Học sinh 'nhập vai Cám' được dân mạng cho điểm 9 rưỡi, 10

12/10/2012 07:04
Long Hy
(GDVN) - Sau khi thông tin về bài văn nghị luận xã hội của một học sinh THPT ở Hà Nội nhận điểm 3,25 vì nhập vai nhân vật Cám để kể lại câu chuyện cổ tích, nhiều cư dân mạng phản đối lời phê cũng như điểm số mà cô giáo dành cho bài văn này.

Với đề bài có câu "nhập vai nhân vật Cám để kể lại câu chuyện Tấm Cám", học sinh này đã dùng ngôn từ của cuộc sống hiện tại quanh em thể hiện câu chuyện cổ tích quen thuộc Tấm Cám. Điểm số mà giáo viên dành cho bài văn này là 3,25 cùng những lời phê gồm: “Chữ nghĩa cẩu thả”, “Không biết cách làm bài nghị luận xã hội”, và “Nhân vật Cám của em đáng sợ quá!”.

Bài làm văn của học sinh
Bài làm văn của học sinh

Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng thì tỏ ra đồng tình và ủng hộ cũng như dành những lời tích cực cho giọng văn và cách hành văn của em học sinh trên. Bạn Nguyễn Anh Tuấn cho hay: “Hay mà, bài văn diễn tả đúng tâm lý nhân vật Cám. Tôi học khoa Ngữ Văn nên tôi thấy bài văn này đúng tâm lý, cô giáo này bị sao vậy”? Một thành viên khác cũng đồng tình: “Chuẩn! Bài văn này mình cảm thấy bạn í rất nhập tâm vào nhân vật Cám, nên theo mình điểm 10 về nội dung, nhưng ngược lại chữ viết thì...”.

Về ý tưởng của bài viết, một bạn tán thành và ủng hộ: “Hì hì, đúng là chữ viết "hơi" xấu nhưng ý tưởng thì quá hay, bạn này tương lai là viết truyện cười hay kịch bản phim sẽ không tồi, cô giáo chê học sinh nhưng cô giáo này cũng đáng chê hơn nữa vì cô viết chữ đã xấu lại còn viết tắt, nhất trí chấm bài văn này 9,5”. Bạn Hồng Thắm bày tỏ quan điểm: “Tôi thấy viết như vậy là quá nhập tâm và quá đạt yêu cầu rồi. Nếu Cám không độc ác, đố kỵ thì cổ tích Việt Nam đã bị thay đổi rồi. Bố cục và nội dung cũng rất sát với truyện Tấm Cám. Có điều... thấy cách "nhập tâm" của cô học trò này cũng hơi... rợn người”.

Ý kiến của bạn tên Quang chỉ ra những điểm chưa được của giáo viên trong lời phê dành cho bài văn của trò: “Giáo viên phê ở gạch đầu dòng thứ 2 là "ko" (không) trong khi đó lại khoanh đỏ chữ "ko" trong bài của học sinh là sao? Gạch đầu dòng thứ 3 cũng sử dụng ngôn ngữ nói. Bài viết đúng đề, thể hiện được tính cách nhân vật, ngôn ngữ bình dân phù hợp với truyện cổ tích (hiện đại) có sáng tạo”.

Bài trình bày của học sinh.
Bài trình bày của học sinh.

Một thành viên khác cũng chỉ ra những điểm chưa được của trong lời phê của giáo viên: “Lời phê dành cho cô giáo: Không nắm rõ đề bài khi ra đề. Kiến thức hạn hẹp không nắm được ý của người viết. Không nhìn nhận được sự đột phá, chỉ theo lối mòn suy nghĩ. Phê bình không đúng "nhân vật Cám của em đáng sợ quá", không lẽ tả mà "nhân vật Cám của em không đáng sợ" hay "nhân vật Cám của em đáng yêu quá". Đề nghị cô giáo nên đọc truyện này trước khi ra đề”.

Thành viên tên Quy khen ngợi: “Bài văn này mà đưa cho nghệ sỹ hài như Minh Vượng, Vân Dung... thì chúng ta có một tác phẩm hài cuối tuần thật hấp dẫn. Nếu tôi được làm đạo diễn đoạn văn này tôi chấm điểm 10”.

Đề bài: "Hãy nhập vai nhân vật Cám, kể lại chuyện cổ tích Tấm Cám" (chúng tôi để nguyên những chỗ sai chính tả như văn bản gốc của học sinh này và in nghiêng - pv)

Bài làm

Tôi là Cám, tôi sống với mẹ tôi và con của dượng tôi vì bố nó chết lâu rồi nên mẹ con tôi nuôi nó. Nhưng tôi cũng không ưa nó lắm vì nó lúc nào cũng ra vẻ làm chị. Hàng ngày nó cũng khá chăm chỉ vì việc nhà, tôi thấy cũng cỏn con: cho lợn ăn, chăn châu, nấu cơm, giặt quần áo… Tôi thấy ít việc đó nó làm hợp hơn tôi vì tôi còn bận chọn vải may quần áo và đi làm tóc tai. Tôi đang tuổi đôi mươi mà!

Có hôm mẹ tôi giao cho hai đứa công việc, mỗi đứa một giỏ để đi bắt đầy giỏ tôm cua. Đứa nào nhanh chân thì được cái yếm đỏ mẹ tôi mới mua đẹp mê hồn. Nhưng tôi thì có biết lội ao hồ bao giờ, bẩn hết quần áo mất. Con Tấm thì cứ tìm tìm mò mò đến bao giờ mới xong? Mình cứ đi hái hoa bắt bướm tí đã rồi về bắt tôm cua sau. Chiều khi tôi ra thì đã muộn rồi, thôi thì lừa con ngu kia một phen vậy: 

Chị Tấm ơi chị Tấm

Đầu chị bị lấm

Chị ra ruộng sâu mà gội đầu, không về mẹ mắng đó

Haha, nó đã tin lời mình, mình phải nhanh tay đổ hết tôm cua tép giỏ nó sang giỏ của mình mới được. Về nhà được lấy yếm đỏ, và tôi đã có cái yếm đỏ. 

Một hôm nọ, tôi thấy con Cám ít ăn, hay để giành một bát cơm của mình. Tôi với mẹ mới rình xem con ranh đang làm gì. Tôi và mẹ đã thấy nó gọi là:

Bống bống bang bang 

Bống ăn cơm vàng Cơm bạc nhà ta 

Chớ ăn cơm hẩm Cháo hoa nhà người

thì có con cá bống bé lòi lên. Tôi và mẹ tính thịt nó làm bữa bống kho. Hôm sau tôi và mẹ lừa nó đi chăn trâu xa không thì người ta thu trâu. Rồi tôi và mẹ tôi bắt con cá bống lên ăn thả ruột lại. Giờ nó hết người làm bạn nhé! Mình phải giấu xương ở xó bếp không nó biết với được.

Sắp đến vũ hội, mẹ và tôi chuẩn bị quần áo giầy dép mới cho tôi thật đẹp để kiếm chồng. Hôm đó tôi và mẹ chuẩn bị đi, con Tấm cũng đòi đi. Tôi tức quá, tôi suy mẹ đổ hết thóc gạo vào nhau cho nó ngồi mà sàng mà lọc. Haha, sáng mai cũng chưa xong đâu, rách rưới còn đòi theo quý tộc hahaha… 

Đang chơi hội vui vua ban lệnh thử giày, ai đi vừa là vợ vua. Mẹ và tôi cùng thử nhưng giầy con nào mà bé thế, bố tao cũng không ních vào được. Lựa đằng này đằng kia đau cả chân, bực cả mình đành thôi.

Rồi có một con đến thử rất giống con Tấm nhưng đẹp hơn, nó chỉ gần bằng tao thôi sao lại vừa giầy nhỉ. Bực quá! Gọi nó thì đúng nó rồi. Vua đưa nó về tổ chức đám cưới luôn mới sợ. Con này là con ôsin mà, vua mù rồi.

Đến ngày dỗ bố nó cũng biết đường vác mặt mà về. Bây giờ oai như cóc rồi, bà sẽ cho mày một phen.

Long Hy