Học sinh không biết đọc, xin đừng đổ hết tội lên giáo viên chúng tôi

03/03/2019 06:00
Phan Tuyết
(GDVN) - Điều mà nhiều thầy cô giáo khẩn cầu nhất lúc này: Hãy trao cho giáo viên cái quyền được để học sinh ở lại lớp như nền giáo dục của hơn 20 năm về trước.

Câu chuyện một học sinh lớp 6 (Trường Trung học Lê Duẩn, xã La Tiêm, huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai) đọc viết còn rất chậm đang gây sự quan tâm cho nhiều người.

Điều đáng chú ý nhất là lời mẹ của học sinh S: “Thấy con học quá yếu gia đình cũng đã lên xin nhà trường để cho cháu ở lại học để biết đọc biết viết, nhưng nhà trường không chịu. Gia đình cũng mong muốn cháu đi học để biết cái chữ và hòa đồng cùng bạn bè”.

Học sinh ngồi nhầm lớp trách nhiệm chính của ai? (Ảnh minh họa: TTXVN).
Học sinh ngồi nhầm lớp trách nhiệm chính của ai? (Ảnh minh họa: TTXVN).

Giáo viên là người “lãnh đạn”

Sau khi câu chuyện đọc viết yếu của học sinh lớp 6 bị phanh phui, cô Nguyễn Thị Kha (Hiệu trưởng nhà trường) đã trả lời báo chí “…việc gia đình gặp để xin cháu ở lại thì nhà trường chưa nắm được và cũng chưa nghe các cô chủ nhiệm báo cáo”.

Nhưng khi phóng viên hỏi nhà trường “tạo điều kiện” như thế nào để một em học sinh yếu như em S., mà có thể vượt qua các kì thi từ lớp 1 – 4 ?

Đặc biệt, trình độ đọc viết của em còn chưa thạo, sao có thể vượt qua kì thi chuyển cấp với một hội đồng gồm: Trường Tiểu học Trần Quốc Toản và Trung học cơ sở Lê Duẩn kiểm tra giám sát và đạt điểm của một học sinh khá là Văn: 6 và Toán 7 ?

Ngoài ra, các điểm số, bài thi của S từ đâu ra và sao có được để đạt chuẩn học sinh lớp 6 cần có ?

Cô Kha cho biết: “Khi biết việc học sinh S., đến lớp 5 nhưng đọc viết còn chậm, tôi đã gọi 4 cô giáo chủ nhiệm của em lên nắm lại tình hình.

Theo các cô, em S., như vậy nên đã “tạo điều kiện” để em lên lớp theo các bạn cùng trang lứa vì sợ em bỏ học. Tôi cũng không hỏi rõ “tạo điều kiện” như thế nào. Điểm của em S., như thế nào thì đã có hội đồng giám sát và đánh giá theo kết quả em làm…”.

Còn ông Ngô Xuân Hiếu (Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Sê) cho biết:

“Sau khi nghe báo chí phản ánh việc em S., học lớp 6 mà đọc viết còn chậm khiến tôi rất bất ngờ.

Học sinh không biết đọc, xin đừng đổ hết tội lên giáo viên chúng tôi ảnh 2Cho học sinh quyền lưu ban thầy cô đối diện với nhiều thử thách và thiệt thòi

Ngay sau đó, tôi đã yêu cầu hiệu trưởng của 2 trường báo cáo thì mới biết em này bị thiểu năng nên mới như vậy.

Theo đó, em S., đang học sinh lớp 6, kết quả học kì 1 của em là học sinh yếu. Theo hồ sơ thì em S., đủ điều kiện lên lớp theo quy định”.{1}

Cần phải nói thêm là, trước đó, S., đã lưu ban năm lớp 1 và trong đợt kiểm tra cuối kỳ II, em S., cũng đã đạt 7 điểm môn Toán và 6 điểm môn Văn

Rõ ràng, trước sự việc trên hiệu trưởng nhà trường nói “…nhà trường chưa nắm được, chưa nghe các cô chủ nhiệm báo cáo”.

Còn Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo lại rất bất ngờ.

Trách nhiệm bây giờ chỉ là giáo viên chủ nhiệm của 5 khối lớp phải gánh chịu. Như thế có hợp lý không?

Những góc khuất phía sau học sinh không được quyền ở lại lớp

Buộc học sinh yếu phải lên lớp mà không có quyền được ở lại chắc chắn không chỉ diễn ra tại ngôi trường này.

Trước đó, một học sinh lớp 6 ở Sóc Trăng không biết đọc, biết viết đã được trường trung học cơ sở trả về tiểu học để học lại từ lớp 1…đó không chỉ là hiện tượng cá biệt.

Trong thực tế, nhiều trường học vẫn có tình trạng học sinh lớp 2, lớp 3 thậm chí lớp 4, lớp5 không viết nỗi tên mình, không làm được một phép tính đơn giản…

Vì sao lại có nhiều tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp?

Vì sao mà học sinh yếu không có quyền ở lại lớp?

Vì sao cứ phải lùa học sinh lên lớp bằng mọi cách?

Vì sao giáo viên cứ làm khổ lẫn nhau khi bắt các em yếu lên lớp rồi chính mình, chính đồng nghiệp mình phải lãnh nợ?

Người ngoài sẽ hỏi hàng chục câu hỏi vì sao như thế, nhưng người trong nghề như chúng tôi cũng đã chán các câu trả lời. Bởi, nói nhiều, phản ánh nhiều cũng chẳng thay đổi được gì.

Trường nói trường không biết, phòng nói phòng không hay. Chỉ vì phòng giáo dục và nhà trường không có văn bản nào chỉ đạo phải cho học sinh yếu phải lên lớp.

Cách mà nhà trường làm chỉ tạo sức ép từ nhiều phía cho giáo viên chủ nhiệm để chính họ tự thấy không thể để học sinh lưu ban.

Thế nên khi xảy ra chuyện (bị báo chí phanh phui) thì trách nhiệm chỉ là giáo viên gánh chịu.

Cấp trên tỏ ra bất ngờ, cấp chỉ đạo trực tiếp khẳng định mình không được nghe báo cáo…

“Quả bóng” trách nhiệm được đá sang chân và ai cũng hiểu, giáo viên đang phải gánh trách nhiệm chính. Mặc dù xét một cách công bằng giáo viên cũng không thể vô can trong chuyện này.

Học trò không được lưu ban, giáo viên cũng khổ

Nguyên nhân chính là những danh hiệu nhà trường có thể bị mất khi có nhiều học sinh lưu ban.

Đó là chuyện phổ cập bị ảnh hưởng, chỉ tiêu lên lớp thẳng, hiệu quả 5 năm đào tạo không đạt…

Trường không đạt nhiều chỉ tiêu đương nhiên phòng giáo dục thậm chí xã phường, huyện thị cũng bị kéo vào lây.

Và như thế, những giáo viên trực tiếp giảng dạy sẽ “sống không yên ổn”.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có hàng loạt bài phản ánh của các thầy cô giáo ở cơ sở về chuyện này.

Thế nhưng, Bộ Giáo dục đến thời điểm vẫn chưa có một động thái gì giúp học sinh được quyền lưu ban ngoài việc ra công văn nhắc nhở.

Biện pháp nhất thời khi có sự việc xảy ra (chuyện học sinh ngồi nhầm lớp bị lộ ra ánh sáng) là cấp phòng thường là chỉ đạo quyết liệt nhà trường làm rõ trách nhiệm giáo viên.

Biện pháp của trường là buộc những giáo viên ấy phải phụ đạo, kèm cặp học sinh lấy lại căn bản.

Nhưng kèm nỗi không khi giáo viên cũng không có nhiều thời gian, lên lớp chẳng lẽ chỉ dạy mỗi mình em ấy? Những học sinh đã mất căn bản từ lớp 1, các lớp sau có dạy kèm cỡ nào cũng khó có thể đạt hiệu quả.

Những biện pháp ấy thực ra chỉ xoa dịu bức xúc dư luận, chỉ giải quyết được bề nổi còn căn nguyên căn bệnh “ngồi nhầm lớp” thì vẫn cứ sống sờ sờ ra đấy.

Điều mà nhiều thầy cô giáo khẩn cầu nhất lúc này: Hãy trao cho giáo viên chúng tôi cái quyền được để học sinh ở lại lớp như nền giáo dục của hơn 20 năm về trước.

Tài liệu tham khảo:

https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/hoc-sinh-lop-6-doc-con-phai-danh-van-20190227122705245.htm{1}

Phan Tuyết