Khi ĐKXT, thí sinh lưu ý: Điểm sàn thường thấp hơn điểm trúng tuyển nhiều

25/07/2022 08:59
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quá trình đăng ký nguyện vọng trực tuyến, thí sinh cần thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký xét tuyển.

Ngày 24/7/2022, tại Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022 diễn ra tại Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia, lãnh đạo các trường đại học đã có những lời khuyên đối với các thí sinh khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Tại buổi tư vấn trực tiếp cho các thí sinh, phụ huynh ở ngày hội, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng – Chuyên viên chính Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ sẽ mở cổng để thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển theo hình thức trực tuyến từ nay đến 17h ngày 20/8/2022.

Thí sinh sẽ có khoảng 1 tháng để đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Các em cần cân nhắc kỹ để sắp xếp thứ tự các nguyện vọng, thực hiện đúng thời gian, các bước theo quy trình đăng ký xét tuyển trên hệ thống.

Các chuyên gia về tuyển sinh tư vấn trực tiếp cho thí sinh, phụ huynh tại ngày hội (ảnh: P.L)

Các chuyên gia về tuyển sinh tư vấn trực tiếp cho thí sinh, phụ huynh tại ngày hội (ảnh: P.L)

Từ 0h ngày 24/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 của các thí sinh trên cả nước.

Sau thời gian nói trên, thí sinh có thể dựa vào điểm thi của mình để cân nhắc, đăng ký xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển theo hình thức trực tuyến sẽ thực hiện trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Để thực hiện việc này, thí sinh phải dùng tài khoản cá nhân đã được cấp của mình để đăng ký, điều chỉnh.

Thí sinh được hưởng các chính sách ưu tiên, các em cần phối hợp với điểm tiếp nhận hồ sơ để rà soát thông tin khu vực, đối tượng ưu tiên (nếu có), xác nhận số lượng nguyện vọng, nộp lệ phí xét tuyển ứng với số nguyện vọng.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, quá trình đăng ký nguyện vọng trực tuyến, thí sinh cần thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký xét tuyển. Nếu bỏ dở quy trình nào, thì hệ thống sẽ không cập nhật, không nhận thông tin đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng của thí sin. Và khi nào thí sinh chưa xác nhận số lượng, thứ tự các nguyện vọng, chưa nộp lệ phí xét tuyển thì hệ thống sẽ chưa chấp nhận việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển của thí sinh.

Ngoài ra, Tiến sĩ Hùng còn lưu ý các thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường đại học, để đảm bảo không bị nhầm lẫn khi đăng ký, chọn ngành, tránh sai sót và sẽ ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển về sau.

Lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang tư vấn trực tiếp cho thí sinh ở gian hàng (ảnh: P.L)

Lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang tư vấn trực tiếp cho thí sinh ở gian hàng (ảnh: P.L)

Các chuyên gia về tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng, dù năm nay có những điểm mới trong quy định xét tuyển, nhưng nguyên tắc chung vẫn là xét tuyển các nguyện vọng từ cao xuống thấp. Thí sinh chỉ được trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất, bao gồm cả các nguyện vọng đã trúng tuyển tạm thời bằng các phương thức xét tuyển sớm.

Do đó, nếu thí sinh trúng tuyển sớm vào trường, ngành chưa phải là trường và ngành mà mình mong muốn, yêu thích nhất thì vẫn có thể chọn xét tuyển vào ngành, trường khác bằng cách đặt nguyện vọng cao hơn khi đăng ký trên hệ thống xét tuyển của Bộ.

Điều đáng lưu ý nữa, Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, điểm sàn xét tuyển thì chỉ là điểm nhận hồ sơ xét tuyển của các trường, ngành.

Điểm sàn sẽ thường thấp hơn điểm trúng tuyển nhiều. Vì thế, khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh và phụ huynh cần tìm hiểu kỹ thông tin về trường, ngành mà mình chọn, nhất là điểm chuẩn của 3 năm gần nhất để có những quyết định phù hợp cho riêng mình.

Thế nhưng, Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ nhấn mạnh, nguyên tắc trong đăng ký xét tuyển vẫn là ngành nào yêu thích nhất thì đặt nguyện vọng lên trên. Nếu không trúng tuyển vào ngành, trường mà mình yêu thích thì vào ngành, trường ở những nguyện vọng kế tiếp.

Việt Dũng