Hơn 1000 gia đình ở Bắc Ninh đưa con ra Hà Nội xét nghiệm sán lợn ​

17/03/2019 06:19
Tùng Dương
(GDVN) - Điều trị ấu trùng sán lợn là một quy trình lâu dài, khi sán đã xâm nhập vào cơ thể thì sẽ phát triển nhanh, và gây nhiều biến chứng, đặc biệt là hệ thần kinh.

Chiều 16/3, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trực tiếp tìm hiểu diễn biến tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết: “Ngày 16/3/2019, đã có hơn 500 gia đình từ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đưa con đến bệnh viện này xét nghiệm tìm ấu trùng sán lợn, ngày hôm qua (15/3) đã có 230 gia đình.

Các gia đình đến từ rất sớm và chúng tôi phải mở cửa lấy xét nghiệm từ 5h sáng, phải huy động cả hội trường bệnh viện để làm nơi lấy mẫu xét nghiệm cho các cháu".

Các cháu nhỏ khám xét nghiệm đến từ huyện Thuận Thành - Bắc Ninh. Ảnh T.D.
Các cháu nhỏ khám xét nghiệm đến từ huyện Thuận Thành - Bắc Ninh. Ảnh T.D.

Tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, ông Nguyễn Quang Thiều - Phó Viện trưởng chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam: "Đến đầu giờ chiều ngày 16/3/2019 đã có trên 400 trẻ lấy số xét nghiệm sán, tăng hơn 3 lần so với ngày15/3/2019, dẫn đến bị quá tải.

Bệnh viện phải huy động thêm bác sĩ từ các phòng ban khác trong viện đến để hỗ trợ".

Qua tiếp xúc, người dân cho biết họ đến từ huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Sau khi có thông tin các bé ở trường mầm non Thanh Khương trong cùng huyện bị nhiễm sán, thì ngay lập tức các phụ huynh ở trên địa bàn huyện Thuận Thành đã đưa con mình đến bệnh viện để xét nghiệm.

Anh Nguyễn Văn Quang và nhiều phụ huynh khác trong huyện Thuận Thành cùng thuê chung xe đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương từ 3 giờ sáng,  để kịp làm xét nghiệm sớm. Anh Quang và nhiều phụ huynh đều tỏ ra khá lo lắng, mọi người đều cầu mong cho con mình không bị sán lợn.

Theo thông tin Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương công bố tại buổi họp Báo tại viện chiều ngày 15/3/2019, thì đã có kết quả xét nghiệm của 173 cháu. Theo đó, trước mắt đã xác định 44/173 cháu có kết quả dương tính với sán lợn.

Như vậy, cùng với 2 cháu đã có kết quả dương tính từ trước thì đã có ít nhất 60 trẻ ở Trường Mầm non Thanh Khương dương tính với sán lợn.

Đây là con số cao bất thường bởi thông thường tỷ lệ nhiễm sán lợn rất thấp, theo các bác sĩ, nguyên nhân có thể do các cháu ăn phải thịt động vật có sán.

Cùng với 2 cháu đã có kết quả dương tính từ trước thì đã có ít nhất 60 trẻ ở huyệnThuận Thành- Bắc Ninh dương tính với sán lợn. Ảnh: T.D.
Cùng với 2 cháu đã có kết quả dương tính từ trước thì đã có ít nhất 60 trẻ ở  huyệnThuận Thành- Bắc Ninh dương tính với sán lợn. Ảnh: T.D.

Trước đó, có 3 bé là học sinh Trường Mầm non Thanh Khương - huyện Thuận Thành - Bắc Ninh có kết quả xét nghiệm dương tính với sán lợn, nghi ngờ do ăn phải thịt lợn không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại trường.

Lo lắng cho con, sáng ngày 15/3/2019, hàng trăm phụ huynh trong trường đã đưa con từ Bắc Ninh lên Hà Nội, đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để xét nghiệm sán.

Trở lại thời điểm cuối tháng 2 vừa qua, một số phụ huynh đăng tải video trên mạng xã hội ghi lại tảng thịt lợn nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo, tảng thịt này được chế biến trong bữa ăn tại Trường mầm non Thanh Khương - huyện Thuận Thành - Bắc Ninh.

Ngay sau đó, tập thể phụ huynh lên gặp Ban Giám hiệu nhà trường phản ánh, nhưng chỉ nhận được câu trả lời vòng vo, không thỏa đáng.

Hơn 1000 gia đình ở Bắc Ninh đưa con ra Hà Nội xét nghiệm sán lợn ​ ảnh 3

Nỗi sợ hãi bệnh tật đang bao trùm trường Thanh Khương

Đơn vị cung cấp thực phẩm cho cho tất cả trường học trên địa bàn Thuận Thành thì cho rằng: thịt lợn không có gì bất thường. Không đồng ý với câu trả lời này, phụ huynh tại trường đồng loạt cho con nghỉ học để phản đối, nhưng Trường Mầm non Thanh Khương vẫn không có động thái cụ thể, tiếp tục để Công ty Đầu tư Tài chính Hương Thành cung cấp thực phẩm.

Đến trưa 5/3/2019 vừa qua, do quá bức xúc nên phụ huynh bất ngờ vào kiểm tra bếp ăn của trường và lại phát hiện thêm món thịt gà nấu cho học sinh là thịt đông lạnh đã bị mủn, có mùi, khác với cam kết cung cấp thịt tươi sống. Nhiều loại chân, xương gà dùng để nấu cháo cho các cháu bốc mùi hôi thối, các phụ huynh đã tiếp tục chụp ảnh, ghi hình để tố cáo.

Được biết, cơ quan công an đã lập biên bản, niêm phong toàn bộ số thực phẩm và đưa đi kiểm nghiệm.

Chương trình y tế 24h phát trên VTV ngày 16/3/2019 cho thấy tác hại của việc nhiễm sán với cơ thể người: Sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, ấu trùng sán lợn sẽ xuyên qua thành ruột ống tiêu hóa để vào máu, và di chuyển đến kí sinh ở các cơ vân như não, mắt.

Tùy thuộc vào vị trí kí sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau. Nếu nang sán nằm trong cơ thể người bị nhiễm sẽ thấy có những u nhỏ kích thước khoảng 1 đến 2 cm, không ngứa, không đau.

Nếu nang sán nằm trong não thì người bị nhiễm có thể bị động kinh, liệt tay, chân, hoặc liệt nửa người, nói ngọng, rối loại trí nhớ, hoặc đau đầu dữ dội. Nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.

Trẻ em bị nhiễm sán trong giai đoạn đang phát triển thì khả năng nhận thức và tư duy sẽ bị giảm sút, dẫn đến kết quả học tập yếu kém. Ảnh: T.D.
Trẻ em bị nhiễm sán trong giai đoạn đang phát triển thì khả năng nhận thức và tư duy sẽ bị giảm sút, dẫn đến kết quả học tập yếu kém. Ảnh: T.D.

Cũng theo VTV, đại diện tổ chức y tế thế giới WHO cho biết: Giun sán khi thâm nhập vào cơ thể sẽ có mức tàn phá cơ thể khác nhau, từ gây ngứa, mưng mủ và nghiêm trọng hơn là gây nhiễm trùng não hoặc bệnh động kinh.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính - Giám đốc bệnh việt Bệnh nhiệt đới trung ương phát biểu trong buổi họp báo tại bệnh viện vào chiều ngày 15/3/2019 cho biết thêm: cần 15 ngày để điều trị cho các cháu bị nhiễm sán từ thịt lợn.

Đây không phải là bệnh cấp tính nên các phụ huynh không cần phải lo lắng quá, các gia đình cần bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan chuyên môn để tiến hành xét nghiệm, điều trị cho các cháu và tìm nguyên nhân gây bệnh tại địa phương, ông Kính nói.

Theo ông JOHN OPENSHAW - Chuyên gia nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Stanford trả lời trên VTV chuyên mục y tế 24 thì gần 1/3 các trường hợp bị bệnh động kinh là do nhiễm sán dây lợn, loại sán này có thể dài đến 7m, và hút hết chất dinh dưỡng từ cơ thể người bị chúng kí sinh.

Điều trị ấu trùng sán lợn là một quy trình khá lâu dài, bệnh nguy hiểm ở chỗ, một khi ấu trùng sán đã xâm nhập vào cơ thể thì những ấu trùng này phát triển nhanh, và gây nhiều biến chứng, đặc biệt là với hệ thần kinh.

Trẻ em bị nhiễm sán trong giai đoạn đang phát triển thì khả năng nhận thức và tư duy sẽ bị giảm sút, dẫn đến kết quả học tập yếu kém.

Tài liệu tham khảo:

https://vtv.vn/suc-khoe/dang-hop-bao-cong-bo-ket-qua-xet-nghiem-vu-nghi-nhiem-san-lon-o-bac-ninh-20190315165828965.htm

https://vtv.vn/truyen-hinh-truc-tuyen/vtv1/y-te-24h-0.htm

https://vtv.vn/video/chuyen-dong-24h-toi-15-3-2019-356633.htm

Tùng Dương