Khó tuyển ngành Khoa học cơ bản, trường đại học liên tục có chính sách mới

11/08/2022 09:46
Lê Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều ngành khoa học khó tuyển sinh dù mức điểm xét tuyển không cao, các trường đại học đã đưa ra các chính sách về học bổng để thu hút người học.

Ngành khó tuyển điểm đầu vào thấp

Theo công bố của Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, điểm sàn xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông gồm 2 mức là 21 và 17 điểm.

Đáng chú ý, nhiều ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản ít người học như Vật lý học, Hải dương học, Kỹ thuật hạt nhân, Địa chất học, Khoa học môi trường, Kỹ thuật địa chất, Công nghệ kỹ thuật môi trường lại có mức điểm sàn thấp.

Không chỉ thế, điểm chuẩn xét bằng phương thức xét kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dao động từ 610-1001 điểm thì điểm vào các ngành này cũng thấp.

Trong đó, ngành Hải dương học, Khoa học môi trường, Địa chất học, Kỹ thuật địa chất điểm chuẩn chỉ 610 điểm; ngành Vật lý học, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật hạt nhân: 620 điểm.

Học sinh tìm hiểu về ngành về khoa học xã hội tại trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: N.T)

Học sinh tìm hiểu về ngành về khoa học xã hội tại trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: N.T)

Tương tự, tại trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, những ngành khoa học xã hội vốn khó tuyển điểm đầu vào cũng ở mức thấp.

Cụ thể, điểm sàn xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của các ngành như Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý, Thông tin- thư viện, Lưu trữ học …ở mức 18 điểm.

Khi xét tuyển bằng điểm thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, điểm chuẩn trúng tuyển của các ngành trên cũng xếp cuối. Trong đó, điểm chuẩn vào ngành Tôn giáo học, Lưu trữ học, Thông tin – thư viện chỉ 610 điểm; ngành Địa lý học: 620 điểm; ngành Triết học: 675 điểm…

Trường đại học cấp học bổng, hỗ trợ chi phí để thu hút người học

Với thực tế từ năm học này nhiều trường đại học thực hiện tự chủ tài chính dẫn đến học phí cũng tăng theo nên làm thế nào thu hút người học vào những ngành khó tuyển là bài toán được các trường tìm cách giải.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông của Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhà trường vừa có thêm chính sách mới cho 7 ngành thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học trái đất và khoa học biển, Ứng phó với thiên tai, Biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Theo đó, Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh quyết định dành ra 2 tỷ đồng để cấp học bổng toàn phần và bán phần dành cho các thí sinh trúng tuyển năm 2022 vào các ngành gồm: Vật lý học; Hải dương học; Kỹ thuật hạt nhân; Địa chất học; Kỹ thuật địa chất; Khoa học môi trường; Công nghệ kỹ thuật môi trường.

Theo đại diện nhà trường, đây là những ngành học với lĩnh vực làm việc khá rộng và đáp ứng được nhiều nhu cầu xã hội. Trong nhiều năm qua, các sinh viên tốt nghiệp những ngành này có cơ hội nhận học bổng sau đại học tại các quốc gia phát triển trên thế giới, ngoài ra có thể tham gia thị trường lao động đang thiếu hụt nhân lực chất lượng cao.

Các suất học bổng được chia thành 2 loại là học bổng toàn phần 100% học phí và học bổng bán phần 50% cho năm học đầu tiên. Học bổng toàn phần sẽ được trao cho 5 thí sinh có điểm trúng tuyển cao nhất theo các phương thức xét tuyển, học bổng bán phần sẽ được trao cho 10 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Ngoài ra các sinh viên học tập tại các ngành trên còn có nhiều cơ hội nhận học bổng từ doanh nghiệp và cựu sinh viên trong các năm tiếp theo. Các học bổng này sẽ được duy trì suốt khóa học nếu sinh viên có thành tích học tập và rèn luyện tốt.

Chính sách học bổng trên nhằm khuyến khích các học sinh lựa chọn các khối ngành khoa học phục vụ cho sự phát triển đất nước nhưng ít cơ sở đào tạo, hiện thực hóa cam kết của nhà trường, đó là không để sinh viên vì điều kiện khó khăn về kinh tế mà ngừng học.

“Đây là một nỗ lực của nhà trường trong việc mong muốn thu hút học sinh lựa chọn những ngành thuộc diện "khó tuyển" nhưng lại đáp ứng những chính sách rất mới của quốc gia, đặc biệt là mục tiêu phát triển bền vững và chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo 2030 mới ban hành”, Thạc sĩ Trần Vũ nói thêm.

Giảng viên trường đại học tư vấn cho thí sinh về ngành tuyển sinh trong năm nay (ảnh:N.T)

Giảng viên trường đại học tư vấn cho thí sinh về ngành tuyển sinh trong năm nay (ảnh:N.T)

Cũng trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sinh viên 9 ngành khoa học cơ bản của trường sẽ được hỗ trợ đặc biệt từ khóa tuyển sinh 2022 nhằm thúc đẩy phát triển ngành, nâng cao chất lượng sinh viên với kinh phí khoảng 5,2 tỷ đồng.

Theo đó, có 9 ngành học được hỗ trợ đặc biệt từ ngân sách nhà nước và của nhà trường trong năm 2022 gồm: Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý, Thông tin-Thư viện, Lưu trữ học, Ngôn ngữ Italia, Ngôn ngữ Tây Ban Nha và Ngôn ngữ Nga.

Sinh viên học những ngành này sẽ nhận được nhiều chính sách ưu đãi trong đó sẽ có 45 suất học bổng toàn phần tương đương mức học phí năm học thứ nhất dành cho sinh viên giỏi, xuất sắc. Bên cạnh đó, sinh viên được tài trợ chi phí học ngoại ngữ; được giảng viên hỗ trợ tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học; tham gia các chương trình trải nghiệm thực tế với doanh nghiệp; chương trình chia sẻ của các nhà tuyển dụng, nhà quản lý...; các hoạt động ngoại khóa được thiết kế riêng, …

Theo ông Nam, đây là hệ thống giải pháp chưa từng có đối với cả 9 ngành đào tạo nhằm hỗ trợ sinh viên theo đuổi ngành học yêu thích, vượt qua những khó khăn trong quá trình học tập, nghiên cứu, rèn luyện tại trường.

“Đây là các ngành cơ bản, ngôn ngữ còn mới ở Việt Nam nên cần chính sách đặc thù, mạnh để thúc đẩy phát triển và đáp ứng yêu cầu của sự phát triển đất nước về mặt lâu dài. Để có kinh phí thực hiện đề án hỗ trợ này, nhà trường nhận được kinh phí tài trợ từ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, kinh phí từ nguồn học phí và các nguồn tài trợ khác của nhà trường”, Thạc sĩ Trần Nam nói.

Trước đó, Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ rằng “thế nào để thu hút được người học các ngành khoa học xã hội, vẫn duy trì đào tạo các ngành này khi thực hiện tự chủ là câu hỏi lớn được đặt ra. Nhà trường cũng đang tiến hành nhiều giải pháp khác nhau nhưng thực sự cần có giải pháp lớn cho hướng phát triển lâu dài”.

Lê Phương