Hơn nửa chặng đường áp dụng CTGDPT mới với lớp 10, các trường thực hiện ra sao?

17/04/2023 06:36
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để HS không bị "nặng gánh" với khối lượng kiến thức trong Chương trình GDPT mới, các cơ sở giáo dục đã phải tìm ra các giải pháp để cân đối việc dạy học

Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào dạy học đối với lớp 10. Qua thời gian thực hiện, các cơ sở giáo dục cũng đã nhận thấy được một số khó khăn vướng mắc, mỗi đơn vị cũng đang có những giải pháp riêng để khắc phục những hạn chế, đảm bảo yêu cầu dạy học trong những năm học tiếp theo.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Đức Thiện - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 4 (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) cho biết: "Đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, được sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang, thông qua các đợt tập huấn, giáo viên của nhà trường cũng đã tiếp cận được khá chi tiết với nội dung các môn học.

Tuy nhiên, với cấp Trung học phổ thông thì năm nay là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, nên khó có thể tránh được sự bỡ ngỡ, lúng túng và gặp phải một số khó khăn trong quá trình áp dụng vào thực tiễn.

Đó là việc, trong năm nay đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10, tuy nhiên các khối lớp còn lại thì vẫn thực hiện theo chương trình năm 2006. Vì vậy, việc làm sao để có thể bố trí lượng giáo viên đảm bảo xuyên suốt cả năm học là cả một bài toán đặt ra cần được giải quyết.

Qua đó, chúng tôi cũng phải lên kế hoạch để cân đối ngày, giờ công lao động của các thầy cô cho sao cho thật phù hợp với các yêu cầu đặt ra.

Thầy Nguyễn Đức Thiện - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 4. Ảnh: T.D

Thầy Nguyễn Đức Thiện - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 4. Ảnh: T.D

Ngoài ra, qua thời gian thực hiện chúng tôi cũng nhận được một số phản ánh của thầy cô trong trường về việc khó khăn trong tiếp cận sách, vì nó khác hoàn toàn so với trước đây. Bởi lẽ, yêu cầu trong tổ chức dạy học nó cũng đã có sự thay đổi rất nhiều.

Thông qua sự phản hồi đó, Ban Giám hiệu nhà trường cũng họp bàn để cùng các giáo viên trong trường để tìm ra các phương án tháo gỡ, đúc rút kinh nghiệm để việc dạy học tốt hơn. Đến thời điểm hiện tại thì mọi việc cũng đã dần đi vào ổn định, các thầy cô cũng đã dần bắt kịp với nhịp độ dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới".

Ngoài ra, vị Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 4 cũng nêu lên khó khăn về chương trình của các môn học. Trong đó, vị này nhắc đến vướng mắc khi thực hiện các hoạt động giáo dục trải nghiệm và giáo dục địa phương.

"Đối với hoạt động giáo dục địa phương, tỉnh Bắc Giang cũng đã chỉ đạo để biên soạn chương trình để sát với tình hình địa phương nên các học sinh cũng rất dễ hiểu khi tham gia học tập.

Tuy nhiên, là lần đầu thực hiện nên quả thật chúng tôi cũng đã gặp phải sự lúng túng. Qua đó, thông qua việc thảo luận, rút kinh nghiệm và kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang, nhà trường cũng có định hướng và chỉ đạo kịp thời đối với các giáo viên.

Đặc thù của giáo dục địa phương là gắn liền với các môn như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân..v.v. nên chúng tôi cũng đã nghiên cứu và điều tiết thời điểm dạy để làm sao thời gian học giáo dục địa phương nó trùng với kiến thức cốt lõi của các bộ môn đó", thầy Thiện chia sẻ thêm.

Đối với hoạt động kiểm tra, thầy Thiện cho biết qua thời gian thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng có khó khăn nhưng giáo viên cũng sớm bắt kịp. Vị này nêu dẫn chứng, nếu so sánh với chương trình trước đây thì việc ra đề kiểm tra cho học sinh khối 10, các giáo viên cũng cần phải đầu tư hơn.

Đối với việc đánh giá học sinh, vị này cho biết, học sinh khối 10 cũng được đánh giá theo Thông tư mới, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin nên so với cách làm truyền thống thì giáo viên cũng có sự "nhàn" hơn, đánh giá học sinh cũng sát và chi tiết hơn.

Bên cạnh đó, vị này cũng chia sẻ thêm, với việc đảm bảo đội ngũ giáo viên để có thể thực hiện tốt tiến độ dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới thì nhà trường cũng đã có những bước chuẩn bị ngay từ đầu năm học.

Theo đó, thầy Thiện cho rằng: "Đầu tiên chúng tôi cũng tính toán đến việc định hướng cho học sinh chọn các môn học lựa chọn. Sau đó, chúng tôi cũng tổ chức sắp xếp các chuyên đề học tập, tính ra số tiết học, từ đó ra số lượng thầy cô ở từng bộ môn là bao nhiêu.

Khi thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông mới thì có một số môn như môn Lịch sử do thời lượng môn học tăng lên nên chúng tôi hiện cũng đang thiếu giáo viên với môn này. Về việc này nhà trường cũng đã có đề xuất với Sở Giáo dục và Đào tạo để thêm biên chế đối với giáo viên của môn này.

Ngoài ra, với các môn năng khiếu thì trong năm học tới chúng tôi cũng đề xuất để xin thêm biên chế giáo viên môn Âm nhạc để có thể đảm bảo đủ giáo viên phụ trách với môn này để có thể đảm bảo yêu cầu dạy học trong năm học tới".

Cùng bàn về khó khăn, vướng mắc khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới vào dạy học đối với học sinh khối lớp 10, đại diện Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang cũng đã có những chia sẻ thẳng thắn.

Trao đổi với phóng viên, cô Trần Trang Nhung - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang nhận định, khi nhà trường vừa là nơi đào tạo các nghề "đặc thù" là các môn nghệ thuật, lại vừa phải phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên để dạy song song chương trình văn hóa phổ thông nên khó khăn là điều không tránh khỏi.

"Mấy năm gần đây, việc dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông với 7 môn văn hóa, nhà trường cũng đã "gửi gắm" hết về các Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn.

Tuy nhiên, nếu nói chúng tôi không trực tiếp đảm nhiệm thực hiện công việc đó mà không gặp phải vướng mắc, khó khăn thì không đúng. Bởi lẽ, khi học sinh vừa học nghề và học văn hóa, nhà trường vẫn phải có trách nhiệm để đảm bảo cân đối, hài hòa thời lượng, thời gian học cho các học sinh.

Học sinh học nghề tại Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang không giống như học sinh học ở các trường dạy nghề kỹ thuật khác mà chủ yếu là khối ngành nghệ thuật, nó mang tính đặc thù, yếu tố năng khiếu nhiều nên để học sinh có thể không chuyên tâm một lúc với hai chương trình học chúng tôi cũng phải có những bước đi cẩn trọng.

Đối với việc học theo chương trình cũ đã là tương đối khá khó khăn khi các em phải "cõng" trên vai một lúc vừa kiến thức nghề và kiến thức văn hóa. Khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới, khối lượng kiến thức văn hóa có tăng lên so với trước đây nên xảy ra tình trạng, nhiều trường hợp học sinh quá chăm chú vào việc học năng khiếu nên bỏ bê các môn văn hóa hoặc có học nhưng không cân bằng được giữa hai chương trình học nên việc đánh giá học sinh của chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn", cô Nhung cho hay.

Cô Trần Trang Nhung - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang. Ảnh: Trung Dũng

Cô Trần Trang Nhung - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang. Ảnh: Trung Dũng

Cũng theo vị này, để có thể giúp học sinh cân bằng, không bị quá áp lực và nặng nề về kiến thức văn hóa khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới vào dạy học thì nhà trường cũng đã tính đến phương án giảm tải từ các môn nghề, để đảm bảo học sinh có thể tiếp nhận được những lượng kiến thức cơ bản, cốt lõi.

Cô Nhung thông tin thêm về giải pháp: "Chúng tôi xác định, khi cùng phối hợp để dạy các học sinh thì giữa nhà trường và các Trung tâm giáo dục thường xuyên phải xác định đó là "con chung" thì việc dạy học cho các em mới đạt hiệu quả thiết thực.

Trong đó, các giáo viên chủ nhiệm của các môn văn hóa và các môn nghề giữa các trung tâm và nhà trường cũng được yêu cầu thường xuyên tương tác để đảm bảo phối hợp tốt nhất trong công tác giảng dạy. Chúng tôi cũng lắng nghe những phản ánh từ chính các học sinh khi các em tham gia học tập tại hai nơi để có thể cân đối, hài hòa và đảm bảo quyền lợi cho chính các em".

Trung Dũng