Ở xóm mà thân thể mọi người toát ra mùi… khủng khiếp!

13/05/2011 23:30
(GDVN) - Hồi chị mới về làm dâu, còn chẳng dám ngủ cùng chồng. Anh ấy đi bãi có mùi ghê lắm. Cái mùi nó ngấm vào hơi thở, ngấm và máu rồi, không hết được đâu!

(GDVN) - Chị Nga, người phụ nữ tốt bụng đã cho tôi đi nhờ xe một đoạn tới Lương Đình cười ngặt nghẽo: “Hồi chị mới về đây làm dâu, còn chẳng dám ngủ cùng chồng. Anh ấy đi bãi có mùi ghê lắm. Sau mãi rồi cũng phải quen. Cái mùi nó ngấm vào hơi thở, ngấm vào máu rồi, không hết được đâu!”.
{iarelatednews articleid='2176,1993'}
“Xóm bốc mùi”

Sau một đêm bới rác thật lực, tôi trở về trong sự hoan hỉ của mọi người. Không ai nghĩ tôi có thể ra khỏi đó cùng với gần 1 bao tải hàng và cả chục bức ảnh về đêm bãi rác!

Nhưng khi tôi đề đạt nguyện vọng đi thêm vài đêm nữa thì họ gạt phắt. Nhất định không được! Chỉ vì, tôi đã lọt vào tầm ngắm của rất nhiều người.

Tôi loáng thoáng bên tai câu hỏi của anh bảo vệ to béo hồi sáng “Này, con bé kia ở đâu ra thế? Chưa thấy bao giờ!”. Lúc đó, tôi vẫn mặc nguyên bộ quần áo lao động lấm lem sau cú ngã, vẫn đội mũ đeo khẩu trang kín mít, tay cầm cào, nghĩa là giống hệt cả nghìn con người bới rác.

Nhặt rác ở bãi Nam Sơn (Ảnh: Internet).
Nhặt rác ở bãi Nam Sơn (Ảnh: Internet).


Trên đường về, tôi để ý thấy có rất nhiều người nhìn mình chằm chằm. Đi qua chợ, anh Tùng bảo tôi cúi mặt xuống. Về nhà thay quần áo, tôi cuốc bộ ra ủy ban xã, mấy người hốt hoảng hét toáng lên: “Cái con bé này đi bãi hồi sáng đây, sao giờ nó lại ở đây được, nó là ai thế nhỉ, nhà báo à?”.

Thì ra, người dân xóm bãi cực kỳ cảnh giác mỗi khi có người lạ xuất hiện, nhất lại là phóng viên. Họ không muốn “giơ cái mặt thằng nhặt rác lên báo” (lời anh Tùng).

Khi đến đây, ấn tượng đầu tiên của tôi về người dân là sự hiền lành, chăm chỉ và hết sức thân thiện. Vì thế, tôi cực choáng khi vừa giơ máy ảnh lên chụp người phụ nữ đang giặt bóng dưới mương nước, bà trừng mắt, gằn giọng: “Này, mày có thích tao đập máy ảnh đi không?”.

Người phụ nữ này đã dọa đập máy ảnh của PV vì không muốn lên báo.
Người phụ nữ này đã dọa đập máy ảnh của PV vì không muốn lên báo.
 

Nỗi mặc cảm mình là người dân xóm bãi được anh Tùng khẳng định thêm lần nữa. Anh tái mặt khi nhìn thấy những bức ảnh tôi chụp có mặt anh, và nhất định đòi xóa, dù trước đó anh hết sức nhiệt tình giúp đỡ. “Chụp người ta đang nhặt rác thế này, còn dám nhìn mặt ai nữa?” – anh xót xa.

Sau khi tắm táp, giặt giũ, tôi vui vẻ chơi đùa với mấy đứa trẻ xóm bãi. Cô Thảo hỏi: “Tắm hết mùi chưa?”. “Dạ, sạch lắm rồi ạ” (rất tự tin, vì tôi đã cố ý tắm những hai lượt xà bông!). “Ờ, ngửi lại cái móng tay ấy!”.

Ôi, không! Tôi nôn nao vì cái mùi bãi rác kết hợp với mùi xà bông đang xông lên mũi. Rửa đi rửa lại mấy lần, cái móng tay vẫn bốc mùi kinh khủng. Nói thêm là tôi không để móng tay dài một tí nào hết, cắt ngắn gọn gàng!

Lát sau, trời nắng nóng, tôi càng nôn nao hơn nữa khi mồ hôi toát ra cũng là cái thứ mùi nồng nồng ấy. Hèn gì, khi biết cô phóng viên là tôi ở lại xóm mấy hôm, mấy anh chàng thôn Lương Đình cứ chối đây đẩy: “Đâu, anh có đi bãi đâu!”. Cô Toán cứ thắc mắc: “Quái, sao thằng Vũ nhà mình không chịu đi bãi, mà cứ tắm mãi thế nhỉ?”.

Chị Nga, người phụ nữ tốt bụng đã cho tôi đi nhờ xe một đoạn tới Lương Đình cười ngặt nghẽo: “Hồi chị mới về đây làm dâu, còn chẳng dám ngủ cùng chồng. Anh ấy đi bãi có mùi ghê lắm. Sau mãi rồi cũng phải quen. Cái mùi nó ngấm vào hơi thở, ngấm vào máu rồi, không hết được đâu!”.

 


Mịt mù làng rác

Không thể phủ nhận một điều, nhờ đi bãi mà đời sống người dân ở đây khá lên nhiều. Bắc Sơn vốn là xã thuần nông, cách đây chục năm nghèo xơ nghèo xác. Năm 1999, bãi rác Nam Sơn mở cửa, người ta không còn phải chạy ăn từng bữa, mà có tiền sắm xe máy, tivi, tủ lạnh, bếp ga... Nhờ rác mà người dân có thể xây những ngôi nhà khang trang.

Bác sĩ Nguyễn Văn Quất, BV Đa khoa Sóc Sơn là người phố Chấu. Ông mở phòng khám tư ở phố núi heo hút này từ tháng 12/2009. Ông thở dài: “Tôi khẳng định là người dân ở đây mắc rất nhiều bệnh. Cô nhìn xem, ai cũng gầy ốm, có ai béo tốt được đâu?

Giếng nước ô nhiễm không sử dụng được.
Giếng nước ô nhiễm không sử dụng được.


Môi trường làm việc, sinh sống quá ô nhiễm. Nước giếng thì bốc mùi tanh tưởi. Hàng ngày, cứ đến giờ cao điểm đổ rác, nhà máy xử lý bằng thuốc khử là không thể nào thở được. Có đêm tôi phải bật dậy, đeo khẩu trang vào, gọi điện cho công ty rác, gọi cho cả nhà báo để phản ánh. Thế mà cũng chẳng cải thiện được gì”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tân, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bắc Sơncho biết: “Tỷ lệ người dân mắc bệnh đau mắt đỏ, bệnh ngoài da rất cao. Đặc biệt là những bệnh về đường hô hấp trên như mũi, họng… Hiện chưa thấy những người đi bãi bị mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, nhưng nếu sống trong tình trạng ô nhiễm kéo dài thì nguy cơ mắc là rất cao”.

Bắc Sơn có thế hệ “ngửi mùi bãi rác từ trong bụng mẹ”. Các chị, các mẹ bụng chửa vượt mặt 7,8 tháng vẫn theo chồng ra bãi, sinh được vài tháng lại gửi con đi làm. Đứa trẻ từ lúc chưa ra đời, đã làm quen với mùi bãi rác.

Ở gần khu bãi thải, cứ chập tối là muỗi bay ào ạt. Có người đùa, gọi là Phố Chấu vì muỗi nhiều như…trấu! Nhà nào nhà nấy buông màn cả ngày, không vén lên.
 

Rác tràn lan khắp nơi trong làng.
Rác tràn lan khắp nơi trong làng.


Cái nghèo chẳng còn đeo bám, nhưng thất học thì ngày càng lan rộng. Trẻ con 14, 15 tuổi đua nhau bỏ học đi bãi kiếm tiền. “Em đi bãi mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm, đi học rồi ra làm công nhân lương còn thấp hơn ấy. Thế thì đi học làm gì? Bạn em nó cũng bỏ học đi bãi hết rồi” – cậu bé Tr. thản nhiên bảo.

Nghỉ học. Đi bãi. Lấy vợ. Đó là con đường của những thanh niên xóm bãi này. Tôi cười méo mó khi thấy mấy anh chàng sinh năm 1989, mới 22 tuổi, đã có hai con, đứa lớn năm nay đã học lớp 1. Mấy cậu bé sinh năm 1995, 1996 cũng đang ngắm nghía để “sang năm cưới vợ”.

Khắp khu phố núi chỉ có gia đình ông Dương Văn Hùng là quyết chí nuôi con vào đại học. Hai con trai đầu của ông đã tốt nghiệp đại học và đang đi làm dưới Hà Nội. Cô út Dương Thị Bách Thảo những ngày này cũng đang dùi mài kinh sử chuẩn bị lên thành phố đi thi. Ông Hùng tự hào: “Từ nhỏ, tôi đã phải định hướng cho các cháu, phải cố gắng mà học, nếu không muốn phải vất vả, nặng nhọc đi bãi rác như bố mẹ”.

Em Nguyễn Anh Tuấn, đã học lớp 11 trường THPT Hồng Kỳ mà gầy nhẳng, nhem nhuốc như học sinh cấp 1. Em là một trong những đứa trẻ hiếm hoi ngày đi học, đêm về đi bãi giúp mẹ nuôi em ăn học và người bố ốm đau. Bà nội em nghẹn ngào, thương thằng cháu cứ sáng sáng lại vội vã trở về, tắm rửa rồi lao đến trường cho kịp giờ học.

Chuyên gia Nhật Bản đang cảnh báo, bãi rác Nam Sơn, có thể chỉ sang năm sẽ không còn chỗ nào mà đổ rác. Nhưng người dân thì vô cùng lạc quan với niềm tin chắc chắn là “chẳng bao giờ có chuyện đó”. Và trẻ con vẫn cứ nghỉ học đi bới rác. Và những chàng thanh niên vẫn đêm đêm đi nhặt nhạnh để sáng ra lại rủ nhau đi hát hò, bia bọt, hưởng thụ cuộc đời…

Mai Hoa