Hơn 17.000 sách, truyện của thầy trò Marie Curie đã đến tay học sinh Mèo Vạc

16/08/2022 20:48
Linh Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Ngày 14/8, đoàn công tác trường Marie Curie đã trao tặng hơn 17.000 cuốn sách, truyện do học sinh quyên góp tới 7 trường học ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Việc làm này đã kịp thời hỗ trợ, động viên, tiếp thêm động lực cho thầy và trò huyện Mèo Vạc ngay trước thềm năm học mới 2022 - 2023. Cũng trong chuyến đi, thầy trò nhà trường đã tới thăm khu rừng Marie Curie ở xã Khâu Vai trong dự án trồng 1 vạn cây xanh cho Mèo Vạc.

Học sinh Mèo Vạc không còn “đói sách”

Đoàn công tác Marie Curie đã không quản đường xá xa xôi, vượt gần 500 cây số lên Hà Giang để trao tặng quà, sách và giao lưu với thầy trò nơi địa đầu Tổ quốc. Việc làm này đã kịp thời hỗ trợ động viên, tiếp thêm động lực cho thầy và trò huyện Mèo Vạc ngay trước thềm năm học mới 2022 - 2023.

Tại ngày hội “Sách cho em 2022”, đại diện lãnh đạo của 7 trường học của huyện Mèo Vạc đã vui mừng khi đón nhận những thùng sách, những món quà là sách vở, cặp sách, dụng cụ học tập… trước thềm năm học mới.

Đó là các trường: Tiểu học Pả Vi, Tiểu học Khâu Vai, Tiểu học Niêm Sơn, Trung học cơ sở Pả Vi, Trung học cơ sở Thượng Phùng, Trung học cơ sở Sủng Trà và Phổ thông dân tộc nội trú huyện Mèo Vạc.

Đoàn công tác Marie Curie đã không quản đường xá xa xôi, vượt gần 500 cây số lên Hà Giang để trao tặng quà, sách và giao lưu với thầy trò nơi địa đầu Tổ quốc.

Đoàn công tác Marie Curie đã không quản đường xá xa xôi, vượt gần 500 cây số lên Hà Giang để trao tặng quà, sách và giao lưu với thầy trò nơi địa đầu Tổ quốc.

Cô Trần Thị Thanh - Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Pả Vi cảm ơn thầy trò trường Marie Curie đã chia sẻ yêu thương với các em học sinh vùng cao nguyên đá.

“Chúng tôi rất trân trọng những tình cảm chân thành của thầy trò Marie Curie. Thật may mắn khi các thầy cô trường Marie Curie đã đến tặng cho các em học sinh sách giáo khoa, vở viết, bút, cặp sách với tổng trị giá lên đến 300.000.000 đồng!

Hơn nữa, các học sinh của nhà trường còn quyên góp tặng sách truyện cho 7 đơn vị trường học để các em tiếp cận thêm với thế giới bên ngoài thông qua những cuốn sách hay. Đây là những món quà quý giá, khích lệ, động viên thầy trò Mèo Vạc trước năm học mới”, cô Thanh nói.

Không chỉ trao tặng quà, những cuốn sách, thầy trò Marie Curie còn trao tận tay những lá thư chứa đựng tình cảm, yêu thương, những lời nhắn nhủ, động viên gửi tới các em học sinh Mèo Vạc.

“Ngày nào, mình cũng đến trường bằng xe buýt, xe đi rất nhanh, đường lại thuận lợi. Nên khi biết các bạn đi bộ cả chục cây số để đến trường, vất vả vượt qua những ngọn núi ghập ghềnh, hiểm trở; mình cảm thấy bản thân rất may mắn. Hơn nữa, dù có nhọc nhằn đến cỡ nào, nụ cười vẫn nở trên môi các bạn, khiến mình rất ngưỡng mộ…

Sau khi nghe thầy Hiệu trưởng trường mình nói: “Học sinh Mèo Vạc no cái bụng nhưng đói sách”, tất cả chúng mình đã quyên góp rất nhiều sách, truyện”, bức thư của Đoàn Tú Uyên (lớp 6G1, trường Marie Curie) khiến mọi người xúc động.

Lắng nghe những bức thư tay đầy cảm động của học sinh Marie Curie, cô Lục Thị Hà - Hiệu trường Tiểu học Pả Vi không giấu được sự xúc động. Cô chia sẻ: “Thầy trò chúng tôi sẽ trân trọng và gìn giữ những cuốn sách, truyện ấy. Những bức thư viết tay của học sinh Marie Curie sẽ được lưu giữ trong thư viện và đọc trước toàn trường trong mỗi buổi Chào cờ thứ 2 đầu tuần. Điều này sẽ khích lệ tinh thần ham học, ham đọc và nỗ lực vươn lên của các con học sinh”.

Cô Vũ Nhung - Phó Hiệu trưởng trường Marie Curie xúc động trước sự đón tiếp nồng hậu của lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng các thầy cô của huyện Mèo Vạc.

Cô Vũ Nhung nghẹn ngào nói: “Chúng tôi cảm động vô cùng khi đặt chân đến đây. Chúng tôi rất thương và khâm phục các con. Các con còn bé nhưng phải đi bộ 7 cây số, trèo đèo, lội suối xa xôi để đến trường học con chữ. Những món quà của chúng tôi hy vọng phần nào giúp đỡ, động viên các con đến trường. Chắc chắn khi trở về Hà Nội, chúng tôi sẽ nhớ lắm mảnh đất Mèo Vạc, Hà Giang ấm áp tình người, chất phác này”.

Thầy Võ Hoàng Tuấn - Trưởng phòng Truyền thông & Sự kiện trường Marie Curie chia sẻ rằng, ngày 14/8 sẽ mãi là ngày ý nghĩa, lưu giữ trong tim của thầy trò trường Marie Curie.

“Quãng đường di chuyển từ Hà Nội đến Mèo Vạc đã được nối dài bởi hơn 17.000 cuốn sách do học sinh Marie Curie đóng góp. Những cuốn sách ấy không chỉ mang tri thức mà còn chứa đựng tình cảm yêu thương, sự sẻ chia của thầy trò Marie Curie”, thầy Tuấn nói.

Thầy trò trường Marie Curie đã chia sẻ yêu thương với các em học sinh vùng cao nguyên đá

Thầy trò trường Marie Curie đã chia sẻ yêu thương với các em học sinh vùng cao nguyên đá

Nguyệt Linh, Khánh Vy, Anh Kiệt (lớp 9G2), Quốc Bảo (lớp 9P4), Xuân Khánh (lớp 10I4), Nhật Minh (lớp 12E1) và Đức Kiên (lớp 12E2) tự hào, vui mừng khi được đại diện học sinh trường Marie Curie trao trực tiếp những cuốn sách và lá thư cho các học sinh Mèo Vạc. Các bạn nói, đây là những trải nghiệm ý nghĩa, đáng nhớ và đáng quý.

Học sinh Mèo Vạc vui mừng đón nhận tình cảm của thầy trò trường Marie Curie

Học sinh Mèo Vạc vui mừng đón nhận tình cảm của thầy trò trường Marie Curie

Ông Nông Quốc Việt - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang gửi lời cảm ơntấm lòng của thầy trò Marie Curie không ngại đường xa, đến giao lưu tặng quà. Ông Việt bày tỏ: “Bà con xã Pả Vi rất vui và may mắn khi đón thầy cô và học sinh Marie Curie cùng 17.000 đầu sách với rất nhiều tình cảm chân thành. Buổi giao lưu rất ý nghĩa và những cuốn sách rất thiết thực với học sinh vùng cao thiếu thốn nhiều điều kiện học tập”.

Khu rừng Marie Curie nơi địa đầu Tổ quốc

Trên hành trình trao tặng những cuốn sách cho trường Tiểu học Khâu Vai (xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), đoàn công tác Marie Curie đã ghé thăm khu rừng Marie Curie ở thôn Ha Cá, thôn Pó Ngần - 2 khu vực triển khai dự án “Một vạn cây xanh”.

Những mầm cây xanh Sa Mộc chứa đựng bao yêu thương của thầy trò trường Marie Curie vẫn đang lớn lên khoẻ mạnh mỗi ngày, góp phần phủ xanh cho nơi địa đầu Tổ quốc.

Những mầm cây xanh Sa Mộc chứa đựng bao yêu thương của thầy trò trường Marie Curie vẫn đang lớn lên khoẻ mạnh mỗi ngày, góp phần phủ xanh cho nơi địa đầu Tổ quốc

Những mầm cây xanh Sa Mộc chứa đựng bao yêu thương của thầy trò trường Marie Curie vẫn đang lớn lên khoẻ mạnh mỗi ngày, góp phần phủ xanh cho nơi địa đầu Tổ quốc

Trước đó, từ việc ủng hộ tiền bán sách “Một mẩu rừng cho bạn” của ba học trò vào Quỹ trồng mới 1 triệu cây xanh ở huyện Mèo Vạc, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie đã quyết định thực hiện dự án “Một vạn cây xanh cho Mèo Vạc”. Dự án này được thầy phát động trong lễ Khai giảng năm học 2021 - 2022. Dự án triển khai trong 3 năm, từ năm 2021 đến năm 2024, sẽ trồng mới từ 2 vạn đến 4 vạn cây xanh ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Ông Ngô Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cho biết, năm 2021, trường Marie Curie đã tài trợ trồng 1 vạn cây xanh. Trồng rừng là nhiệm vụ trọng tâm của huyện Mèo Vạc, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người dân, giúp phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường. Vì thế, ông Cường gửi lời cảm ơn sâu sắc đến thầy trò trường Marie Curie khi chung tay thực hiện dự án “Một vạn cây xanh”.

Ông Vừ Mi Dính (phụ trách trồng rừng, trưởng thôn Ha Cá) vui mừng khi nhận được thông tin trường Marie Curie sẽ đầu tư trồng 10 hecta cây Sa Mộc trên địa bàn. Ông cho biết: “Chúng tôi rất cảm động khi đời sống của bà con được quan tâm. Hiện nay, những cây Sa Mộc đang lớn, cao khoảng 14 - 15 phân và cây trưởng thành sẽ cao 7 - 8m. Việc trồng cây sa mộc sẽ mang lại nhiều ích lợi cho người dân. Chúng tôi vô cùng cảm ơn trường Marie Curie”.

“Khu rừng Marie Curie” ở vùng biên cương của Tổ quốc

“Khu rừng Marie Curie” ở vùng biên cương của Tổ quốc

Việc trồng rừng rất khó khăn, tuy nhiên, bà con xã Khâu Vai đã khắc phục được và đang dần phủ xanh đất trống bằng những cây Sa Mộc ngày một lớn lên mạnh mẽ. Nhìn những cây sa mộc non đang vươn lên ở vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc, Nguyệt Linh - một trong 3 học sinh viết cuốn sách “Một mẩu rừng cho bạn” cảm thấy rất hạnh phúc.

Cô bạn nói: “Mình cảm thấy rất hào hứng khi nhìn thấy khu rừng Sa Mộc. Mình thực sự rất biết ơn các cha mẹ, học sinh, thầy cô, cán bộ trong trường đã ủng hộ để có được khu rừng như thế này. Mình cũng muốn gửi lời cảm ơn người dân ở đây đã trồng, chăm sóc cây lớn lên từng ngày. Hôm nay, mình đã được trải nghiệm đường đi rất khó khăn. Các bác không chỉ gặp khó khăn vì thời tiết, đường đi, họ còn bỏ rất nhiều công sức, thời gian để giữ cây phát triển; trong tương lai sẽ thành khu rừng, góp phần bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, mình muốn dành sự biết ơn sâu sắc dành cho thầy Khang. Thầy là người hiệu trưởng luôn lắng nghe tiếng nói của học trò; biến những mong muốn của học trò thành những điều ý nghĩa. Mình trân trọng những điều mà thầy làm cho học trò. Mình thực sự cảm thấy hạnh phúc khi dự án của trường Marie Curie thành hiện thực”.

“Khu rừng Marie Curie” ở vùng biên cương của Tổ quốc không chỉ góp phần giữ đất, giữ nước mà còn tạo công ăn việc làm, thu nhập cho bà con địa phương, cũng như hứa hẹn một tương lai tươi sáng nếu đất rừng này trở thành rừng phòng hộ sau 3 năm nữa.

Linh Anh