Ít phương thức xét tuyển sẽ giúp thí sinh tránh được sự phân tán, khó hiểu

11/12/2022 06:41
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm 2023, bỏ phương thức tuyển sinh kém hiệu quả tạo điều kiện từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng tuyển sinh đại học.

Theo báo cáo tại cuộc giao ban quý IV về tuyển sinh và đào tạo năm 2022 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đang xem xét không thực hiện xét tuyển đại học sớm trong năm 2023, trừ một số trường hợp đặc thù. Tất cả phương thức xét tuyển đại học, bao gồm cả xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được thực hiện cùng một đợt. Đồng thời, tiến hành loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả.

Chất lượng tuyển sinh sớm không cao khi phải chờ lịch chung của Bộ

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt nam, một chuyên gia giáo dục làm công tác tuyển sinh của trường đại học ở tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, vị này đồng tình với lưu ý xem xét của Bộ tại cuộc giao ban quý IV.

Lý giải nguyên nhân ban đầu, vị này nói: “Do đợt tuyển sinh năm 2022, ngoài phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển đại học, các trường còn được chủ động thời gian, lựa chọn phương thức xét tuyển khác để tuyển sinh.

Đặc biệt, những phương thức không sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông được một số trường sử dụng để tổ chức xét tuyển sinh sớm. Song, quy định là các trường này chỉ được phép thông báo danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển, không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch chung của Bộ.

Điều này dẫn tới tình trạng gia tăng thí sinh ảo, công tác tuyển sinh nhiều trường kém hiệu quả. Minh chứng cụ thể cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo trong Hội nghị tổng kết giáo dục đại học năm học 2021-2022, được tổ chức ngày 12/9”.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, số thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm nhiều mà thực tế chỉ một phần ba đăng ký nguyện vọng 1. Điều này cho thấy, việc yêu cầu nhập học ngay khi trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm giống như năm trước thì tỷ lệ ảo rất cao.

Phương thức tuyển sinh truyền thống vẫn được ưa chuộng

Theo dõi và cho ý kiến về yêu cầu lược bỏ phương thức xét tuyển không hiệu quả của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tiến sĩ Nguyễn Phi Long, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, trong thống kê của Bộ chỉ ra, nhiều trường đại học sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau. Điều này là do quyền tự chủ của mỗi trường trong quá trình làm công tác tuyển sinh đại học. Tuy nhiên, qua đánh giá kết quả tuyển sinh có nhiều phương thức được cho là không hiệu quả, gây nhiễu.

Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo mã của 20 phương thức xét tuyển, trong đó phương thức thứ 20 để tên là "Sử dụng phương thức khác", tức là số phương thức thực tế các trường đề ra để tuyển sinh có thể nhiều hơn.

“Theo tôi, những phương thức tuyển sinh được xác định là không hiệu quả có thể là những phương thức ít thí sinh tham gia, hoặc không có thí sinh tham gia.

Mỗi trường xét tuyển đại học có quyền đưa ra các phương thức khác nhau. Nếu phương thức không có hoặc ít thí sinh tham gia mà giữ lại để các trường tuyển sinh thì sẽ không có nhiều ý nghĩa, thậm chí dẫn tới thiếu khách quan. Do vậy, việc Bộ lưu ý loại bỏ bớt các phương thức tuyển sinh kém hiệu quả là chủ trương hết sức hợp lý, từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh của trường nói riêng và các trường đại học, cao đẳng nói chung”, tiến sĩ Long cho biết.

Lý giải rõ hơn về điều này, thầy Long chỉ ra:

Thứ nhất, các phương thức truyền thống vẫn được ưa chuộng.

Đa phần thí sinh thi đại học đều có thiên hướng lựa chọn các phương thức truyền thống như: xét học bạ, sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, hoặc một đến hai phương thức xét tuyển kết hợp khác.

Việc mở thêm các phương thức tuyển sinh khác cũng là tín hiệu vui cho giáo dục và đào tạo đại học trong nước. Tuy nhiên, thực tế là các phương thức truyền thống vẫn được cả các trường và thí sinh ưa chuộng khi xét tuyển đại học.

Thứ hai, tránh phân tán, khó hiểu dẫn đến tâm lý lo lắng khiến thí sinh không dám đăng ký xét tuyển vào trường.

Theo thầy Long, trường đại học lựa chọn các phương thức tuyển sinh trọng tâm để tránh làm thí sinh bị phân tán trong quá trình chọn hình thức xét tuyển.

“Thực tế qua công tác tuyển sinh cho thấy, càng ít phương thức xét tuyển thì thí sinh sẽ tránh được sự phân tán, khó hiểu và nhà trường cũng dễ dàng hơn.

Hơn nữa, nếu quá nhiều phương thức mà phụ huynh, cũng như thí sinh khó hiểu thì sẽ dẫn đến hệ quả đó là thí sinh lo sợ, mơ hồ, không dám đăng ký tuyển sinh vào trường”, thầy Long nêu quan điểm.

Tránh sử dụng phương thức xét tuyển khiến thí sinh khó hiểu

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2022, Học viện Phụ nữ Việt Nam sử dụng 3 phương thức tuyển sinh: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét học bạ.

Qua thực tế sử dụng 3 phương thức trên, số lượng thí sinh trúng tuyển vào Học viện bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm nhiều chỉ tiêu nhất. Tiếp sau là phương thức xét học bạ. Phương thức tuyển thẳng không có thí sinh nào.

Chia sẻ về phương thức xét học bạ, thầy Long cho biết, thông thường, nhiều quan điểm đánh giá thí sinh đỗ đại học bằng phương thức xét học bạ là không khách quan, phản ánh không thực chất năng lực học tập. Thế nhưng, sau nhiều năm sử dụng phương thức xét học bạ và đánh giá kết quả học tập của sinh viên cuối kỳ, nhà trường ghi nhận những điểm tích cực.

“Dư luận vẫn cho rằng, ở bậc trung học phổ thông, giáo viên sẽ “nương tay”, cho điểm học bạ của học sinh đẹp hơn để các em có thêm cơ hội trúng tuyển đại học.

Thế nhưng, tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, thông qua quá trình học tập, theo dõi, đánh giá kết quả của thí sinh đỗ vào trường bằng phương thức xét học bạ, cá nhân tôi nhận thấy, sinh viên có năng lực nhận thức và trình độ ngang với những thí sinh đỗ vào trường bằng phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Căn cứ vào điều này, có thể trong những năm tới, Học viện vẫn tiếp tục sử dụng phương thức xét học bạ nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn cho phép”, thầy Long chia sẻ.

Trong 20 phương thức xét tuyển đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê, theo thầy Long, để chuẩn bị cho năm 2023, nhà trường đang xem xét để đưa vào sử dụng thêm các phương thức kết hợp.

Cụ thể là phương thức kết hợp giữa sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông với chứng chỉ quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ.

Tuy nhiên, để lựa chọn phương thức xét tuyển đưa vào Quy chế tuyển sinh đại học phải dựa trên nhiều yếu tố và cũng cần tính toán thận trọng từng bước.

“Về mặt khách quan, các phương thức xét tuyển kết hợp khá ưu việt, có tính chọn lọc thí sinh tốt. Do vậy, Học viện sẽ xem xét để áp dụng năm 2023. Còn về chi tiết có thêm những phương thức nào khác thì phải chờ đến đầu năm 2023 Học viện tiến hành xây dựng Quy chế tuyển sinh mới".

Bàn thêm về vấn đề thiếu công bằng cho thí sinh ở phương thức sử dụng kết quả thi và chứng chỉ ngoại ngữ, quốc tế, theo thầy Long, việc lo ngại bất công bằng ở phương thức này cũng là một khía cạnh.

Song, một cơ sở giáo dục sẽ tuyển sinh bằng nhiều phương thức. Khi đó, thí sinh có quyền căn cứ vào thế mạnh của bản thân để lựa chọn phương thức xét tuyển.

"Trường hợp bất công bằng trong xét tuyển đại học ở phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và chứng chỉ ngoại ngữ, quốc tế chỉ xảy ra khi trường đại học, ngành học nào đó chỉ áp dụng duy nhất một phương thức này. Còn với các trường có đa dạng phương thức thì không xảy ra bất công bằng với thí sinh mà sẽ là điều kiện để khai thác, tận dụng được thế mạnh tốt nhất của thí sinh", thầy Long nhận xét.

Có thể thấy, trong công tác tuyển sinh, những cơ sở giáo dục đại học đề xuất các phương thức tuyển sinh đều có cơ sở thực tiễn, phù hợp với đặc thù ngành, trường. Đơn cử, ngành đào tạo về âm nhạc, vẽ, kiến trúc, nghệ thuật thì không thể không áp dụng phương thức xét tuyển bằng điểm thi năng khiếu…

Do vậy, việc lược bỏ phương thức tuyển sinh cần được căn cứ vào nhiều điều kiện, yếu tố, hoàn cảnh của mỗi ngành, mỗi trường. Song, để tránh tình trạng quá nhiều phương thức, gây rối cho thí sinh và có nguy cơ tiểm ẩn thiếu công bằng, trường đại học một mình một phách thì Bộ cũng cần có phương án hướng dẫn cụ thể.

Ngọc Mai