Khi giới trẻ đòi quyền riêng tư

08/06/2012 15:05
Vũ Thị Lan Anh, Báo in K31B
(GDVN) - Nhiều phụ huynh than phiền: “Tâm lý con trẻ khác xưa nhiều quá”. Những đòi hỏi về quyền riêng tư khiến các em ngày càng ít gắn bó với gia đình.
“Con gái tôi năm nay 16 tuổi, từ trước đến giờ cháu là một đứa trẻ ngoan và nghe lời bố mẹ. Thời gian gần đây cháu trở nên ít nói hơn và hay đóng cửa ở trong phòng một mình. Lo lắng cháu có chuyện gì nên tôi đã lặng lẽ tìm hiểu. Tôi phát hiện ra rằng cháu rất hay lên mạng viết blog, tham gia mạng xã hội Facebook và nhiều diễn đàn khác. Cháu thường chia sẻ những tâm tư, tình cảm của mình trên blog, Facebook một cách cởi mở và thoải mái, kể cả việc đang thích một cậu bạn hay khó chịu với bố mẹ về vấn đề gì.
Tôi tìm cách để gần gũi với con bé nhiều hơn nhưng dường như cháu toàn lảng tránh. Hoang mang quá tôi hỏi mấy cô bạn thân của mình thì họ khuyên tôi rằng hãy là một người bạn của con trên mạng. Nghe thấy hợp lý nên tôi cũng lập tài khoản, cũng vào đọc những bài viết của con và đưa ra lời khuyên, động viên, chia sẻ.
Đang vui vì mình vừa tìm được cách hay thì một lần tình cờ con bé chạy qua phòng tôi và phát hiện tôi là người đang phản hồi lại những bài viết của nó. Con bé rất tức giận và chất vấn tôi cả tiếng đồng hồ. Nó lý sự với tôi: “Đó là thế giới riêng của con và bạn bè chứ không phải chỗ để mẹ “nhảy vào” dạy dỗ, bình luận linh tinh. Con đã lớn rồi, có những chuyện của con mẹ không nên xen vào…”.
Trên đây là tâm sự của một bà mẹ (xin được giấu danh tính) gọi điện đến Trung tâm tư vấn Thanh Tâm để chia sẻ. Có thể thấy rằng, dạy dỗ con cái ở tuổi dậy thì là nỗi lo chung của nhiều phụ huynh. Nhiều bà mẹ đã vô cùng bất ngờ vì chưa bao giờ có được niềm vui nghe con tâm sự, trong khi con lại khá cởi mở trong việc tâm sự với bạn bè và cả những đối tượng không quen biết trên mạng. Thuật ngữ “quyền riêng tư” luôn được các teen cổ xúy. 


Nhiều bạn trẻ thích thú tâm sự với bạn bè trên các trang mạng xã hội, blog cá nhân nhưng lại rất khó mở lời với bố mẹ (ảnh minh họa)
Nhiều bạn trẻ thích thú tâm sự với bạn bè trên các trang mạng xã hội, blog cá nhân nhưng lại
rất khó mở lời với bố mẹ (ảnh minh họa)

“Tôi có hai con gái đều đang ở tuổi dậy thì nên gặp không ít rắc rối. Bọn trẻ cứ mở miệng là nói đến quyền tự do cá nhân và quyền được tôn trọng…”,
chị Lan Thanh (Quận Ba Đình – Hà Nội) than phiền. Chia sẻ với chị Thanh, một số phụ huynh khác lý giải, sở dĩ các em có những suy nghĩ, hành vi như vậy là do ảnh hưởng nhiều từ phim ảnh, văn hóa nước ngoài. Không giống như ngày trước, con cái 17 – 18 tuổi vẫn răm rắp nghe theo cha mẹ mọi chuyện.
Chuyên gia tư vấn Thanh Tâm (đường dây số 6 – chuyên vấn đề dạy dỗ con cái trong gia đình) khuyến cáo:“Kiểm soát máy tính là việc các bậc cha mẹ không nên bỏ qua song phải biết thực hiện một cách khéo léo, tế nhị để trẻ không thấy mình đang bị giám sát. Việc nuôi dạy trẻ vị thành niên là điều không đơn giản, nó đòi hỏi ở các phụ huynh sự tinh tế, cởi mở và yêu thương”.
Thực tế, thế hệ trẻ giờ đã khác xưa nhiều và quyền riêng tư cũng là một trong những điểm khác đó. Ngày trước, khi mong muốn có chút riêng tư, trẻ con thường không dám nói, nhưng bây giờ các em đã dám nói ra những điều mình nghĩ. Yêu cầu được tôn trọng cuộc sống riêng tư không có gì là quá đáng hay phi lý. Phụ huynh cũng không nên ngỡ ngàng, bức xúc khi thấy trẻ lớn tiếng đòi sự riêng tư của các em mà nên nhìn ở góc độ khác để thấy mừng vì con đã lớn.
Nhưng vấn đề nào cũng có 2 mặt. Nếu quyền riêng tư được thả tự do, quá đà sẽ dẫn đến sự thiếu tôn trọng bố mẹ, sa ngã. Nhiều chuyên gia đưa ra lời khuyên: “Các bậc phụ huynh nên học cách dung hòa giữa tôn trọng và kiểm soát quyền riêng tư của con từ những việc nhỏ nhất như gõ cửa phòng con trước khi vào, hỏi ý kiến con khi quyết định đi du lịch ở đâu hay việc cùng xem một chương trình giải trí…”
Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ”:
Cunglambao@giaoduc.net.vn
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Vũ Thị Lan Anh, Báo in K31B