Khi phụ huynh tiếp tay cho sự vô cảm của trẻ

15/01/2013 06:08
Theo Dan tri
Không chơi, không trò chuyện với bất cứ ai, chỉ ngồi một góc trong lớp học và học, từ chối mọi hoạt động tập thể… Khi giáo viên hỏi thăm, cô học trò đáp do... bố mẹ dặn, đến lớp đừng để ai làm ảnh hưởng đến mình.

Dạy con chỉ biết mình 

Học thêm tại Trường bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng,TPHCM, Nguyệt (tên nhân vật đã được thay đổi), cô học trò lớp 9 hoàn toàn tách biệt với bạn bè. Cô giáo để ý đến cô học trò sống khép mình đó và khi tm hiểu thì được biết ở trường học chính, em cũng tự tách biệt như vậy. Nhiều lần cô nói Nguyệt lên bàn trên ngồi cùng bạn bè để dễ trao đổi khi làm bài tập nhóm nhưng em chối phăng nhất quyết không chịu. Nguyệt nói: “Bố mẹ dặn đến lớp không chơi với ai, tốt nhất ngồi riêng một chỗ để không ai làm ảnh hưởng đến mình”.

Cũng chính vì cách giáo dục “chỉ biết mình” từ bố mẹ, khi lớp tổ chức các hoạt động từ thiện, gây quỹ, bán hàng quyên góp, thăm bạn ốm đau, lao động vệ sinh… không bao giờ Nguyệt góp mặt hoặc cùng lắm chỉ đóng tiền cho xong việc.

Để trẻ được tự phục vụ, được trải nghiệm là cách để giáo dục lòng yêu thương.
Để trẻ được tự phục vụ, được trải nghiệm là cách để giáo dục lòng yêu thương.

Giáo viên dạy Văn một trường cấp hai kể, cô từng để ý một HS nam, ngày trực nhật nhưng thấy em tham gia dọn vệ sinh lớp học. Trong khi đó, bạn khác trong tổ lại “kham” hết mọi việc. Cô hỏi ra mới hay, học trò này thuê bạn làm trực nhật mỗi lần 25.000 đồng. Đây là ý tưởng của bố mẹ cậu học trò, còn trước đó họ từng dặn con khi tham gia việc gì đến công việc tập thể tốt nhất cứ… làm lơ để cho bạn bè làm.

Tại chương trình tư vấn tại trường học ở Q.5, TPHCM, một HS giỏi làm người nghe bàng hoàng khi em bộc bạch khó xử của mình khi nghe bố mẹ dạy sống phải biết yêu thương, chia sẻ với mọi người nhưng nếu em thực hiện thì bị chính bố mẹ ngăn cản.

Em kể, vì em học khá, bố mẹ không cho em học nhóm vì sợ bạn vượt hoặc chỉ cho chơi với những với bạn học giỏi, con nhà giàu. “Có lần, bạn trong lớp gọi điện đến hỏi bài, mẹ em không cho gặp và quay sang nói với em “Ngu mới bày vẽ hết cho người khác”, thậm chí em còn được mẹ chỉ cách… đối phó khi có bạn nhờ giảng bài.

“Rất nhiều điều khác, bố mẹ nói về điều tốt nhưng khi thực hiện thì không phải vậy. Bố mẹ bảo phải biết chia sẻ với người khó khăn nhưng lại khó chịu khi em chơi với bạn nhà nghèo. Em không biết phải làm thế nào cho đúng?”, cậu học trò băn khoăn.

Trong cuộc sống hàng ngày, có thể vô tình, có một số phụ huynh đã "tiếp tay" cho sự vô cảm của con. Không chỉ trong lời nói mà quan trọng nhất là cách hành vi, ứng xử, có những ông bố bà mẹ dạy con… chỉ cần biết mình. Nhiều người nghĩ đến “cái được” trước mắt mà không biết mình đang truyền cho con cách sống ích kỷ, vô cảm…

Vô cảm của trẻ: Lỗi từ người lớn?

Không ít hiệu trưởng bày tỏ, việc giáo dục kỹ năng sống cho HS ở trường học hiện gặp nhiều khó khăn, trong đó nguyên nhân đáng kể xuất phát từ chính phụ huynh. Ở bậc mầm non, kỹ năng tự phục vụ cho trẻ được đẩy mạnh nhưng nhiều giáo viên than không mấy kết quả vì về nhà… các em không có cơ hội rèn luyện khi gia đình o bế, ôm ấp không muốn con phải động tay động chân đến việc gì.

TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho hay, chúng ta đang than phiền con trẻ sống vô cảm thế nhưng chính người lớn đang “tiếp tay” cho sự vô cảm đó. Nhiều người quan niệm rằng, con cái chỉ cần học nên họ không để con làm bất cứ việc gì. Họ đã tước đi của con cơ hội khám phá bản thân, cơ hội hiểu mình và hiểu người khác.

“Nhiều gia đình bây giờ ngại cho con làm việc nhà như nhặt rau, rửa bát… vì coi việc học là trên hết. Họ không hiểu rằng ngay cả một đứa trẻ cũng phải có trách nhiệm với gia đình, với mối quan hệ xung quanh mình. Và đó cũng là cách để đứa trẻ khẳng định giá trị bản thân”, TS Thụy Anh nhấn mạnh.

Bà Bùi Thị Minh Tú - Giám đốc Cty CP Đồ chơi và Giáo dục sáng tạo Măng chia sẻ trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể gặp rất nhiều tình huống người lớn dạy con… vô cảm. Bố mẹ dạy rất lời tốt đẹp nhưng trong hành vi họ có thể ném bịch rác sang nhà người khác, chỉ biết sạch nhà mình; vượt đèn đỏ; ngăn cảm việc chia sẻ của trẻ… dẫn đến lòng yêu thương của trẻ bị “bào mòn”.

“Đứa trẻ có thể tự xúc ăn, có thể tự chăm sóc bản thân nhưng bố mẹ lại đút thức ăn vào miệng, làm hết mọi việc cho chúng thì khác nào đang biến con thành tật nguyền? Mà khi tật nguyền phục vụ bản thân thì làm sao có thể phục vụ, hợp tác với người khác. Sự phục vụ chính là cội nguồn để xây dựng lòng yêu thương, các em không có điều đó nên các em trở nên vô cảm là điều dễ hiểu”, bà Tú cho hay.

Về việc phụ huynh dạy con “chỉ biết mình”, theo bà Tú, nguyên nhân là do họ thiếu hiểu biết, họ can thiệp thô bạo vào sự phát triển tự nhiên của đứa trẻ trong mối tương quan với đời sống xã hội. “Nhiều người quá bao bọc con mà không biết môi trường sống chính là liều vắcxin để con tăng sức đề kháng”, diễn giả này cho hay.

Cũng phải kể đến, cuộc sống bên ngoài hiện nay nhiều phức tạp, cạm bẫy, phụ huynh muốn con được “an toàn” nên họ hướng con đến lối sống chỉ biết mình. Tuy nhiên, điều này chỉ làm đứa trẻ trở nên ích kỷ, yếu ớt và càng khó thích nghi, hào nhập với cuộc sống. Các chuyên gia nhấn mạnh, thay vì quá o bế con thì khi cuộc sống càng phức tạp càng phải trang bị cho con kỹ năng yêu thương, chia sẻ. Và cách hành xử của bố mẹ, thầy cô chính là tấm gương dạy lòng yêu thương cho con trẻ hiệu quả nhất.  
Theo Dan tri