Khi hiệu trưởng là "chủ tài khoản"

04/12/2019 06:46
HỒNG LAM SƠN
(GDVN) - Nhiều vị hiệu trưởng nắm “quyền sinh quyền sát” trong tay nên đã chi tiêu quá đà, bị kỷ luật là bài học cho nhiều người đang là “chủ tài khoản”.

LTS: Chỉ ra những bất cập khi hiệu trưởng là "chủ tài khoản", tác giả Hồng Lam Sơn đã gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Có ý kiến cho rằng: Hiệu trưởng một nhà trường (dù trường lớn hoặc nhỏ) cũng đều có quyền hành hơn một phó giám đốc, hơn cả trưởng, phó phòng sở giáo dục?

Ngẫm cho kỹ thì ý kiến đó khá chính xác, phản ánh đúng thực tế việc phân cấp hiện nay của ngành giáo dục.

Bởi vì, hiệu trưởng của một trường là chủ tài khoản, có quyền quyết định sự thu chi của nhà trường (ở những mặt cho phép).

Còn phó giám đốc sở; các trưởng, phó phòng sở giáo dục thì không phải chủ tài khoản, không có quyền chi tiêu mọi hoạt động của lĩnh vực mình phụ trách.

Hiệu trưởng độc đoán, chuyên quyền (Ảnh minh họa: ĐAN).
Hiệu trưởng độc đoán, chuyên quyền (Ảnh minh họa: ĐAN).

Làm hiệu trưởng “ngon lành” hơn nhiều so với các vị trí nêu trên ở cấp sở, cấp phòng. Vì thế, người xưa có nói “Đầu gà hơn đuôi trâu” là như vậy.

Nếu mọi quyền chi tiêu nằm trong tay những hiệu trưởng có tâm, trung thực, không tham lam, không lộng quyền thì mọi việc chi tiêu cho các hoạt động của nhà trường luôn luôn rõ ràng, khoản nào đúng khoản đấy.

Thực tế có những hiệu trưởng có tâm, trung thực, chí công vô tư như vậy nhưng không nhiều.

Giáo viên trong trường đa số an phận, không dám lên tiếng về những việc làm thiếu minh bạch của hiệu trưởng.

Có lần hiệu trưởng sửa chữa một tường rào dài hơi hai mươi mét (xây gạch) nhưng chỉ đập bỏ phần trên chút ít rồi xây tiếp lên cao, sau đó quét vôi lại như mới…

Nghe nói khi quyết toán, kê ra đủ nào là sắt thép, xi măng, gạch… hơn hai mươi lăm triệu đồng (trên thực tế chi phí sửa chữa này hết khoảng 7 đến 8 triệu đồng mà thôi).

Nhìn qua thì ai cũng biết không đến giá đó nhưng không ai dám nói ra (kể cả “thanh tra nhân dân”, công đoàn cơ sở) vì tất cả đều suy nghĩ “việc ai làm đấy biết”. Vô tình chúng ta đã dung túng cho cái sai, cái “tham nhũng vặt” của hiệu trưởng.

Vì sao vẫn còn những hiệu trưởng tự tung, tự tác?
Vì sao vẫn còn những hiệu trưởng tự tung, tự tác?

Chưa hết, cứ gần hết năm (có lẽ chi cho hết tiền, nếu không chi sẽ phải trả về trên và nêu rõ vì sao chi không hết; nếu lý do không chính đáng sẽ bị phê bình về việc chi không hết tiền) nên nhà trường “khẩn trương” bày ra các công việc để chi.

Tủ, bàn các phòng chức năng đang dùng tốt liền bị thay ra, mua hàng loạt cái mới về thay vào. Gạch lát đường đi đang còn tốt cũng bị cạy lên, làm mới… cho đẹp. Màu sơn lớp học đang còn tốt nhưng cũng bị cạo ra, sơn mới vào để “chào mừng năm mới”…

Những công việc sửa chữa, nâng cấp đều được hiệu trưởng “quan tâm” từ đấu đến cuối và ký các thủ tục, giấy tờ quyết toán (nhờ người đứng tên mua).

Lẽ ra công việc sửa chữa này phải được hiệu trưởng phân công cho hiệu phó phụ trách cơ sở vật chất. Nhưng vị hiệu phó phụ trách cơ sở vật chất này chỉ được phân công vài “món” gọi là cho có .

“Tham nhũng vặt” trong trường học luôn xảy ra và được hợp thức hóa bằng những hóa đơn đỏ theo quy định. Nhưng loại hóa đơn đỏ này có thể mua khống, kê khống ra vật liệu mua và số tiền kèm theo…

“Chủ tài khoản” luôn có “uy quyền” là như vậy; được ký duyệt mua, duyệt chi mọi thứ trong nhà trường.

Nhiều vị hiệu trưởng nắm “quyền sinh quyền sát” trong tay nên đã chi tiêu quá đà, bị kỷ luật là bài học cho nhiều người đang là “chủ tài khoản”.

HỒNG LAM SƠN