Khi hệ thống pháp luật về tự chủ chưa đồng bộ, cần có cơ chế bảo vệ "Kim Ngọc"

09/12/2020 09:04
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Điểm mấu chốt của lộ trình xóa bỏ cơ chế chủ quản là nâng cao năng lực và quyền lực thực sự của Hội đồng trường, phù hợp với "thể trạng" của cơ sở giáo dục.

“Câu chuyện” tự chủ đại học của nước ta xuất phát từ yêu cầu “mở cửa” nền kinh tế; để giải phóng các nguồn lực phát triển đất nước, nên gần như ngay sau khi có chủ trương đổi mới về kinh tế (sau “Khoán 10” năm 1988), Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương đổi mới về giáo dục và đào tạo, như một trong những giải pháp “cởi trói” nhằm thúc đẩy giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng, phát triển.

Tự chủ đại học thực sự được bắt đầu từ những năm 1990 của thế kỷ XX, từng bước được luật hóa ngày càng rõ nét hơn trên con đường hội nhập về giáo dục đào tạo (Luật giáo dục 2005, Nghị quyết 14/2005/NQ-CP năm 2005 của Chính phủ, Luật giáo dục đại học 2012, Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg năm 2014, Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017, Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học,…).

Trong những năm qua giáo dục đại học đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng trân trọng và tự hào, 5-10 năm trước đây, các trường đại học Việt Nam còn chưa có tên trên ‘bản đồ’ giáo dục đại học thế giới, thì nay đã xuất hiện trên tấm bản đồ ấy, và chắc chắn là còn tiếp tục tiến xa.

Đó là kết quả không thể khác sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ các nhà quản lý giáo dục, đội ngũ các nhà giáo, các nhà khoa học trong hệ thống giáo dục đại học, với những chăm lo và quan tâm sâu sắc của Đảng, của nhà nước và của xã hội đối với sự nghiệp giáo dục đại học.

Tuy nhiên, cũng có một thực tế là, cho đến nay, dù tự chủ đại học đã được thừa nhận và thúc đẩy gần 30 năm, nhưng dường như chưa thực sự tạo ra những chuyển biến đáng kể về chất lượng đào tạo, quản trị nhà trường và nghiên cứu khoa học so với tiềm năng của các cơ sở giáo dục và so với mong đợi của xã hội.

Đến nay, việc xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản vẫn hầu như chưa triển khai được, khiến Hội đồng trường rơi vào tình cảnh có cũng như không, và điều đó tất nhiên kéo theo việc không thể trao quyền tự chủ thực sự cho các cơ sở giáo dục.

Việc tồn tại cơ quan chủ quản nghĩa là vẫn khẳng định sự tồn tại song hành mà thực chất là đóng vai trò quyết định của cơ chế kiểu tập quyền, làm cho các Hội đồng trường đã thành lập buộc phải hoạt động như một tổ chức tư vấn.

Cũng có thể là, bối cảnh thực tiễn và pháp lý chưa cho thấy việc thành lập Hội đồng trường là cấp thiết cho sự tồn tại và phát triển của nhà trường. Không có Hội đồng trường, các trường vẫn vận hành bình thường theo hành lang pháp lý dành cho giáo dục đại học; Ở các trường tự chủ, chưa thấy đóng góp rõ nét của tự chủ vào việc nâng cao chất lượng đại học.

Giáo sư Trần Đức Viên (ảnh: Thùy Linh)

Giáo sư Trần Đức Viên (ảnh: Thùy Linh)

Để tiếp tục triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết 19-NQ/TW về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Trần Đức Viên – Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nêu ra một vài kiến nghị.

Thứ nhất, cần đánh giá toàn diện tự chủ đại học ở Việt Nam thời gian qua để làm cơ sở cho việc hoàn thiện chính sách về tự chủ đại học.

Theo thầy Viên, chúng ta đã có một báo cáo đánh giá được trình bày tại Hội nghị Tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập ngày 20/10/2017.

Tuy nhiên, một vấn đề lớn, mới và khó như tự chủ đại học mà sau 2 năm triển khai, thậm chí có trường vừa ‘thí điểm’ được có vài ba tháng, e rằng việc tổ chức nghiên cứu đánh giá hơi sớm để có thể có được các kết quả đáng tin cậy; vì thế những kết quả công bố tại hội nghị này chỉ mang tính thủ tục hơn là để tham khảo, vì nó chưa nói lên điều gì về sự chuyển biến về chất của giáo dục đại học do tự chủ đại học mang lại.

Vì vậy, rất cần một khảo sát, đánh giá tương đổi toàn diện về tự chủ đại học ở Việt Nam 6 năm qua, giao cho một tổ chức đánh giá độc lập, không chịu chi phối về quyền và lợi với cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học, để phác họa được bức tranh trung thực về tự chủ đại học cho đến thời điểm hiện tại, xác định đúng các khó khăn, cản trở, cơ hội và thách thức; phát hiện đúng các nhân tố mới hợp lý, hiệu quả cao nhưng chưa hợp luật; từ đó có những chính sách phù hợp và khả thi, bắt rễ từ thực tiễn, đẩy nhanh tiến trình tự chủ đại học; tránh tình trạng lấy lỗi sửa lỗi, dùng chắp vá này để sửa chắp vá khác.

Ví dụ, cũng chỉ là giả định thôi, khi có 2 cơ sở giáo dục cùng xây dựng một cơ sở hạ tầng nào đó, như một sân vận động chẳng hạn, với cùng công năng, chất lượng và sức chứa, tương đồng về mặt thời gian, một cơ sở giáo dục tiêu tốn hết 140 tỷ, còn cơ sở giáo dục kia hết 1.400 tỷ.

Cơ sở giáo dục "140 tỷ" thực hiện quyền tự chủ của mình theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thay vì làm theo đúng và đầy đủ các qui định của pháp luật hiện hành về xây dựng cơ bản, họ đơn giản coi việc xây dựng công trình này như xây nhà riêng của chính họ, trong khi cơ sở giáo dục "1.400 tỷ" chấp hành rất đầy đủ các qui định của pháp luật về xây dựng cơ bản ‘không chê vào đâu được’.

Câu hỏi đặt ra là, cơ chế và qui định pháp lý nào đã tạo ra sự chênh lệch về giá thành của cùng một sản phẩm đến như thế? Kẽ hở ở nằm ở đâu và khắc phục bằng cách nào?

Tương tự như vậy, giữa một cơ sở giáo dục không nhận kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, công bố 2 bài báo khoa học hạng Q1, Q2 trên các tạp chí thuộc danh mục ISI /giảng viên cơ hữu/năm, với một cơ sở giáo dục có công bố với số lượng và chất lượng tương đương nhưng đơn vị này nhận đều đặn hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng/năm tiền ngân sách nhà nước.

Nhìn vào những ví dụ này để thấy, cần có một khảo sát đánh giá tương đối đầy đủ và toàn diện về tự chủ đại học ở Việt Nam sau 6 năm thực hiện, để thấy những cái hợp lý, phù hợp với thực tiễn, nhưng lại chưa hợp luật trong quá trình tự chủ nhưng đem lại hiệu quả cao; và nhà nước cần cho xã hội thấy: Nhà nước bảo vệ ai giữa 2 cơ sở giáo dục này, nếu đứng trên quan điểm lợi ích-chi phí, rõ ràng nhà nước và xã hội phải bảo vệ cơ sở giáo dục’140 tỷ’, nhưng muốn bảo vệ họ thì cần phải có những điều chỉnh gì trong chính sách?

Hoặc giả định là, qua nghiên cứu cho thấy: thiết chế Hội đồng trường tốt ở Âu-Mỹ hay ở đâu đó, nhưng chưa hay, chưa tốt, chưa cần ở ta trong thời điểm hiện tại, sự tồn tại Hội đồng trường hiện nay chỉ làm rối thêm hệ thống quản trị đại học vốn còn ẩn chứa nhiều bất cập ở Việt Nam, không nên thấy người ta ăn khoai thì mình cũng vác mai đi đào, "đỏ" ở xứ người đấy nhưng lại chưa "chín" ở ta, nên tạm thời chưa "thử nghiệm"; hãy cứ quay về với mô hình quản trị trước đây: cơ sở giáo dục chỉ có 2 thiết chế lãnh đạo và quản lý trường đại học, đó là đảng ủy và ban giám hiệu.

Hoặc là, thiết chế này là cần thiết, điều kiện kinh tế - xã hội của ta đã cho phép, vậy nhưng nó chưa thể lớn lên được là do những nguyên cớ nào, từ đó xây dựng mới và điều chỉnh các quy định hiện hành để trả Hội đồng trường về đúng vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của nó theo luật định.

Hai là, cần đồng bộ và minh bạch hóa hệ thống pháp lý về Tự chủ đại học

Tự chủ đại học là tự chủ tất cả, nhưng phải trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Muốn vậy, hệ thống pháp luật phải đồng bộ, Luật này hỗ trợ Luật kia, làm thành một chỉnh thể thống nhất và biện chứng, vừa đồng bộ, vừa rõ ràng, vừa mở, tạo niềm tin pháp lý cho các cơ sở giáo dục tự chủ và cho xã hội.

Do đó, việc giảm thiểu tối đa sự không đồng bộ, sự nhập nhằng pháp lý, tăng sự dễ hiểu và dễ áp dụng của các điều luật, các văn bản dưới luật để ai cũng có thể hiểu đúng, làm đúng, giữ vai trò rất quan trọng trong việc hiện thực hóa các qui phạm pháp luật vào cuộc sống thực. Khung pháp lý phải đủ rộng và thoáng để các trường có thể vững bước đi trên con đường ‘tự chủ’, được pháp luật bảo vệ, chứ không phải ‘bê đá dò đường’ để tránh các áp lực vô hình như hiện nay.

Cần lưu ý là, trong khi hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ, rất cần có cơ chế bảo vệ “Kim Ngọc”, bảo vệ những con người dũng cảm, dám đi trước trong việc vận dụng quyền tự chủ vào việc nâng cao chất lượng đại học.

Thêm nữa, hệ thống pháp luật về tự chủ đại học thời gian qua dường như quan tâm nhiều hơn đến "quyền lợi" của nhà nước (cắt chi thường xuyên là một ví dụ), ít quan tâm đến quyền lợi của người học. Người học được gì, mất gì từ tự chủ đại học hay họ chỉ "được quyền" nộp thêm học phí khi nhập học vào các trường tự chủ?

"Người học là trung tâm" đã luôn là khẩu hiệu được viết to treo cao mấy chục năm qua trong các cơ sở giáo dục, nay rất cần được hiện thực hóa, thể chế hóa trong các văn bản qui phạm pháp luật về tự chủ đại học.

Hệ thống văn bản dưới luật cần tập trung gỡ rối các xung đột giữa các luật và đồng bộ hóa các quy định nhằm đảm bảo một môi trường pháp lý nhất quán cho quá trình tự chủ đại học.

Ba là, điểm mấu chốt của lộ trình xóa bỏ cơ chế chủ quản là nâng cao năng lực và quyền lực thực sự của Hội đồng trường và phù hợp với "thể trạng" của từng cơ sở giáo dục

Muốn xây dựng đại học tự chủ hoàn toàn, cơ sở giáo dục có thể tự quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến sự phát triển của họ một cách công khai, minh bạch, hiệu quả, không phụ thuộc vào một "cấp trên" nào, cần nhanh chóng hiện thực hóa, thể chế hóa chỉ đạo của Trung ương: “Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất trường đại học” và quan điểm “quản lý theo mô hình doanh nghiệp”, giải phóng các trường tự chủ khỏi cơ chế chủ quản, các cơ quan quản lý có thẩm quyền không thể tùy tiện can thiệp vào quyền tự chủ của nhà trường đã được nhà nước trao gửi, tránh những rủi ro không đáng có cho cơ sở giáo dục dám đi tiên phong trong việc thực hiện cơ chế tự chủ theo các nghị quyết của Trung ương.

Do đó, phải thiết kế lại hệ thống quản trị và quản lý trường đại học. Việc các văn bản pháp quy đã không phản ánh đầy đủ vai trò thực chất của tất cả các tổ chức tham gia vào quá trình lãnh đạo, quản trị, quản lý cơ sở giáo dục đã làm cho mô hình tự chủ bị méo mó, không phản ánh đầy đủ và trung thực "thế giới khách quan" của trường đại học.

Do đó, về mặt thiết kế hệ thống, cần có tổ chức đảng, và giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa ba thiết chế lãnh đạo, quản trị, quản lý trường đại học, làm sáng tỏ vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn, và mối quan hệ giữa ba thiết chế Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu; gỡ "điểm nghẽn" này theo hướng giao thực quyền cho Hội đồng trường theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017.

Nếu không giải quyết được mối quan hệ giữa Đảng ủy - Hội đồng trường thì hoặc là vẫn cần cơ quan chủ quản, hoặc là khẳng định vai trò quản trị đại học thuộc về Đảng ủy, và như vậy thì không nhất thiết phải có Hội đồng trường trong cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục. Và bất kể sử dụng mô hình nào, điều tối quan trọng là luật hóa để đảm bảo ‘khoảng trời tự do’ đủ rộng dành cho tự chủ và bảo vệ những người dám đi tiên phong trong việc đưa tự chủ đại học vào cuộc sống.

Kiến nghị này xuất phát từ quan niệm trường đại học công lập thuộc sở hữu công, quyền sở hữu đó được giao cho đại diện của nó là Hội đồng trường; do đó, nếu thực hiện đầy đủ cơ chế Hội đồng trường, xác định đúng vai trò của Hội đồng trường thì không cần đến cơ chế bộ chủ quản và cũng không còn trường trực thuộc nữa.

Mặt khác, Hội đồng trường chỉ có thể phát huy vai trò của mình đầy đủ và hoạt động có hiệu quả cao khi cơ chế chủ quản được xóa bỏ.

Ngày nay, tổ chức Hội đồng trường chỉ thích hợp và cần thiết khi lựa chọn cơ chế điều phối tự quản; theo cơ chế này, chủ sở hữu của trường đại học công lập là chủ sở hữu cộng đồng, không phải chỉ có cơ quan chủ quản mà còn có giáo chức, cán bộ nhân viên, sinh viên, nhà tài trợ, cựu sinh viên, các nhà hoạt động có uy tín ngoài xã hội,... Rõ ràng là, nếu tuân theo cơ chế này thì sẽ không còn khái niệm ‘cơ quan chủ quản’.

Tuy nhiên, để xóa bỏ cơ chế chủ quản còn gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, rất cần được tháo gỡ và định hướng.

Ví dụ, các quy định hiện hành do các cơ quan chủ quản đặt ra có giá trị đến đâu và mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và trường đại học trực thuộc sẽ như thế nào? Với câu hỏi này, vướng mắc trước tiên nằm ở bản chất và hình thái mối quan hệ được gọi là cơ chế chủ quản, vai trò của cơ quan chủ quản đối với các cơ sở giáo dục công lập là thực hiện quyền đại diện của sở hữu nhà nước trong các cơ sở giáo dục.

Cơ quan chủ quản sẽ quản lý trường thông qua đại diện mà mình cử vào Hội đồng trường chứ không theo kiểu cấp phát kinh phí, duyệt cấp biên chế, ra lệnh, chỉ đạo… như trước nữa.

Hơn thế, cơ quan chủ quản còn phải tôn trọng các quyết định về mặt chuyên môn của nhà trường vì tự chủ về mặt chuyên môn, học thuật mới là hồn cốt của giáo dục đại học. Nghĩa là, chủ trương “Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất trường đại học” phải được thể chế hóa rạch ròi, tường minh, “tâm phục khẩu phục”.

Muốn vậy, trong Luật và các văn bản dưới Luật cần phải làm rõ mối quan hệ chủ quản và trực thuộc cũng như vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các bên. Những quy định không rõ ràng là căn nguyên cho mâu thuẫn và những cách diễn giải sai lệch về cơ chế này; ví dụ như, không phải ai cũng có thể trả lời đúng khái niệm ‘tập thể lãnh đạo’ cơ sở giáo dục là những ai trong các văn bản pháp quy hiện nay của nhà nước.

Việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục cũng phải khác nhau, trên cơ sở rà soát, đánh giá xem Hội đồng trường của cơ sở giáo dục đó đã thực sự là tổ chức quyền lực cao nhất của nhà trường hay chưa thông qua sứ mệnh, trách nhiệm, các hoat động và hiệu quả thực tế của tổ chức này.

Các thành viên Hội đồng trường phải thực sự là những đại diện ưu tú từ cộng đồng xã hội chứ không phải kết cấu cho đủ thành phần.

Chỉ xóa bỏ cơ chế chủ quản đối với những trường có Hội đồng trường thực sự mạnh, đủ năng lực gánh vác sứ mệnh của nó trong tiến trình tự chủ đại học; như vậy là, chưa thể xóa được vai trò của cơ quan chủ quản với các cơ sở giáo dục còn chưa đủ năng lực và điều kiện "ra ở riêng".

Thùy Linh