Cuộc đời tàn phế của “vua diệt sói”

20/05/2011 00:30
(GDVN) - Cả đời vác súng vào rừng, ông Que tiêu diệt không biết bao nhiêu tên sói. Dân bản phong ông là “vua diệt sói”.

(GDVN) - Cả đời vác súng vào rừng, ông Que tiêu diệt không biết bao nhiêu tên sói. Dân bản phong ông là “vua diệt sói”. Nhưng, chính vì một chuyến đi hạ đàn sói cứu đàn bò trong bản mà đời ông tàn phế.
{iarelatednews articleid='2559,2362'}
Theo sự chỉ dẫn của anh Định, cán bộ kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), tôi phóng xe máy vượt đoạn đường 70 km tìm đến xã Mường Giôn, xã giáp với huyện Than Uyên (Lai Châu). Theo anh Định, gần đây đàn sói hay về xã Mường Giôn quấy nhiễu.

Trưởng công an xã Mường Giôn Bạc Cầm Hạnh chỉ tay lên dãy núi Pú Coong Khẩu (dịch nghĩa là những đống thóc) cao lừng lững, trơ đá màu bạc trong nắng chiều và bảo: “Bên kia núi rừng rộng mênh mông, thợ săn khỏe mạnh đi cả tháng cũng không hết. Gần đây chó sói về nhiều lắm. Chiều nào cũng nhìn thấy đàn sói phi như gió, tru rền rĩ đuổi bò trên sườn núi trọc. Chúng cứ ngoạm xả mông, xả đùi là bò đổ kềnh ra đất, sau đó moi bộ lòng nóng hổi đánh chén, rồi lại đuổi đớp con khác. Cứ tình trạng như thế này, không ai còn dám thả trâu bò lên núi nữa. Dân chúng kéo lên núi săn sói và thi thoảng cũng “đoàng” được con, nhưng chúng chẳng hề sợ, cứ vắng bóng người là lại kéo về xơi trâu bò”.

Sói đỏ. Ảnh Sưu tầm
Sói đỏ. Ảnh Sưu tầm


Được sự hướng dẫn của trưởng công an Bạc Cầm Hạnh, tôi cuốc bộ suốt 3 tiếng đồng hồ trèo lên sườn núi Pú Coong Khẩu vào bản Phiêng Mựt tìm gặp ông Lò Văn Que, thợ săn nổi danh một thời của đất Quỳnh Nhai và cũng là người hiểu biết về sói nhất, bắn chết nhiều sói nhất.

Ông Que người nhỏ thó, khuôn mặt biến dạng vì bị gấu cắn xé, cả ngày chỉ ngồi một chỗ, ngâm đôi bàn chân phù nề vào nồi thuốc nước. Đôi mắt giả của ông lúc nào cũng mở thông thống, kể cả lúc ngủ (vì gấu rút mất cơ mặt nên không khép mi được).

Ngày nào ông Que cũng phải ngâm chân trong thuốc.
Ngày nào ông Que cũng phải ngâm chân trong thuốc.


Ông Que kể về giống sói Quỳnh Nhai rất sôi nổi, dù giọng ông méo mó: Bọn sói chỉ xơi thịt mông, thịt đùi và bộ lòng trâu, bò to, bê hay nghé non thì chúng nhai hết cả xương. Răng chó sói cũng không nhọn gì lắm, dài hơn răng chó nhà tí, thế mà nó xé thịt bò, da bò ngon ơ. Hôm tôi mổ bụng, thấy cả xương cứng của con bò. Da con bò nái, lúc làm thịt, nhiều khi con dao đi rừng phải liếc mãi mới cắt được, thế mà đàn sói xé tanh bành trong nháy mắt. Kỳ lạ thật!

Bọn sói thường đi săn theo đàn, 7 đến 8 con, cũng có khi đến 20 con. Giống sói này chỉ nặng 30 đến 40kg một con, nhưng chúng có thể giết hại trâu bò nặng nửa tấn. Ngoài hàm răng sắc bén, xé nát mọi thứ, thì nước đái sói cũng là thứ vũ khí khủng khiếp. Nước đái lũ sói rất độc. Trước khi dàn trận săn bò, chúng đái té tát lên cành lá. Khi đàn bò bỏ chạy, nước đái trên lá dính vào mắt khiến mắt bò sưng lên, mù tịt luôn, thế là chúng xúm vào xơi tái từng con. Người đi săn cũng phải cẩn thận, nếu nước đái của chúng bắn vào mắt thì sẽ không tìm được đường về.

Khuôn mặt ông Que biến dạng vì bị gấu tấn công.
Khuôn mặt ông Que biến dạng vì bị gấu tấn công.


Cả đời vác súng vào rừng, ông Que tiêu diệt không biết bao nhiêu tên sói. Dân bản phong ông là “vua diệt sói”. Nhưng, chính vì một chuyến đi hạ đàn sói cứu đàn bò trong bản mà đời ông tàn phế.

Số là lần ấy, khi lò dò tiến đến phía đàn sói đang dàn trận săn bò trên sườn núi Pú Coong Khẩu, ông giáp mặt ngay “lão gấu” to tướng nấp trong bụi cây. Ông bắn một phát, nó không chết, nó lao ra đớp gẫy tay ông, cắn mất mảng ngực, lột cả mảng da mặt, da đầu, cắn mất cả mũi và nghiền vụn xương quai hàm. Mọi người khiêng “đống thịt bầy nhầy” xuống Bệnh viện Sơn La, rồi người ta chuyển xuống Bệnh viện Việt Đức, thế mà ông sống được. Nhưng giờ sống chung với bệnh tật.    

PV nghe ông Que kể lại chuyện săn sói.
PV nghe ông Que kể lại chuyện săn sói.


Từ ngày thợ săn Lò Văn Que ngồi một chỗ vì bị gấu tấn công, đám thanh niên tiếp tục lên rừng tiêu diệt bọn sói để bảo vệ trâu bò. Chuyện người ta bắn được sói cũng như bắn được con nai, con hoẵng trong rừng, không có gì ầm ĩ cả. Thời gian gần đây, súng bị công an, kiểm lâm thu nhiều, nên sói về ăn bò nhiều hơn. Người dân chỉ lén lút đi bắn sói, chứ không tổ chức săn bắn rầm rộ như xưa nữa.

Theo các nhà khoa học, ở Việt Nam chỉ có hai loài chó sói. Loài thứ nhất là sói đỏ (tên khoa học là Cuon alpinus), có đặc điểm thân dài, mõm ngắn, tai vểnh, lông lưng và bên sườn màu vàng đỏ, lông bụng màu sáng nhợt, lông ở chân và đuôi chuyển sang nâu đen hoặc đen, gốc đuôi thắt nhỏ, xù ở phần cuối.

Người dân bản Phiêng Mựt nhốt gia súc, gia cầm như thế này để tránh bị sói tấn công.
Người dân bản Phiêng Mựt nhốt gia súc, gia cầm như thế này để tránh bị sói tấn công.


Giống sói đỏ sống từng đôi hoặc nhập đàn 5-7 con, khi đi săn có thể "bày binh bố trận" đông tới 15-20 con. Chúng sinh sản hầu như quanh năm, nhưng tập trung nhất vào các tháng 11-12. Thời gian có chửa khoảng 9 tuần. Mỗi lứa đẻ 4-6 con, có thể tới 10-11 con.

Loài thứ hai là sói xám, hay còn gọi là chó rừng (tên khoa học là Canis aurreus Linnaeus). Theo tài liệu, sói xám chỉ mới phát hiện ở vùng rừng Khộp trong Đắk Lắk, chúng lại chỉ hoạt động lúc sáng sớm, chiều tối và ban đêm.

Như vậy, theo đặc điểm sinh thái và mô tả của người dân thì nhiều khả năng loài sói ở Quỳnh Nhai chính là sói đỏ, loài động vật cực kỳ quý hiếm, được xếp vào nhóm 2B, hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Loài sói này quý hiếm như vậy, nhưng không hiểu sao, sự xuất hiện liên tục của nhiều đàn sói đỏ ở rừng Quỳnh Nhai, lại chưa được các nhà khoa học nào nghiên cứu để có chiến lược bảo tồn nguồn gene quý hiếm này.

Vài năm nữa, đập Sơn La đóng hoàn toàn, một nửa rừng Huổi Luông sẽ biến mất. Đàn sói sẽ về đâu?
Vài năm nữa, đập Sơn La đóng hoàn toàn, một nửa rừng Huổi Luông sẽ biến mất. Đàn sói sẽ về đâu?


Câu chuyện về 11 con "chó sói" bị hạ gục thui rơm ở bản Hé chỉ là điển hình cho hiện tượng sát hại loài chó sói quý hiếm ở Quỳnh Nhai đã diễn ra từ nhiều năm nay. Việc xử lý những người bắn hạ chó sói là rất khó khăn, bởi lý do sói đã gây hấn trước bằng việc ăn thịt rất nhiều trâu, bò của các làng bản trong khu vực. Tuy nhiên, nếu cứ vì cái lý đàn sói ăn thịt bò rồi xuê xoa cho việc bắn giết loại động vật cực kỳ quý hiếm này thì không chỉ bà con mà cả các cán bộ cũng đã vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.

Lời cảnh báo mà tác giả đưa ra: Chỉ thời gian ngắn nữa, đàn chó sói đỏ quý hiếm trong rừng Huổi Luông có thể sẽ hết môi trường sống, khi mà 50% diện tích rừng (trong tổng số 46.000 ha rừng ở Quỳnh Nhai) biến thành lòng hồ thủy điện Sơn La. Những cánh rừng ít ỏi còn lại cũng sẽ bị tàn phá nốt do dân cư di vén vào rừng sinh sống. Đàn sói sẽ bị đẩy lên tận đỉnh núi, sẽ bị dồn vào đường cùng và sẽ bị con người tiêu diệt nốt!

Rất mong các nhà khoa học nhanh chóng vào cuộc nghiên cứu, bảo tồn loài sói đỏ Quỳnh Nhai trước khi người ta bắn giết sạch sẽ.

Trần Bình Thủy