Hội đồng trường phổ thông giúp tăng dân chủ, minh bạch, giảm thu chi tùy tiện

26/02/2022 06:25
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các em là trung tâm của nhà trường, không nhất thiết đến cuộc họp Hội đồng trường mới phát biểu, mà hàng ngày các em có thể đóng góp ý kiến với thầy/cô chủ nhiệm.

“Khi chưa thành lập Hội đồng trường thì cơ bản các quyết sách, kế hoạch chiến lược,…của nhà trường thường được hiệu trưởng, ban giám hiệu xây dựng, sau đó thông qua Hội đồng sư phạm, các tổ chuyên môn góp ý và như vậy sẽ mang tính cá nhân nhiều hơn.

Hội đồng trường ở bậc phổ thông rất quan trọng, giúp việc xây dựng kế hoạch giáo dục chuẩn xác hơn bởi có nhiều ý kiến tham gia từ các thành viên, những đóng góp mang tính tập thể và cùng thực hiện nghị quyết chung từ cơ cấu đội ngũ, công tác nhân sự, tài chính...

Trước kia khoản thu tại các trường dễ bị tình trạng “trăm hoa” đua nở, nhưng bây giờ ngay từ đầu năm học họp Hội đồng trường, theo hướng dẫn của Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là mức thu của Hội đồng nhân dân tỉnh từ đó nhà trường điều chỉnh mức thu về phí, lệ phí thông qua thỏa thuận của Hội đồng trường, hiệu trưởng và từng bộ phận sẽ thực hiện”, nhà giáo Triệu Trung Kiên – Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú, tỉnh Phú Thọ đã chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Nhà giáo Triệu Trung Kiên – Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: NVCC.

Nhà giáo Triệu Trung Kiên – Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: NVCC.

Có ý kiến cho rằng vai trò của giáo viên tham gia hội đồng trường rất “mờ nhạt” khi hiệu trưởng vẫn nắm toàn quyền quyết định thì quan điểm của thầy Kiên là: “Trong nghị quyết để ban hành chiến lược phát triển giáo dục, kế hoạch từng năm học của nhà trường đều có sự đóng góp rất quan trọng của tổ chuyên môn, giáo viên bởi nó có liên quan trực tiếp đến việc triển khai nên những đóng góp của họ sẽ rất sát.

Tuy nhiên phải theo đa số tập thể, nhưng cũng tùy phương pháp làm việc. Thường thì Chủ tịch Hội đồng trường là Bí thư chi bộ, hiệu trưởng, nhưng khi hiệu trưởng triển khai không dân chủ, phương pháp làm việc không khoa học, mang nặng tính chủ quan áp đặt thì chắc chắn sẽ “nghiêng” về chuyên quyền. Tôi nhận thấy theo Thông tư 32 có thêm đại diện của ban cha mẹ học sinh, của học sinh, của chính quyền địa phương,…thì mọi việc hiện nay rất công khai minh bạch, dân chủ hơn rất nhiều”.

Nếu Phó hiệu trưởng, hoặc giáo viên là Chủ tịch hội đồng trường, vậy khi muốn triển khai công việc, tổ chức một cuộc họp hội đồng lại phải xin ý kiến của hiệu trưởng, như vậy liệu có mất tính chủ động? Về vấn đề này, thầy Kiên nói: “Quan điểm này vừa đúng, vừa không đúng bởi về mặt quản lí trong phạm vi nhà trường nếu Phó hiệu trưởng là Chủ tịch hội đồng trường thì đương nhiên là chủ trì khi Hội đồng họp bàn nghị quyết, nhưng với hội đồng giáo dục nhà trường thì ngược lại, vậy nên ngoài công việc thì rất cần sự phối hợp, tôn trọng lẫn nhau. Còn nếu lạm quyền sẽ dẫn đến không có sự phối hợp trong thực hiện.

Hội đồng sư phạm chỉ thuộc trong phạm vi chuyên môn của một nhà trường, nó liên quan đến các thầy cô, họp chuyên môn hàng tháng, điều chỉnh kế hoạch dạy học,…Tất cả những kế hoạch đó đều phải thực hiện theo chủ trương chung của nghị quyết mà Hội đồng trường đề ra từ đầu năm học.

Tuy nhiên trong năm học và gần đây có dịch bệnh Covid-19 thì một số kế hoạch cũng có sự thay đổi liên tục, như vậy Hội đồng sư phạm nhà trường trong thẩm quyền có thể tự quyết trong việc điều chỉnh công việc. Còn với những việc vượt quá nghị quyết thì theo quy định có thể triệu tập họp Hội đồng trường để xin ý kiến đa số bổ sung cho phù hợp thực tế”.

Lễ khai giảng năm học của các em học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: NVCC.

Lễ khai giảng năm học của các em học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: NVCC.

Thầy Kiên nhận định: “Vai trò của thành viên là đại diện cha mẹ học sinh, học sinh trong Hội đồng trường rất quan trọng. Trước đây khi chưa có 2 thành phần này, nhà trường xây dựng kế hoạch thường sẽ có tính chủ quan của thầy cô nhiều hơn. Nhưng giờ đây có ý kiến đóng góp của 2 thành phần này chắc chắn sẽ khách quan hơn, quyết sách sẽ hướng về người học nhiều hơn.

Hơn nữa liên quan đến các khoản thu chi trong nhà trường, trước kia có ý kiến lo ngại ban phụ huynh là “cánh tay” nối dài của ban giám hiệu. Nhưng giờ đây đại diện phụ huynh đã có ý kiến, và Hội đồng trường thông qua thành nghị quyết, sau đó được Sở và các cấp phê duyệt, như vậy mang tính chất pháp lý nhiều hơn. Việc thu các khoản phí và lệ phí không còn là sự thỏa thuận của nhà trường với phụ huynh nữa, và Chủ tịch Hội đồng trường phải chịu trách nhiệm”.

Học sinh và Hội đồng trường thường xuyên có sự trao đổi

Cũng về vấn đề này, nhà giáo Tạ Minh Tân – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hùng Vương, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: “Tôi thấy điều lệ Hội đồng trường quy định khá chặt chẽ từ số lượng ủy viên, thành phần tham gia và đặc biệt là có học sinh và phụ huynh các em, đây là những thành phần trực tiếp đang được hưởng thụ, đang học tập tại trường.

Đại diện chính quyền địa phương cũng rất quan trọng khi tham gia vào hội đồng bởi sự nghiệp giáo dục không phải chỉ của riêng nhà trường, mà còn gắn với đời sống xã hội và sự phát triển của địa phương đó.

Nhà giáo Tạ Minh Tân – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hùng Vương, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: NVCC.

Nhà giáo Tạ Minh Tân – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hùng Vương, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: NVCC.

Nói về tính phổ rộng thì Hội đồng trường ở cấp trung học phổ thông sẽ rộng hơn bởi đặc thù học sinh không ở cùng trên một địa bàn cấp xã, cấp phường hay thị trấn, mà trên nhiều địa bàn dân cư, lúc này đại diện của chính quyền địa phương trong hội đồng cũng ở cấp cao hơn, có thể là phó chủ tịch Ủy ban nhân dân, hoặc trưởng phòng giáo dục, như vậy sự nắm bắt về mọi mặt đời sống cũng rộng hơn ở cấp trung học cơ sở”.

Đánh giá về vai trò của đại diện cha mẹ học sinh, và học sinh là thành viên Hội đồng trường trên một địa bàn dân cư rộng hơn, thầy Tân nói: “Trước khi cử đại diện cha mẹ học sinh, ban cha mẹ học sinh của trường đã có họp bàn, đề cử qua các cuộc họp để làm sao người đại diện đó nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh toàn trường, và khi đóng góp ý kiến thì chắc chắn đó là tiếng nói chung của các bậc phụ huynh, chứ không phải là ý kiến cá nhân, mọi kiến nghị hay đề xuất đều có sự họp bàn từ trước và đã đi đến thống nhất.

Về phía đại diện học sinh cũng như sự đóng góp ý kiến của các em, tôi quan niệm luôn phải lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các em để đưa ra những kế hoạch phù hợp với các cấp học. Các em là trung tâm trong nhà trường, và cũng không nhất thiết là đến cuộc họp của Hội đồng trường mới được nói, hàng ngày, hàng giờ các em có thể nêu ý kiến đóng góp với thầy cô chủ nhiệm về những lĩnh vực liên quan đến học sinh, từ đó giáo viên sẽ đưa những ý kiến đó đến với Hội đồng trường xem xét, nếu thấy ý kiến đó là đúng, trong phạm vi quyết định của ban giám hiệu nhà trường, chúng tôi sẽ giải quyết ngay. Như vậy là giữa ban giám hiệu nhà trường và các em học sinh thường xuyên có sự trao đổi, đóng góp ý kiến”.

Thầy Tân cho biết: “Theo điều lệ, Hội đồng trường thực hiện quyền sở hữu của nhà trường và các bên có lợi ích liên quan, vậy nên ai được phân công nhiệm vụ thế nào thì cứ thực hiện theo quy định, kể cả khi giáo viên làm Chủ tịch Hội đồng trường thì cứ theo đúng chức năng nhiệm vụ đã được phân công mà làm, bởi chủ tịch cũng là một thành viên trong hội đồng.

Còn nếu nói Chủ tịch Hội đồng trường quyết hết thì theo tôi không thể có chuyện đó, bởi đã có Đảng bộ, hoặc chi bộ nên sẽ phải thực hiện theo Nghị quyết của Đảng, theo nghị quyết của hội đồng chứ không phải hiệu trưởng muốn quyết sao mọi người cũng phải nghe. Tất cả mọi vấn đề sẽ được đưa ra bàn công khai để đưa đến một quyết sách, một chiến lược tốt nhất.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Hùng Vương, thị xã Phú Thọ trong lễ kỉ niệm ngày thành lập trường. Ảnh: NVCC.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Hùng Vương, thị xã Phú Thọ trong lễ kỉ niệm ngày thành lập trường. Ảnh: NVCC.

Ngay như việc hiệu trưởng đưa ra một định hướng phát triển, nhưng nếu mọi thành viên không đồng thuận, theo tôi hiệu trưởng cũng cần phải suy nghĩ thêm về đề xuất đó của mình đã hợp lí chưa, các thành viên chưa đồng thuận ở điểm nào? Đôi khi cũng cần căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường, của địa phương để có sự điều chỉnh cho phù hợp”.

Để một Hội đồng trường hoạt động có hiệu quả, đem lại những quyết sách, chiến lược đúng về phát triển giáo dục, thầy Tân nhận định: “Vai trò ở đây là tất cả các thành viên của Hội đồng trường phải phát huy năng lực, thể hiện sự tâm huyết của mình với sự nghiệp giáo dục. Một mình chủ tịch có tâm huyết thế nào đi nữa, nhưng các thành viên không cùng đồng hành, không sát sao khi triển khai thì mọi nghị quyết có hay đến đâu cũng sẽ thất bại.

Vậy nên chủ tịch là người thực hiện, nhưng cũng là “cầu nối” giữa các thành viên với nhau khi thực hiện các nghị quyết đã được thống nhất, trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc sẽ cùng các thành viên họp bàn tháo gỡ, để làm sao đem lại kết quả tốt nhất, lấy người học làm trung tâm và cũng chính là những người hưởng lợi từ những nghị quyết mà Hội đồng trường đưa ra”.

Tùng Dương