Chuyển đổi nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội:

"Không có chuyện doanh nghiệp phải bỏ tiền ra ‘bôi trơn’ dự án"

10/04/2013 08:00
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Nguyễn Thế Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, không có chuyện doanh nghiệp phải bỏ tiền ra ‘bôi trơn’ để các dự án bất động sản được chuyển đổi từ nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội.

Thông tin này được ông Hùng cho biết tại cuộc họp giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 9/4. “Tôi cho rằng hiện nay Chính phủ, thành phố và các cơ quan ban ngành khác đều đang tập trung giải quyết vấn đề này, thị trường bất động sản thì đang tồn kho lớn, nên không có chuyện doanh nghiệp phải bôi trơn để được chuyển đổi dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội”, ông Hùng nói.

Nhu cầu nhà ở xã hội tại TP Hà Nội là rất lớn (Ảnh minh họa, nguồn internet)
Nhu cầu nhà ở xã hội tại TP Hà Nội là rất lớn (Ảnh minh họa, nguồn internet)

Bên cạnh đó, vị Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết một thông tin rất quan trọng là mặc dù thành phố đã có thông báo về việc mua lại các dự án nhà ở thương mại để chuyển đổi sang nhà ở xã hội, nhưng cho tới nay chưa có một doanh nghiệp nào chào bán các dự án đang bán dở.

“Đến giời phút này chưa có một chủ đầu tư nào đăng ký bán lại dự án để thành phố làm công tác chuyển đổi sang nhà ở xã hội, dù chúng tôi đã ra văn bản cách đây 3 tháng đề nghị các chủ đầu tư có nhu cầu bán dự án thì liên lạc với Sở Xây dựng Hà Nội. Có thể, các chủ đầu tư đã bán được một phần lớn khối lượng các căn hộ nên họ tiếp tục theo hướng này.

Đối với các dự án mua lại để chuyển đổi, chúng tôi có thể sẽ đề nghị với thành phố dành ra một khoản chi phí để thẩm định dự án ấy, nhằm đánh giá đúng chất lượng và nhu cầu, bởi ở nền kinh tế thị trường, chúng ta không thể áp đặt khách hàng, cho dù là nhà ở xã hội”, ông Hùng chia sẻ.

Lãnh đạo Sở Xây dựng cũng cho hay, tổng hợp nhu cầu nhà ở của 118 đơn vị thì có tới hơn 163 nghìn người đăng ký. Với khối các cơ quan trung ương thì có 35 đơn vị gửi số liệu với nhu cầu 157 nghìn cán bộ có nhu cầu, còn các cơ quan thuộc Hà Nội có 83 đơn vị gửi số liệu với hơn 36 nghìn người có nhu cầu.

Theo chương trính số 06 của Thành ủy thì từ giờ đến năm 2015 phải xây dựng khoảng 15.500 căn hộ với khoảng 1,1 – 1,5 triệu m2 (con số này chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu thực tế).

Trả lời về câu hỏi về việc mua lại các dự án và chuyển đổi, doanh nghiệp nào được mua, doanh nghiệp nào được chuyển đổi và giá ra sao? Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Về nguyên tắc chuyển đổi dự án căn cứ trên các thông tư của Bộ Xây dựng thì có 3 nguyên tắc. Với các dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội thì được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, nhưng phải đảm bảo thiết kế để bán, cho thuê đúng đối tượng.

Nguyên tắc thứ hai là chuyển đổi căn hộ, nhà ở thương mại sang công trình dịch vụ phải đảm bảo điều kiện tối thiểu về quản lý khai thác. Nguyên tắc thứ ba là các dự án đã nộp tiền sử dụng đất thì được nhà nước hoàn trả lại số tiền này hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính”.

Ông Tuấn cũng chia sẻ về 5 nguyên tắc khi điều chỉnh các dự án sang dạng nhà ở xã hội: Thứ nhất là phải đảm bảo an toàn tiện lợi. Thứ hai là căn hộ diện tích nhỏ sau khi chuyển đổi phải đảm bảo đủ không gian diện tích sử dụng tối thiểu như: Bếp, công trình phụ, nhà vệ sinh… đây phải là căn hộ khép kín. Thứ ba là căn hộ sau khi chuyển đổi có diện tích không thấp hơn tiêu chuẩn tối thiểu của nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật.

Theo luật thì căn hộ có diện tích tối thiểu là 45m2, có nghĩa là không được điều chỉnh diện tích thấp hơn mức này. Thứ tư là nếu dự án chỉ điều chỉnh về diện tích căn hộ mà không điều chỉnh diện tích sàn thì không phải xem xét phê duyệt lại về chỉ tiêu dân số và cơ cấu diện tích căn hộ. Thứ năm trường hợp dự án khi điều chỉnh mà diện tích sàn thay đổi so với thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì phải điều chỉnh theo quy tắc 1/500.

Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện có 3 dự án đã được xem xét chấp thuận nguyên tắc để chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, đó là: Dự án phát triển nhà ở thương mại sang nhà ở cho người thu nhập thấp ở Trung Văn mở rộng tại huyện Từ Liêm của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hà Nội; Dự án chuyển đổi mục tiêu sử dụng giai đoạn 1 khu nhà ở cao tầng đô thị Sông Đà tại 143 Trần Phú (quận Hà Đông) của Công ty CP Đầu tư Xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà; Thợp chung cư AZ Thăng Long của Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long.

Ngọc Quang