Học thêm: Cấm cứ cấm, dạy cứ dạy thì nên tìm cách quản lý được và có thu thuế

04/05/2023 06:45
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, chúng ta nên hướng tới việc quản lý theo hướng mở, cho phép dạy thêm học thêm trong khuôn khổ để có quản lý và thu thuế.

Vấn đề dạy thêm, học thêm luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Với nhiều quy định, văn bản hướng dẫn, tuy nhiên, việc quản lý hoạt động này trong thực tiễn vẫn còn rất nhiều bất cập.

Cấm cứ cấm, dạy cứ dạy

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ niềm trăn trở:

“Dạy thêm học thêm là vấn đề đã tồn tại từ mấy chục năm nay, cũng có các quy định quản lý, kiểm tra và xử lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và địa phương; tuy nhiên, thực tế chúng ta biết rằng dạy thêm học thêm vẫn tồn tại với “muôn hình muôn vẻ”.

Thầy Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Theo thầy Ngai, việc dạy thêm học thêm xuất phát từ nhu cầu của cả người dạy lẫn người học. Với học sinh, không chỉ những em học sinh yếu kém muốn học thêm để cải thiện, mà học sinh giỏi cũng muốn học để kiến thức vững vàng hơn nhằm theo đuổi các mục tiêu cao hơn của các cháu. Từ kinh nghiệm mấy chục năm công tác trong ngành giáo dục, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh nhận định các em học sinh khá giỏi có nhu cầu học thêm lớn hơn nhiều so với học sinh yếu kém.

Với thầy cô giáo, dạy thêm cũng là cách để họ có điều kiện cải thiện đời sống. Những năm gần đây, mặc dù đời sống của giáo viên đã được quan tâm và nâng cao hơn rất nhiều, song vẫn còn bộ phận thầy cô giáo khó khăn, cần việc làm thêm để có thu nhập.

Tuy nhiên, vấn đề chính đặt ra là những tiêu cực trong dạy thêm học thêm. Thầy Ngai đặt vấn đề:

“Mặc dù có rất nhiều biện pháp để kiểm tra, quản lý nhưng chúng ta phải thừa nhận trong thực tế, vẫn còn một bộ phận thầy cô giáo vì mục đích riêng đã lôi kéo học trò vào lớp học thêm của mình nhằm mục đích kiếm tiền; đâu đó vẫn còn hiện tượng “đì học sinh”, dạy học không đảm bảo chất lượng,... Vì nhiều lý do khác nhau, thầy cô giáo mải miết dạy thêm kiếm tiền mà không giữ trọn đạo chữ thầy, làm đánh mất đi vị thế tôn nghiêm của thầy giáo”.

Thầy Ngai cũng nhấn mạnh, thực tế không phải tất cả các giáo viên hiện nay đều như thế. Vẫn còn rất nhiều giáo viên tâm huyết với nghề, nhiều giáo viên đưa cả học trò về nhà để phụ đạo mà không lấy tiền,... Các thầy cô đi dạy với tâm sáng, với lòng nhiệt huyết yêu nghề. Tuy nhiên, về lâu về dài, cần có biện pháp quản lý hiệu quả nhằm loại bỏ “con sâu làm rầu nồi canh”, để hoạt động dạy thêm học thêm thực sự mang lại lợi ích thiết thân cho người học và người dạy, chứ không phải nhằm để trục lợi ích cá nhân.

Theo đó, thầy Ngai cho rằng mỗi thầy giáo, cô giáo cần nêu cao trách nhiệm, chữ đạo của người làm thầy; giúp đỡ các em học sinh với tinh thần là người đi trước, truyền thụ lại kiến thức và những bài học làm người quý giá cho học sinh. Với những người làm quản lý, lãnh đạo, cần nêu cao các biện pháp kiểm tra, nhắc nhở và xử lý hoạt động dạy thêm, học thêm.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho biết thời gian tới sẽ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong TP HCM. Ảnh minh họa: HOÀNG TRIỀU

Học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong TP HCM. Ảnh minh họa: HOÀNG TRIỀU

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, thầy Ngai cho rằng các quy định quản lý dạy thêm, học thêm là cần thiết và phải nghiên cứu, tìm hiểu kĩ lưỡng.

Thầy Ngai nhấn mạnh: “Các quy định phải thực tế, chứ không phải quy định để quy định, để rồi khi người ta có vi phạm lại không thể phát hiện, kiểm tra xử lý kịp thời. Theo tôi các cơ quan quản lý cần nghiên cứu lại các quy định về dạy thêm học thêm đã ban hành, và xem xét thêm thực tiễn để đề xuất những quy định mới chặt chẽ và sát thực tế, đảm bảo cho người quản lý và các cơ quan có thể kiểm tra, giám sát và quản lý hiệu quả”.

Nhấn mạnh thêm, thầy Ngai cho rằng dạy thêm học thêm là một nhu cầu có thật trong xã hội, mang lại lợi ích cho cả hai bên; vấn đề là cần có biện pháp loại bỏ những tiêu cực trong dạy thêm, học thêm.

Hợp thức hóa hoạt động dạy thêm, học thêm để có quản lý tốt hơn

Đồng quan điểm với thầy Ngai, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết:

“Ngày nay, hầu như cháu nào, em nào cũng đi học thêm, hoặc trong một lớp học cũng phải có tới ⅔ học sinh đi học thêm bên ngoài. Dạy thêm ở trường, dạy ở nhà, dạy ở trung tâm,... có rất nhiều hình thức dạy thêm núp bóng khác nhau tồn tại. Đây là như cầu xã hội buộc chúng ta phải chấp nhận, tuy nhiên cần có điều kiện, các quy định kiểm soát chặt chẽ hoạt động này”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: quochoi.vn

Do vậy, Đại biểu Phạm Văn Hòa đồng tình với đề xuất mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong đó, Đại biểu kiến nghị, cần lưu ý tới một số điều kiện quan trọng khi quy định liên quan tới dạy thêm, học thêm:

“Phải quy định không được dạy thêm chính học sinh của mình, không được dạy trước bài học ở trên lớp. Không được để tình trạng phụ huynh phản ánh em nào đi học thêm thì mới được điểm cao, còn em nào không học thêm thì điểm dưới trung bình. Hành nghề của các thầy cô giáo như vậy là không xứng đáng với hai chữ thầy giáo”.

Đại biểu chia sẻ quan điểm: “Mặc dù không muốn, tuy nhiên chúng ta phải thừa nhận rằng giáo dục đang từng bước được thương mại hóa rồi. Một số thầy cô bây giờ cũng rất lắm trò, điển hình là từ câu chuyện bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo - đây cũng là biểu hiện thương mại hóa rồi.

Như vậy, chúng ta nên hướng tới việc quản lý theo hướng mở, cho phép dạy thêm học thêm trong khuôn khổ để có quản lý và thu thuế”.

Góp ý thêm về việc kiểm tra, giám sát và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu đề xuất:

“Cơ quan đơn vị cấp phép dạy thêm học thêm phải thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động này của các cơ sở. Việc kiểm tra phải tiến hành đột xuất chứ không phải kiểm tra có thông báo trước, như vậy rất khó để phát hiện lỗi. Điều này không chỉ riêng giáo dục mà tất cả các ngành khác cũng đều cần áp dụng cách này.

Việc buông lỏng kiểm tra sẽ dẫn tới nguy cơ thương mại hóa rất lớn. Do vậy, cần nêu cao công tác kiểm tra, giám sát dạy thêm học thêm nhằm hạn chế mức độ thương mại hóa giáo dục, tạo sự công bằng giữa các cháu đi học thêm và không đi học thêm, bởi vì, không phải tất cả học sinh đều có điều kiện đi học thêm”.

Doãn Nhàn