Khởi tố tội đưa và nhận hối lộ, nhiều phụ huynh rồi sẽ phải hầu tòa!

18/09/2019 06:45
Trinh Phúc
(GDVN) - Ông Lê Như Tiến cho rằng, trong vụ việc gian lận thi cử vụ án không chỉ có một tội danh mà vụ án này sẽ có nhiều tội danh khác nhau.

Ngày 12/9/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bổ sung vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình về tội “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ”.

Việc khởi tố thêm tội danh mới trong xử lý sai phạm liên quan đến gian lận điểm thi trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hòa Bình đã chứng minh những phán đoán của các chuyên gia ngay từ khi vụ việc xảy ra là có tác động lợi ích trọng việc nâng điểm thi là đúng.

Sau khi khởi tố tội đưa và nhận hối lộ nhiều ý kiến cho rằng tới đây nhiều phụ huynh sẽ phải đối mặt với pháp luật trừng trị.

Ông Lê Như Tiến cho rằng, khởi tố thêm tội danh đưa và nhận hối lộ trong xử lý gian lận thi cử ở Hòa Bình là đúng (ảnh quochoi.vn).
Ông Lê Như Tiến cho rằng, khởi tố thêm tội danh đưa và nhận hối lộ trong xử lý gian lận thi cử ở Hòa Bình là đúng (ảnh quochoi.vn).

Bình luận về tội danh mới này, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Vừa rồi có một số nơi khởi tố tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nhưng tôi cho rằng việc này chỉ đúng với một vài đối tượng thôi – đó là những cá nhân quản lý, tham gia quản lý thiếu tinh thần trách nhiệm đã gây hậu quả.

Bản thân tôi cũng tự đặt câu hỏi, rõ ràng có những hành vi sai phạm cấu thành tội đưa và nhận hối lộ nhưng chưa khởi tố.

Đối với những vị như Giám đốc sở hay Phó Chủ tịch phụ trách văn xã chỉ đạo thi không sâu sát, không kịp thời hoặc có những sơ suất trong quá trình chỉ đạo quản lý điều hành thì mới gọi là thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Còn đối với những người như gia đình phụ huynh học sinh dùng tiền đưa cho những người có trách nhiệm để gian lận điểm thi thì đó là tội đưa và nhận hối lộ.

Do đó, Khởi tố tội đưa và nhận hối lộ theo tôi cho là đúng”.

Khởi tố bổ sung tội “đưa hối lộ và nhận hối lộ” vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình
Khởi tố bổ sung tội “đưa hối lộ và nhận hối lộ” vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình

Ông Lê Như Tiến còn cho rằng, trong vụ việc gian lận thi cử vụ án không chỉ có một tội danh. Mà vụ án này sẽ có nhiều tội danh khác nhau.

Sẽ có những bị can bị khởi tố về tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nhưng có những người sẽ bị khởi tố về tội đưa và nhận hối lộ, hoặc các tội danh khác.

Do đó, trong một vụ án không chỉ có một tội danh mà từng đối tượng bị can khác nhau sẽ bị khởi tố dựa trên hành vi phạm pháp của mình.

Mỗi tội danh sẽ tương ứng từng khung hình phạt cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật và đó cũng chính là pháp luật cũng đã kiểm soát hết tất cả các hành vi, đối tượng.

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, theo thông tin từ Bộ Công An, ngày 12/9/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bổ sung vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình về tội “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ”.

Ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can, Quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các bị can thuộc vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa hối lộ và nhận hối lộ”.

Về nhóm tội đưa, nhận hối lộ có 02 bị can

1. Khởi tố bổ sung đối với bị can Đỗ Mạnh Tuấn (sinh năm 1979) Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình về tội “Nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 Bộ Luật hình sự.

2. Khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội “Đưa hối lộ” quy định tại Điều 364 Bộ Luật hình sự đối với Hồ Chúc (sinh năm 1975) - Giáo viên Trường trung học phổ thông Thanh Hà, tỉnh Hòa Bình.

Tội “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ” 06 bị can

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với 06 bị can cùng về tội “Lợi dụng, chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ Luật hình sự có:

1. Đào Ngọc Thuật, sinh năm 1980, Giáo viên Trường trung học phổ thông Mường Bi, tỉnh Hòa Bình; nơi cư trú: xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.

2. Lê Thị Hồng, sinh năm 1969, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình; nơi cư trú: phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. 

3. Nguyễn Đức Hoàng, sinh năm 1979, Thanh tra viên Phòng Thanh tra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình; nơi cư trú: phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. 

Nhiều phụ huynh có con được nâng điểm ở Sơn La không đến tòa
Nhiều phụ huynh có con được nâng điểm ở Sơn La không đến tòa

4. Nguyễn Tân Hưng, sinh năm 1979, Cán bộ Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình; nơi cư trú: phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. 

5. Phùng Văn Thụ, sinh năm 1966, Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên, Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình; nơi cư trú: phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. 

6. Quách Thanh Phúc, sinh năm 1969, Phó hiệu trưởng Trường trung học phổ thông 19/5, Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình; nơi cư trú: xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.

Trong đó, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đào Ngọc Thuật, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 05 bị can còn lại.

Ngày 13/9/2019, sau khi có Quyết định phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Hồ Chúc và Đào Ngọc Thuật.

Khám xét chỗ ở, nơi làm việc và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Thị Hồng, Nguyễn Đức Hoàng, Nguyễn Tân Hưng, Phùng Văn Thụ, Quách Thanh Phúc.

Trinh Phúc