Học trực tuyến thời gian dài, sinh viên bức xúc, Trường ĐH GTVT TPHCM nói gì?

13/12/2024 06:35
Ngọc Trâm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Sinh viên băn khoăn với công tác tổ chức lớp học trực tuyến, tự học và các khoản thu phí bất ngờ tại Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM.

Nửa thời gian học tập trực tuyến và tự học, các khoản thu phí cập nhật bất ngờ, sinh viên bức xúc

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của nhiều độc giả là sinh viên hiện đang theo học tại Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh về việc tổ chức lớp học và các khoản thu học phí của nhà trường gây bức xúc.

Cụ thể, nhiều sinh viên năm nhất ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng cho biết, một số môn học nhà trường dành 50% thời gian học tập trực tuyến và để sinh viên tự nghiên cứu, học tập mà không lên lớp. Trong đó, có các học phần Toán kinh tế, Trí tuệ nhân tạo hay Giáo dục thể chất, sinh viên đều có các tiết E-Learning tự học tại nhà.

“Vào năm học, nhà trường lấy lý do đang xây thêm phòng học nên chúng em được trường đăng ký cho 2 học phần gồm 6 tín chỉ. Mỗi học phần là 45 tiết chia thành 15 buổi học (3 tiết/buổi). Trong đó, theo lịch học, 30 tiết học lý thuyết, còn 15 tiết còn lại là tự học nên chỉ thực hành làm bài tập.

Tuy nhiên, thực tế chúng em phải học trực tuyến một nửa số tiết quy định học lý thuyết. Có thể nói, chúng em gần như ở nhà trong 1 tháng mà không lên trường, cho đến tận tháng 11/2024”, một sinh viên nói.

Việc học trực tuyến và tự học trong thời gian dài khiến sinh viên băn khoăn về hiệu quả tương tác giữa giảng viên và sinh viên, cũng như quá trình thực hành của sinh viên không đảm bảo.

Theo nhiều sinh viên chia sẻ, phòng đào tạo Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh không có thông báo chính thức cho sinh viên về thời gian học trực tuyến hay tự học quá nhiều như vậy.

“Chúng em chỉ có thể hỏi anh chị sinh viên khóa trên và nhận được câu trả lời là trường đang xây. Hơn nữa, khi chúng em thắc mắc về tiết tự học E-Learning (tiết học khiến cho nhiều sinh viên bức xúc vì đã đóng học phí nhưng hiện tại phải tự học) với các thầy, cô thì phòng đào tạo nhà trường phản hồi rằng lên đại học phải tự học”.

Bên cạnh đó, về các khoản thu học phí của nhà trường, sinh viên này chia sẻ, trước đó vào đầu năm học, sinh viên đã đóng gần 15 triệu đồng tiền học phí cho các môn học. Tuy nhiên, sau đó nhà trường tự đăng ký thêm môn học cho sinh viên mà không có bất cứ thông báo nào. Sau đó, khi truy cập vào cổng thông tin sinh viên, các em tá hỏa phải đóng thêm 10 triệu đồng. Cũng có sinh viên đột ngột cập nhật tăng học phí từ 10 triệu đồng lên 13 triệu đồng.

128630cf4f6af534ac7b.jpg
Nhiều sinh viên bày tỏ sự bức xúc khi học phí bị cập nhật bất ngờ và thời gian yêu cầu hoàn tất khoản phí này. (Ảnh: Sinh viên cung cấp)

Theo sinh viên phản ánh, những chi phí mới này phát sinh thêm vào ngày 3/12/2024. Tuy nhiên, nhà trường ra văn bản yêu cầu sinh viên phải hoàn thành trước ngày 15/12/2024. Điều này khiến một số sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không thể xoay sở kịp.

“Trường không hề thông báo kịp thời các khoản thu cần nộp. Trong vòng hơn 10 ngày, chúng em cần thanh toán hết 10 triệu đồng quả thật rất khó và có phần quá đáng”, một sinh viên bày tỏ ý kiến.

Một số sinh viên cho phóng viên hay, nội dung này đã nhiều lần phản ánh trên các kênh hỗ trợ sinh viên của nhà trường, tuy nhiên thời gian dài (3 tháng) vẫn không nhận được phản hồi nào từ phía nhà trường. Đồng thời, bài đăng cũng gặp tình trạng bị xóa bỏ không rõ lý do.

2d7544393b9c81c2d88d.jpg
Thông báo thu học phí từ nhà trường gửi đến sinh viên. (Ảnh: Sinh viên cung cấp)

Trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh nói gì?

Để có thông tin khách quan về các nội dung phản ánh trên, ngày 12/12, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh.

Trả lời phóng viên về việc tổ chức lớp học đối với một số môn học, thầy Tuấn cho biết, thời gian vừa qua, nhà trường thực hiện kế hoạch sửa chữa cơ sở vật chất xuống cấp (nâng cấp giảng đường, chống ngập…) nhằm đảm bảo an toàn cho người học nên chỉ khai thác được 1/3 số phòng học.

Vì vậy, từ tháng 7/2024 đến 11/11/2024 nhà trường tạm thời áp dụng hình thức học trực tuyến kết hợp trực tiếp. Mặt khác, với thế mạnh là cơ sở hạ tầng tốt và là đối tác của Google, Microsoft cùng với đội ngũ giảng viên giỏi, nhà trường mạnh dạn thay đổi hình thức học tập cho sinh viên. Bên cạnh đó, sinh viên được tham gia học tập thực tế thông qua những buổi thực hành, trải nghiệm học kỳ doanh nghiệp…

“Nhà trường đảm bảo tỷ lệ học trực tuyến và trực tiếp tuân thủ đúng quy định, mang lại sự cân đối và hiệu quả trong quá trình học tập. Kể từ 11/11/2024, hệ thống giảng đường mới được nâng cấp đã được đưa vào sử dụng với công suất trên 80%, vì vậy hiện nay các lớp đều triển khai học trực tiếp.

Nhà trường rút kinh nghiệm trong việc chưa thông tin kịp thời cho người học về kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa cơ sở vật chất”, thầy Tuấn chia sẻ.

Tại điểm b, khoản 2, điều 8 của Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT quy định: "Đối với đào tạo theo hình thức chính quy và vừa làm vừa học, tối đa 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo được thực hiện bằng lớp học trực tuyến. Trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh phức tạp và các trường hợp bất khả kháng khác, cơ sở đào tạo thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo".

Đối với vấn đề về các khoản thu hiện tại gây khó khăn cho sinh viên, phó hiệu trưởng nhà trường thông tin thêm rằng, đầu năm học 2024-2025, nhà trường thông báo cho sinh viên đóng gần 15 triệu đồng tiền học phí tạm thu.

Thông tin này đã được thông báo rõ trong nội dung thư nhập học đầu năm của sinh viên, đơn giá thu theo tín chỉ được công khai trong đề án tuyển sinh). Với hình thức học tập theo tín chỉ, học phí sẽ được quy ra số tín chỉ đã học.

“Sinh viên học trước thì không học sau. Ngoài 120 tín chỉ tích lũy theo chương trình khung thì còn có khối lượng kiến thức điều kiện và bổ trợ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo như Giáo dục thể chất; Giáo dục Quốc phòng - An ninh; tiếng Anh chuẩn đầu ra. Kế hoạch đào tạo hàng năm đã được trường thông báo đến sinh viên.

Đối với các học phần đăng ký hiển thị công nợ sau ngày thông báo đóng học phí, sinh viên có thể làm đơn gia hạn, đơn xin hủy học phần đều được nhà trường xem xét giải quyết.

Nhà trường khẳng định học phí khóa nhập học năm 2024 được đảm bảo giữ nguyên trong 03 năm như đã công bố trong đề án tuyển sinh”, thầy Tuấn cho hay.

Cũng theo thầy Tuấn, Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp nhận thông tin phản ánh của sinh viên thông qua kênh hỗ trợ sinh viên và được các bộ phận liên quan xử lý hàng ngày. Các vấn đề khó khăn của sinh viên như lịch học, học phí, công nợ, chính sách miễn giảm học phí… đều được giải đáp thông qua kênh hỗ trợ này.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng có bộ phận chuyên trách và luôn sẵn sàng hỗ trợ sinh viên những vấn đề về học tập, đời sống và việc làm…

Phó Hiệu trưởng Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: “Nhà trường cũng có quy định tiếp công dân hàng tuần nhưng đến nay lãnh đạo trường vẫn chưa nhận được đơn thư phản ánh lên. Các bài đăng trên mạng xã hội nằm ngoài phạm vi giải quyết của nhà trường vì không có thông tin và trường hợp cụ thể”.

Hiện tại, mỗi học kỳ, lãnh đạo nhà trường đều tổ chức các buổi đối thoại với đại diện sinh viên về các vấn đề sinh viên quan tâm.

Cũng theo thầy Tuấn, việc sinh viên hoặc phụ huynh phản ánh đến báo chí cũng là một kênh hiệu quả để nhà trường có phản hồi, giải đáp rõ ràng và thấu đáo cho người học.

Nhà trường coi kênh truyền tải của các cơ quan báo chí là kênh kết nối chính thức và quan trọng. Lãnh đạo nhà trường sẽ phối hợp với các phóng viên đồng hành, hỗ trợ tốt nhất cho sinh viên và gia đình. Đồng thời, hướng đến tăng cường hợp tác để được cơ quan báo chí thay mặt nhà trường tư vấn cho sinh viên và phụ huynh trong suốt quá trình học tập tại trường.

Ngọc Trâm