Học sinh vùng cao Bắc Giang ấn tượng với “ông giáo” Nguyễn Lân Dũng

29/04/2021 14:39
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Buổi hội thảo là dịp đặc biệt để thầy và trò cụm giáo dục phía Tây Yên Tử (Bắc Giang) được gặp gỡ, giao lưu với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Ngày 28/4, tại trường Trung học phổ thông Sơn Động số 3 (Bắc Giang), Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã kết hợp với trường Trung học phổ thông Sơn Động số 3, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Động (Bắc Giang) tổ chức buổi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0”.

Học sinh các trường Trung học phổ thông Sơn Động số 3, Trường Trung học cơ sở Tuấn Mậu, Trường Trung học cơ sở Thanh Sơn và Trường Trung học cơ sở Thanh Luận (Cụm trường khu vực Tây Yên Tử) đã được nghe những chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Ở tuổi 84, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng vẫn dành cả buổi sáng để trao đổi, truyền cảm hứng cho các em học sinh.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang tặng hoa lưu niệm cho Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: LC

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang tặng hoa lưu niệm cho Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: LC

So với các địa phương khác trong tỉnh Bắc Giang, điều kiện giáo dục ở vùng cao Sơn Động còn nhiều khó khăn, việc nâng cao chất lượng còn nhiều vất vả.

Đặc biệt với trường Trung học phổ thông Sơn Động số 3 là ngôi trường non trẻ với 15 năm thành lập, nhiều năm qua nhà trường đã từng bước vượt lên khó khăn để khẳng định chất lượng giáo dục.

Nhiều năm qua, Ban Giám hiệu nhà trường, tập thể cán bộ giáo viên đều thực hiện công tác giảng dạy, học tập với quyết tâm “khó khăn gấp đôi thì nỗ lực gấp ba” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Vừa duy trì kỷ cương, nền nếp, nâng cao chất lượng dạy và học, vừa tuân thủ tuyệt đối chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang.

Cùng với chủ đề năm học 2020 – 2021: “Kỷ cương - nền nếp; chủ động - sáng tạo; chất lượng - hiệu quả”, buổi Hội thảo cũng là sự kiện quan trọng của thầy trò trường Trung học phổ thông Sơn Động số 3.

Đặc biệt, với học sinh tại Sơn Động, một huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, việc cách xa trung tâm tỉnh lỵ, điều kiện tiếp cận với thông tin mới còn nhiều hạn chế, đây là một dịp tốt để thầy và trò các trường có thể trực tiếp tiếp nhận những kiến thức bổ ích.

Buổi hội thảo diễn ra trong không khí chăm chú theo dõi của đông đảo học sinh, thầy cô với diễn giả là một người thầy từng tốt nghiệp đại học trẻ nhất Việt Nam, với cách chia sẻ vui vẻ và khoa học nên Giáo sư đã dẫn dắt được người nghe đi từ bất ngờ này tới ngỡ ngàng khác.

Tiết mục văn nghệ đầu giờ của học sinh trường Trung học phổ thông Sơn Động số 3. Ảnh: LC

Tiết mục văn nghệ đầu giờ của học sinh trường Trung học phổ thông Sơn Động số 3. Ảnh: LC

Cũng tại buổi hội thảo, bằng những ví dụ cụ thể, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã truyền tải tới các em học sinh những tấm gương có nghị lực vươn lên, mặc dù khuyết tật, gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng, tự học hỏi để vươn lên, tự trang bị cho mình kiến thức về công nghệ, tự tin hòa nhập vào cuộc sống.

Những tấm gương đó không những tự lo được cho bản thân, mà còn giúp ích rất nhiều cho cộng đồng, xã hội.

Ngoài ra, còn rất nhiều tấm gương, những người nông dân vượt khó, họ đã áp dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp, để rồi thành công, không những thoát nghèo mà còn trở thành tỷ phú. Những ví dụ rất gần gũi với các em học sinh vùng cao, vùng lâm nghiệp như tại Bắc Giang.

Tất cả những tấm gương vượt khó mà Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đưa ra làm ví dụ, đã trở thành niềm cảm hứng cho các em học sinh vùng Tây Yên Tử.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng đã dành nhiều lời khuyên bổ ích cho các em học sinh vùng Tây Yên Tử để các em sống tốt hơn, hiếu thảo với cha mẹ, chan hòa trong cuộc sống, không để đánh mất mình trong mọi hoàn cảnh.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ với học sinh tại cụm trường Tây Yên Tử. Ảnh: LC

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ với học sinh tại cụm trường Tây Yên Tử. Ảnh: LC

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng căn dặn các bạn học sinh: Học tập trong thời đại công nghiệp 4.0 là để trở thành công dân toàn cầu, trở thành người tự do, làm chủ cuộc đời mình.

Muốn trở thành công dân toàn cầu, các em phải học tiếng Anh, học lập trình, công nghệ thông tin.

Một điều không kém phần quan trọng đó là sự nỗ lực vươn lên, kiên trì, cố gắng vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng muốn các em học sinh học tập những tấm gương về ý chí học tập như Trần Hồng Giang (Nam Định), Lê Thị Thắm (Thanh Hóa) – những người bị khiếm khuyết về cơ thể vẫn vươn lên học tập, tạo dựng thành tích và trở thành người có ích cho xã hội.

Giáo sư cũng mong muốn các em hãy học tập anh nông dân Mười Bơ, chỉ học đến lớp 6 nhưng đã từng bước, từng bước trở thành tỷ phú, làm thay đổi cuộc sống của người dân Tây Nguyên khi áp dụng ý tưởng trồng cây bơ thay thế cây muồng che bóng mát cho cây cà phê ở Tây Nguyên.

Sự ân cần, gần gũi của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã tạo ấn tượng đặc biệt với học sinh vùng cao Bắc Giang. Ảnh: LC

Sự ân cần, gần gũi của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã tạo ấn tượng đặc biệt với học sinh vùng cao Bắc Giang. Ảnh: LC

Tinh thần lạc quan, ý chí, quá trình học tập không ngừng nghỉ sẽ giúp các em trở thành những công dân toàn cầu trong thời đại 4.0, các em sẽ biến những thách thức, khó khăn thành cơ hội để thành công, để làm chủ cuộc đời mình và sống một cách ý nghĩa.

Cuối buổi hội thảo, thay mặt các thầy cô giáo, các vị phụ huynh, học sinh các cụm trường phía Tây Yên Tử, thầy giáo Nguyễn Đình Linh – Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Sơn Động số 3 đã gửi lời cảm ơn đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo đầy ý nghĩa cho học sinh cụm trường.

Cũng theo thầy giáo Nguyễn Đình Linh, buổi hội thảo không chỉ dành cho các em học sinh mà các thầy cô giáo cũng học hỏi rất nhiều từ Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Một số hình ảnh buổi hội thảo:

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tặng quà cho các em học sinh trường Sơn Động.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tặng quà cho các em học sinh trường Sơn Động.

Những kiến thức bổ ích mà Giáo sư Nguyễn Lân Dũng mang lại cho học sinh cụm trường Tây Yên Tử vô cùng bổ ích.

Những kiến thức bổ ích mà Giáo sư Nguyễn Lân Dũng mang lại cho học sinh cụm trường Tây Yên Tử vô cùng bổ ích.

Thầy giáo Nguyễn Đình Linh phát biểu cảm ơn Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Thầy giáo Nguyễn Đình Linh phát biểu cảm ơn Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Hơn 1.000 em học sinh các cấp đã được Giáo sư truyền tải những thông điệp đầy ý nghĩa.

Hơn 1.000 em học sinh các cấp đã được Giáo sư truyền tải những thông điệp đầy ý nghĩa.

Sau những ngại ngùng, các em học sinh mạnh dạn giao lưu với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Sau những ngại ngùng, các em học sinh mạnh dạn giao lưu với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Chuỗi Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước tổ chức.

Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh các trường.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi Hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Các nhà trường có thể đăng ký qua số điện thoại đường dây nóng: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777. Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Trần Phương