Khai mạc phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

10/10/2022 10:09
Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sáng ngày 10/10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 16 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Xem xét, cho ý kiến và quyết định một số vấn đề quan trọng

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là phiên họp cuối của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong 3 ngày làm việc, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến và quyết định một số vấn đề quan trọng sau đây:

Nhóm vấn đề thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách năm 2022; dự kiến mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023, trong đó có nội dung phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Kỳ họp này Quốc hội sẽ quyết định kế hoạch tài chính, ngân sách trung hạn 3 năm giai đoạn 2023-2025 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 16 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 16 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt tinh thần và kết luận của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, đồng thời nắm bắt thực tiễn ở các địa phương và chức năng, nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia trong từng ngành và lĩnh vực để cho ý kiến đánh giá sâu sắc về vấn đề này.

Nhóm vấn đề thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tham gia cho ý kiến về Báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của Ban Dân nguyện về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Nội dung này sẽ được kết hợp với việc xem xét kết hợp với việc xem xét cho ý kiến đối với Báo cáo của Ban Dân nguyện về công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9.

Nhóm vấn đề thứ ba là một số nội dung Chính phủ đề xuất bổ sung phát sinh từ phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường kỳ của tháng 9/2022 đến nay gồm: việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, kết quả về công tác thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa hỗ trợ cho người dân, cho doanh nghiệp và phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh và ứng xử đối với thời hạn của Nghị quyết này. Về Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ đề nghị cho tiếp tục kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 54 này đến hết năm sau.

Về báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội. Cùng với đó, Chính phủ kiến nghị đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, tháo gỡ vướng mắc cho một số các dự án BOT.

Về một số nội dung khác, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Trong phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự để trình Kỳ họp thứ 4 và công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, lãnh đạo Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về bộ nhận diện của Quốc hội mới. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, căn cứ vào kết quả phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về lần cuối đối với nội dung chương trình của Kỳ họp thứ 4.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Nhấn mạnh, thời gian làm việc của phiên họp này chỉ có 3 ngày, những nội dung hết sức quan trọng, có những việc rất hệ trọng, khó, có những việc cũng chưa có tiền lệ, như là việc xử lý về BOT, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm, khí thế như các phiên họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, đóng góp ý kiến liên tục, sôi nổi; đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan bố trí tham gia theo thẩm quyền, theo chức trách được giao, để đảm bảo cho phiên họp hoàn tất nội dung và thành công tốt đẹp, chuẩn bị kỹ lưỡng cho Kỳ họp thứ 4.

Đề nghị giải trình thêm về tình trạng một số bộ, ngành trả lời kiến nghị của cử tri không đúng thời gian theo quy định

Ngay sau phát biểu khai mạc phiên họp thứ 16 của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội;

Cho ý kiến về các báo cáo: Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2022.

Tiếp đó, mở đầu nội dung thảo luận, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận vào các báo cáo được trình bày tại Phiên họp. Đối với dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cho ý kiến xem nội dung báo cáo đã đầy đủ, toàn diện, bao quát các vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm hay chưa, để Đoàn Chủ tịch Trung ương hoàn chỉnh và trình bày báo cáo này tại phiên Khai mạc của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Báo cáo nêu năm nhóm vấn đề tin tưởng và đánh giá cao; sáu nhóm vấn đề băn khoăn và lo lắng; năm kiến nghị cụ thể của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ngoài những nội dung đã được nêu trong báo cáo, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cụ thể, các bộ, ngành cũng giải trình thêm về tình trạng một số bộ, ngành trả lời không đúng thời gian theo quy định, như Y tế, Giáo dục, Lao động Thương binh xã hội;

Có một số nơi trả lời nội dung chung chung như trả lời của Bộ Xây dựng về công tác kiểm tra, cấp phép xây dựng; Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chưa giải quyết kịp thời nên một số kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết như: việc ban hành quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với phí thẩm định các đồ án quy hoạch;

Một số văn bản quy định của cơ quan thẩm quyền chưa rõ, gây khó khăn cho thực hiện như: Thông tư 2 của Bộ Công thương về khái niệm khu dân cư khó áp dụng, quy định về số ngày công của từng chức danh, nội dung công việc tại Thông tư liên tịch số 55 của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học, công nghệ; Kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết do vướng mắc và thiếu thống nhất các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật như: việc phê duyệt cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hàng năm theo Thông tư 04 của Bộ Công thương, quy định giao Bộ Tài chính hướng dẫn mức thu, quản lý, sử dụng phí thẩm định để đóng cửa mỏ và nghiệm thu đề án đóng cửa mỏ….

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là những vấn đề nổi lên qua giám sát.. đề nghị Ủy ban Thường vụ cho ý kiến về nội dung này.

Trình bày các Báo cáo tại phiên họp, về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các Đoàn đại biểu Quốc hội trước và sau Kỳ họp thứ 3, 82,2% kiến nghị đã được giải quyết, trả lời.

Các cơ quan của Quốc hội đã trả lời 62/62 kiến nghị cử tri được gửi đến. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, gắn kết chặt chẽ với hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; các kiến nghị cử tri đã được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, có nhiều giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng lực, chất lượng quản lý, điều hành trên các lĩnh vực quản lý nhà nước. Một số kiến nghị cụ thể của cử tri đã được Bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết, giải đáp đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội