HS lớp 10 "điên đầu" vì có cả 2 cô Tấm trong SGK

09/11/2011 14:34
Thu Giáo
(GDVN) - Bên cạnh tranh luận về cái kết của câu chuyện Tấm Cám, điều khiến nhiều người quan tâm đó là vấn đề trong quá trình biên SGK hiện nay.
Sách chuẩn "đá" sách nâng cao Hiện nay, ở cấp THPT có hai bộ sách: một phục vụ cho chương trình chuẩn, một cho nâng cao. Trong đó, theo quy định của Bộ GD&ĐT, chương trình nâng cao phải dựa vào chương trình chuẩn. Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, cùng là truyện cổ tích Tấm Cám nhưng ở sách chuẩn và sách nâng cao thì lại có 2 kết thúc khác nhau. Cụ thể, đoạn kết truyện Tấm Cám trong SGK chuẩn, dựa theo Nguyễn Đổng Chi, có nội dung: “Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu giội nước sôi vào hố. Cám chết...”. Trong khi đó ở sách nâng cao, dựa theo Chu Xuân Diên - Lê Chí Quế, lại viết: “Theo lời chỉ bảo của Tấm, Cám sai đào một hố thật sâu và xuống ngồi dưới, rồi gọi người đem nước sôi giội xuống hố. Cám chết còng queo”.
Từ cái kết trên, sẽ có hai cách đánh giá khác nhau về tính cách của Tấm. Theo phán ảnh của các giáo viên Văn ở hầu hết cấp THPT đều cho rằng, với hai cái kết như trên sẽ khiến các giáo viên cảm thấy khó khăn trong quá trình giảng dạy, cách tiếp cận của các em cũng khác nhau. “Không thể có hai nhân vật Tấm trong chương trình dạy. Chương trình dạy khác nhau, dẫn đến cách giảng và cách học không thống nhất”, chị Phan Thu Ngọc, giáo viên một trường cấp 3 ở Hà Nội lo lắng. Một giáo viên khác nói: “Nhiều em học sinh còn bàn tán nhau, cho rằng cô giáo dạy sai, phải hiểu là theo cô Tâm ở sách nâng cao mới đúng, nhiều lúc chúng tôi không biết thế nào mà giải thích cho các em”. Em Cao Trần Lực (THPT Kim Liên, Hà Nội) phàn nàn: "Đã là truyện cổ tích thì bao nhiêu dị bản cũng được, nhưng khi đã đưa vào sách thì người soạn sách phải thống nhất chứ? Bọn em học đã đành, đến lúc thi tốt nghiệp, thi ĐH thì sao? chương trình không thống nhất thì sẽ chỉ làm khổ học sinh chúng em thôi!"Hội đồng thẩm định cũng "bó tay" Để hiểu rõ vấn đề hơn, chúng tôi đã tìm gặp Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Chủ tịch Hội đồng thẩm định bộ môn ngữ văn. Theo GS Thuyết: “Khi thẩm định hai bộ SGK (theo chương trình chuẩn và chương trình nâng cao) môn ngữ văn lớp 10, Hội đồng thẩm định đã yêu cầu cả hai bộ sách thống nhất lấy dị bản tác phẩm Tấm Cám của Giáo sư, nhà nghiên cứu văn học dân gian Chu Xuân Diên. Tuy nhiên, sau khi bộ SGK Ngữ văn 10 theo chương trình chuẩn in ra thì chúng tôi mới phát hiện là tác giả của bộ sách không làm đúng yêu cầu của Hội đồng thẩm định, đã lấy dị bản khác, chỉ có sách nâng cao lấy dị bản của Giáo sư Chu Xuân Diên. Sau khi phát hiện, tôi đã trao đổi ngay với Tổng chủ biên và phản ánh điều này với NXB Giáo dục. Nhưng cho đến nay, sách vẫn chưa được sửa. Ông giải thích: “Truyện dân gian thường có nhiều dị bản. Lời kể có chi tiết Tấm dội nước sôi giết Cám rồi làm mắm, gửi cho mẹ Cám cũng chỉ là một dị bản thôi. Hội đồng thẩm định SGK nhận thấy dị bản mà Giáo sư Chu Xuân Diên chép có cái kết chừng mực, phù hợp với yêu cầu giáo dục hơn, nên đã quyết định chọn dị bản đó để đưa vào giảng dạy.
 Cái kết trong truyện Tấm Cám là tôi đã dựa theo tác phẩm trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 4 của cố Giáo sư Nguyễn Đổng Chi. Theo tìm hiểu của tôi thì để có truyện này, cố Giáo sư Chi dựa theo bài viết đăng ở một tập san bằng tiếng Pháp năm 1905 của ông Đỗ Thận và một số ghi chép qua lời kể của người dân Bắc bộ.
GS Chu Xuân Diên
(Theo Thanh Niên)
Thu Giáo