Không đỗ HSG quốc gia thiệt thòi đủ đường, trường ĐH nên tuyển thẳng các em

18/03/2023 06:43
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những em thi học sinh giỏi quốc gia không đạt giải cũng đồng nghĩa không được khen thưởng, không hề được ưu tiên trong xét tuyển đại học.

Ngày 13/3 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023. Năm nay, cả nước có 2.283 thí sinh đạt giải trong tổng số 4.589 thí sinh dự thi (chiếm tỉ lệ đoạt giải là 49,75%).

Như vậy, nếu so với năm 2022 có hơn 4.600 thí sinh dự thi và có 2.226 thí sinh dự thi đạt giải (tỉ lệ 48,39%) thì số lượng thí sinh dự thi và số lượng học sinh đạt giải thì kỳ thi năm nay cao hơn năm học 2021-2022 vừa qua.

Để đến được kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và đạt giải trong kỳ thi này phải là những học sinh cực giỏi, có năng lực khi các em đã vượt qua rất nhiều khó khăn để đem lại vinh dự cho bản thân, gia đình, quê hương, cũng như cho toàn ngành giáo dục và các em xứng đáng được khen thưởng, ưu tiên trong tuyển sinh đại học.

Tuy nhiên, vẫn còn hơn một nửa thí sinh phải ngậm ngùi trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hàng năm- đây cũng là những con số đáng trăn trở, băn khoăn bởi các em không đạt giải cũng đồng nghĩa không được khen thưởng gì và không hề được ưu tiên trong xét tuyển đại học. Tất nhiên, những thiệt thòi, nỗi niềm sau kỳ thi sẽ còn đọng lại với những em không đạt giải.

Ảnh minh họa: nguồn: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

Ảnh minh họa: nguồn: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

Những tiêu chí nào khi tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia?

Ngày 6/01/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 02/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi học sinh giỏi cấp quốc gia ban hành kèm Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT ngày 25/11/2011 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 41/2012/TT-BGDĐT ngày 19/11/2012 và Thông tư số 37/2013/TT-BGDĐT ngày 27/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo Thông tư 02/2023/TT-BGDĐT sửa đổi đã có một số thay đổi so với trước đây về số lượng thí sinh dự thi đối với từng môn, cụ thể: “Đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi (trừ đơn vị dự thi Hà Nội) có tối đa 06 thí sinh; đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong hai (02) kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tăng đến tối đa 10 thí sinh;

Đội tuyển mỗi môn thi của đơn vị dự thi Hà Nội có tối đa 12 thí sinh; đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong hai (02) kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tăng đến tối đa 20 thí sinh”.

Như vậy, trừ đơn vị dự thi Hà Nội ra, các tỉnh, thành khác chỉ được cử số lượng tối đa là 6 thí sinh/ 1 môn thi. Điều này cũng cho thấy, để lựa chọn được 6 thí sinh cho mỗi môn học thì các địa phương phải tuyển chọn, bồi dưỡng rất chọn lọc và chắc chắn đó là những em học sinh tiêu biểu nhất của mỗi địa phương ở năm học đó.

Đầu tiên, là các trường trung học phổ thông lựa chọn những học sinh có năng lực, đam mê môn học để đưa vào đội tuyển của trường từ khi các em mới vào lớp 10. Sau đó, sẽ có kế hoạch phân công giáo viên bồi dưỡng, ôn luyện cho học sinh ròng rã suốt cả cấp học.

Các em này không chỉ đơn thuần nỗ lực mà còn phải cạnh tranh qua những vòng thi cấp trường, đặc biệt ở kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh sẽ là vòng cạnh tranh trực tiếp về thứ hạng để địa phương lựa chọn ra những em ưu tú nhất nhằm “đem chuông đi đánh xứ người”.

Vì thế, những em tham gia đội tuyển học sinh giỏi ở các địa phương tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đều là những học sinh đã đạt danh hiệu giải Nhất, giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và tất nhiên đây là những em ưu tú nhất đã được sàng lọc qua nhiều kỳ thi và được bồi dưỡng kỹ lưỡng nhất có thể.

Nhưng rồi, nhiều em đã không đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia…

Dù là những học sinh giỏi nhất, đã đạt danh hiệu học sinh giỏi trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành, qua sàng lọc nhiều vòng nhưng khi tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vẫn có rất nhiều em sẽ rớt, không đạt giải bởi kỳ thi thì chuyện đạt giải hay không đạt giải cũng là lẽ thường tình.

Với kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023 vừa qua, cả nước có 4.589 thí sinh dự thi. Dù kỳ thi này đã có 2.283 thí sinh đạt giải- chiếm tỉ lệ đoạt giải là 49,75% đạt giải, tức là cũng đã có tới 2.306 thí sinh- chiếm 50,25 % thí sinh đã không đạt giải.

Ranh giới giữa niềm vui- nỗi buồn trong mỗi kỳ thi luôn rất mong manh. Cùng trong đội tuyển, cùng là những đại diện tiêu biểu từ các địa phương nhưng ngay trong từng đội tuyển cũng sẽ có em đạt giải và em không đạt giải. Bởi lẽ, kết quả kỳ thi cho thấy không nhiều đội tuyển của từng môn học ở các địa phương đều nhận được những nụ cười viên mãn.

Dù ai cũng biết, đi thi nhất là kỳ thi học sinh giỏi quốc gia thì chuyện đạt giải và không đạt giải cũng là lẽ thường tình. Nếu kỳ thi mà đạt giải hết thì đâu còn ý nghĩa nhưng rõ ràng những thí sinh trượt trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia là một điều đáng tiếc vô cùng.

Nếu như đạt được giải, các em sẽ có những sự ưu tiên khi xét tuyển đại học. Bởi vì theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay, những thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia sẽ được tuyển thẳng vào đại học. Đối với giải Khuyến khích sẽ được ưu tiên xét tuyển.

Bên cạnh đó, những em đạt giải sẽ có uy tín, danh hiệu, được địa phương, nhà trường khen thưởng, mà “vòng nguyệt quế” ấy sẽ theo các em, cùng những người thầy cô bồi dưỡng, ngôi trường các em đang theo học nhiều năm sau đó.

Ưu tiên nào cho những em…không đạt giải?

Theo quy chế và thực tế hiện nay, những em không đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia sẽ không có gì cả. Danh hiệu không, khen thưởng không và cũng không được ưu tiên gì khi xét tuyển đại học. Và, điều này hiển nhiên đúng với quy chế hiện hành và lâu nay vẫn đang thực hiện như vậy.

Thế nhưng, bên cạnh những bạn bè trong đội tuyển đạt được thành quả cụ thể của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia thì những em tham gia đội tuyển từ các tỉnh, thành cũng có rất nhiều cái thiệt thòi tương đồng với những bạn đạt giải.

Cụ thể, khi tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, các em đều phải tập trung vào môn học mà mình sẽ thi, các em sẽ dốc toàn tâm toàn lực vào môn thi đó.

Nên khi không đạt giải buộc các em phải ôn bù kiến thức cho những môn còn lại để tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học.

Song song với việc đó thì khi không đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, nhiều em sẽ bị sốc vì các em đã đặt quá nhiều tâm sức và sự cố gắng vào trong kỳ thi.

Bản thân các em không đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia nhưng các em đều là những học sinh đã đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh và chắc chắn phải là những giải Nhất, giải Nhì cấp tỉnh thì mới được lựa chọn vào đội tuyển của tỉnh nhà đi thi quốc gia.

Vì vậy, dù không đậu nhưng các em vẫn là những học sinh ưu tú về môn học đó.

Bởi lẽ, đặt sự so sánh kỳ thi học sinh giỏi năm nay có 4.589 thí sinh dự thi, kỳ thi năm 2022 vừa có hơn 4.600 so với mỗi năm, cả nước có trên dưới 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thì số lượng thí sinh dự thi học sinh giỏi quốc gia chỉ chiếm chưa đến 0,5% tổng số học sinh sẽ thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học.

Suy cho cùng, cho dù không đạt giải thì các em vẫn là những học sinh thực sự rất có năng lực, ưu tú đối với môn học đó. Thiết nghĩ, ngành giáo dục nên có chính sách ưu tiên và các cơ sở giáo dục đại học nên tuyển thẳng đối với thí sinh thi học sinh giỏi quốc gia nhưng không đạt giải thì đây sẽ là niềm động viên, khích lệ cho những học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia để các em bớt thiệt thòi.

KIM OANH