Kế hoạch bài dạy theo Công văn số 5512 sẽ song hành cùng chương trình 2018?

24/08/2022 06:42
Kim Oanh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên địa phương này bán giáo án, bán đề kiểm tra trên mạng xã hội, giáo viên địa phương khác đứng ra mua nên chẳng ai kiểm soát được việc này.

Ngay từ khi Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH được triển khai thực hiện ở cấp học trung học cơ sở và trung học phổ thông đã gây ra nhiều luồng ý kiến tranh luận.

Phần lớn giáo viên vẫn băn khoăn về việc thực hiện các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của công văn này bởi nó quá rườm rà, dài dòng.

Tuy nhiên, việc đưa các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH vào tập huấn chương trình mới, cùng với Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH ở năm học 2021-2022 và Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH cho năm học 2022-2023 thì giáo viên đã ngầm hiểu các kế hoạch giáo dục theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH sẽ song hành theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Vì thế, dù muốn, dù không, dù đồng tình hay không đồng tình thì cán bộ, giáo viên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng đều phải thực hiện các kế hoạch giáo dục theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH mà Bộ đã ban hành.

Thời điểm này, "thị trường" giáo án đang khá nhộn nhịp (Ảnh chụp từ màn hình)

Thời điểm này, "thị trường" giáo án đang khá nhộn nhịp (Ảnh chụp từ màn hình)

Các kế hoạch giáo dục theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH đang được triển khai đối với những lớp dạy chương trình mới

Trong năm học 2021-2022 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022.

Trong Công văn này, Bộ hướng dẫn đối với lớp 6: “Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (Công văn 5512)”.

Chuẩn bị cho năm học 2022- 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình và yêu cầu đối với lớp 6, lớp 7, lớp 10 như sau: “Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (Công văn 5512).

Với cách chỉ đạo như vậy, giáo viên nào cũng hiểu là năm học 2022-2023, các lớp 6,7, 10 sẽ thực hiện các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH thì các năm học tiếp theo sẽ là lớp 8, lớp 9, lớp 11 và lớp 12 cũng sẽ được thực hiện cuốn chiếu.

Theo hướng dẫn của Công văn 5512 gồm có các kế hoạch và phụ lục sau: Kế hoạch dạy học các môn học (theo Khung kế hoạch dạy học môn học tại Phụ lục 1); Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục (theo Khung kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục tại Phụ lục 2); Kế hoạch giáo dục của giáo viên trong năm học (theo Khung kế hoạch giáo dục của giáo viên tại Phụ lục 3); Kế hoạch bài dạy (theo Khung kế hoạch bài dạy tại Phụ lục 4)

Mặc dù Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH và Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH đều hướng dẫn: “Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, kế hoạch giáo dục của giáo viên, kế hoạch bài dạy (giáo án)”.

Thế nhưng, khi tập huấn chương trình mới ở module 4 (Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh), giáo viên được hướng dẫn về việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH .

Khi thực hiện ở cơ sở thì các hoạt động, mục tiêu, các hoạt động của Kế hoạch bài dạy (theo Khung kế hoạch bài dạy tại Phụ lục 4) các môn học gần như phải giống nhau. Nếu không, khi kiểm tra, thanh tra về chuyên môn thì giáo viên sẽ gặp khó khăn khi góp ý, đánh giá, xếp loại.

Giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục về chuyên môn nhưng các kế hoạch giáo dục lại thực hiện giống nhau

Nhiều năm nay, lãnh đạo ngành giáo dục vẫn thường nói rằng “giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục về chuyên môn” nhưng thực tế nhiều khi không phải vậy. Chẳng hạn khi thực hiện Kế hoạch bài dạy (giáo án) hiện nay theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH thì giáo viên rất khó để tự chủ ngay cả với giáo án của mình.

Tất cả các mục tiêu của bài học, các hoạt động dạy học, các bước lên lớp ra sao đều phải được thực hiện tuần tự và chi tiết. Điều này không chỉ thể hiện trên mẫu phụ lục 4 của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH mà ngay cả trong module 4 (Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh).

Một khi giáo viên đã được chỉ đạo, tập huấn như vậy, cùng với việc triển khai chuyên môn của nhà trường, hội đồng bộ môn, tổ chuyên môn thì đương nhiên giáo viên phải thực hiện theo hướng dẫn. Làm khác, đôi lúc rước thêm sự phiền toái khi bị duyệt giáo án, kiểm tra nội bộ, kiểm tra, thanh tra chuyên môn của cấp trên.

Chính vì thế, thị trường Kế hoạch bài dạy (giáo án) đối với các lớp thực hiện chương trình mới thời điểm này đang rộn ràng trên các trang facebook của các nhóm giáo viên từng môn học.

Nhiều giáo viên đứng ra lập thành từng nhóm soạn chung một giáo án cho môn học, lớp học rồi họ quảng cáo, chào bán như những mặt hàng thiết yếu khác bởi đa số giáo viên đều cần.

Giáo án được chào bán công khai trên mạng xã hội (Ảnh chụp từ màn hình)

Giáo án được chào bán công khai trên mạng xã hội (Ảnh chụp từ màn hình)

Thay vì tất bật soạn giáo án như trước đây, giờ đây giáo viên chỉ cần bỏ ra mấy trăm ngàn đồng là có một bộ giáo án cho cả năm học. Giáo viên có thể mua riêng nhưng thông thường một nhóm giáo viên trong từng khối dạy đứng ra mua chung để tiết kiệm chi phí.

Hai năm nay, Bộ đã nhìn thấy tình trạng văn mẫu nên đã chỉ đạo, ra văn bản hướng dẫn việc đổi mới về phương pháp, đổi mới về kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn khi quyết tâm không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa để ra đề kiểm tra.

Nhưng, văn mẫu có thể sẽ lắng xuống mà giáo án mẫu của giáo viên sẽ lên ngôi. Giáo viên địa phương này bán giáo án, giáo viên địa phương khác đứng ra mua thì ai mà kiểm soát được việc này. Trong giáo án, có đề kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ nên cấm “mẫu” này lại phát sinh “mẫu” khác.

Giá như, việc thực hiện giáo án (bây giờ gọi là kế hoạch bài dạy) không quy định thực hiện theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH thì biết đâu lại bớt được những bất cập, hỗn độn như thị trường giáo án đang bán tràn lan trên mạng xã hội.

Mặc dù Bộ luôn nói giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục về chuyên môn nhưng các kế hoạch giáo dục lại chỉ đạo “xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo” nên có thể đó là nguyên nhân khiến các kế hoạch giáo dục được “nhân bản”, “đồng phục” ngày càng nhiều.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Kim Oanh