Một thiên thạch lớn đâm vào mặt trăng

20/05/2013 09:07
Theo Tiếng nói nước Nga
(GDVN) - Vào rạng sáng ngày 17 tháng Năm, các chuyên gia thiên văn của NASA đã ghi nhận một thiên thạch rơi xuống mặt trăng trong khu vực Biển Mưa.

Năng lượng của vụ nổ được ước tính tương đương khoảng 5 tấn TNT, còn khối lượng của vật thể rơi xuống, theo số liệu sơ bộ, gần 40 kilôgam.

Khi va chạm với bề mặt mặt trăng, thiên thạch đã tạo ra một hố phễu đường kính khoảng 20 mét. Các chuyên gia NASA dự tính rằng những bức ảnh chụp Biển Mưa bằng thiết bị Lunar Reconnaissance Orbiter (LRO) sẽ cho phép xác định chính xác địa điểm nơi thiên thạch rơi xuống và các thông số của thiên thạch.

Quầng sáng do thiên thạch rơi xuống đã được phát hiện trong khuôn khổ chương trình chuyên ngành giám sát bề mặt mặt trăng, được tổ chức vào năm 2005, nhằm theo dõi các vụ thiên thạch rơi xuống thiên thể này. Chương trình Lunar Impact Monitoring được khởi động nhằm mục đích phát hiện các trận mưa sao băng có quỹ đạo cắt ngang với quỹ đạo của Trái Đất.

Do mặt trăng không có bầu khí quyển, những thiên thạch không bị phát cháy và khi rơi xuống bề mặt thiên thể này chúng có thể được phát hiện nhờ những quầng sáng lóe lên khi va chạm.

Việc quan sát mặt trăng giúp phát hiện kịp thời những trận mưa sao băng có khả năng đe dọa hành tinh chúng ta. Theo những đánh giá hiện nay, mỗi ngày có khoảng 33 tấn vật chất trong vũ trụ chủ yếu ở dạng cát và bụi rơi xuống Trái Đất.
Theo Tiếng nói nước Nga