bủa, thầy cô giáo với thân phận “con sâu, con kiến” chỉ biết bó mình, cố dạy cho bằng hết, nếu dạy không hết thì lỡ ra thi, họ lại ra chỗ không dạy hết đó, thì học sinh không làm được bài. 

Mà không làm được bài thì học sinh sẽ hỏng nhiều, mất chỉ tiêu thi đua, mất thành tích, danh hiệu nọ kia của tập thể, của trường... Cán bộ quản lý cấp trên vốn “sính” bệnh thành tích đâu để họ yên... 

Mặt khác, ngay trong cả phụ huynh học sinh cũng mắc bệnh “thành tích”, lúc nào cũng thích ganh đua, vì muốn con em mình bằng thiên hạ, trên thiên hạ, đi thi đâu đỗ đạt đấy nên thường dồn ép con con em học tập quá mức, không còn thời gian nghỉ ngơi, cứ bắt, khích lệ con em làm những bài tập nâng cao, khó hơn. 

Đáng nói nữa, là diễn biến tiêu cực dạy thêm tràn lan của nhiều thầy cô giáo ở không ít nơi hiện vẫn không có chiều hướng thuyên giảm, hàng loạt văn bản về quy định dạy thêm- học thêm của Bộ GD &ĐT và địa phương bị phớt lờ, xem thường. 

Muốn thu hút, lôi kéo được nhiều học sinh theo học thêm mình, nhằm tăng thêm thu nhập, nhiều giáo viên “câu”, “dụ” học trò bằng nhiều cách, trong đó có cách dạy  mở rộng, dạy nâng cao, dạy những kiến thức khó lên... thì mới thi đỗ đại học. 

Thầy quảng cáo và dạy như thế, học trò nào mà không ham, không thích? Vừa buộc đi học thêm, vừa bắt học sinh dung nạp thêm những kiến thức trên chuẩn, vượt chuẩn của Bộ giáo dục. 

Bội thực nội dung tích hợp, lồng ghép. Có một số người, bộ, ngành khác coi chương trình học ở bậc phổ thông giống như cái thùng không đáy, hễ cái gì  thấy thiếu, dư luận lên tiếng, xã hội giải quyết không xong, thế là bắt  học trò phổ thông học tất. 

Nhiều môn học từ cấp tiểu học đến bậc THPT đã thành loạn nội dung, vấn đề dạy lồng ghép, tích hợp. Thầy giáo thì ngao ngán, bất lực, còn học trò thì mệt mỏi, uể oải vì quá tải. 

Tất nhiên, chương trình, sách giáo khoa làm sao chuyển tải hết được những điều cần, điều mong muốn của người lớn, của xã hội. 

Vì chưa có sự chuẩn bị tốt về con người đến kinh phí, trang thiết bị, nên một số môn học, hoạt động như Hướng nghiệp nghề , hoạt động ngoài giờ lên lớp, chương trình lồng ghép khác...đưa vào giảng dạy 8 năm nay đang chết dở, sống dở, bỏ thì thương, vương thì tội.

Tóm lại, để giải được bài toán về tình trạng học sinh quá tải ở chương trình học phổ thông, đòi hỏi có một thời gian dài nữa, với sự cộng lực đầy quyết tâm của nhiều nhân tố, từ các nhà biên soạn chương trình, sách giáo khoa, cải tiến cách thi cử, đội ngũ thầy cô giáo đến nhận thức, tâm lý của phụ huynh học sinh. 

Trong đó, theo tôi, năng lực, trách nhiệm, lương tâm của  người thầy là nhân tố chính, có vai trò quyết định nhất, để học sinh chúng ta học quá tải hay không còn quá tải. 

Muốn được vậy, ngành giáo dục phải có biện pháp không ngừng củng cố, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên về mọi mặt, từ thái độ, nhận thức, kiến thức chuyên môn, tới phương pháp dạy học...một cách bài bản, căn cơ, lâu dài. 

Kể cả, sắp tới đây, khi đưa chương trình, sách giáo khoa mới vào thực hiện thì tính đồng bộ của các khâu và đặc biệt vai trò, sứ mệnh của người dạy vẫn luôn ở vị trí hàng đầu, quyết định. 

Làm sao họ thật sự là thầy, cô dạy học, chứ không phải là “thợ”, là “máy” dạy học? Làm sao, mỗi thầy cô luôn coi các em học sinh là ngọn đuốc cần nhem lên, thắp sáng, chứ không phải là cái bình cứ đổ đầy kiến thức? Những câu hỏi ấy cũng là những thử thách không hề nhỏ đối với các nhà quản lý, nền giáo dục Việt Nam.

Đỗ Tấn Ngọc