Không đưa VSTEP làm tiêu chí tuyển sinh đại học là bất hợp lý

08/12/2022 06:46
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Tại sao các trường không đưa VSTEP làm một tiêu chí tuyển sinh, đây là điều bất hợp lý", Phó Trưởng ban QLĐT HV Báo chí và Tuyên truyền cho hay.

Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học ở nước ta quy định chuẩn đầu ra về chứng chỉ ngoại ngữ chưa có sự thống nhất chung. Ví như nhiều trường dùng IELTS, TOELF.... trong khi đó một số trường là đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP), lại áp dụng chứng chỉ này để làm chuẩn đầu ra.

Tuy nhiên, trong số 25 trường đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP, có những trường lại yêu cầu đầu ra của sinh viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (ELTS, TOELF...), ví như Học viện báo chí và tuyên truyền, trường Đại học Hà Nội...

Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi vì sao nhà trường không lấy chứng chỉ VSTEP làm tiêu chí xét tuyển vào đại học và đầu gia cho sinh viên để giảm chi phí ôn luyện, thi cử, và cũng như để nhà trường khẳng định chất lượng qua việc tổ chức kì thi VSTEP?

Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Văn Thư - Phó Trưởng Ban quản lý đào tạo Học viện báo chí và Tuyên truyền cho hay, đơn vị không có khó khăn nào trong việc đưa chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP làm chuẩn đầu ra đối với sinh viên trong trường.

Cụ thể, mới đây Ban quản lý đào tạo cũng đã trình Ban Giám đốc về Dự thảo sửa đổi quy định chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo của nhà trường.

Trong nội dung Dự thảo, ngoài những yêu cầu có tính chất chuyên biệt, chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP sẽ là một trong các chứng chỉ áp dụng cho các chương trình đào tạo hiện nay của nhà trường.

"Sau một loạt lùm xùm chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vừa qua, rõ ràng có vấn đề về việc đảm bảo chất lượng. Vừa qua, Bộ Giáo dục đã 'tuýt còi' các đơn vị cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khi đưa ra Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT, đó là bước đi rất cần thiết dưới góc độ quản lý nhà nước.

Nếu coi giáo dục là thị trường, ngoại ngữ là thị phần, thì các tổ chức quốc tế đang thao túng thị phần này. Đồng thời, nếu chúng ta quá nghiêng về chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và xem nhẹ chứng chỉ khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP), tức chúng ta đã làm thay đổi thị phần.

Học viện báo chí và tuyên truyền (Ảnh: ĐCSVN)
Học viện báo chí và tuyên truyền (Ảnh: ĐCSVN)

Thực tế cho thấy, chúng ta đã không coi trọng chứng chỉ ngoại ngữ của chính chúng ta đào tạo, được xây dựng và tham khảo trên các khảo sát rất chặt chẽ, nghiêm túc của Bộ Giáo dục.

Bởi vậy, chúng tôi đánh giá rất cao chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP nên đã đề xuất chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP cũng sẽ được áp dụng cho tất cả chương trình đào tạo (chuẩn đầu vào, đầu ra và chương trình quốc tế) trong nhà trường sau này, song song với các chứng chỉ quốc tế được quy định trước đây", thầy Thư chia sẻ.

Tuy nhiên, thầy Thư cũng nhấn mạnh, đối với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế do các cơ sở khác cấp, trong trường hợp cần thiết, nhà trường sẽ thành lập hội đồng thẩm định để đánh giá, nhằm phù hợp với chất lượng đào tạo của nhà trường. Đây là quy định được Bộ Giáo dục cho phép và khuyến cáo các trường nên thực hiện.

Phó Trưởng ban quản lý đào tạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay, đơn vị là trường đảng, trường đại học trọng điểm trong hệ thống giáo dục quốc gia. Bởi vậy, trước tiên nhà trường phải đảm bảo đúng quy chế, quy định, của đảng, nhà nước và đặc biệt là của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bởi chuyên môn do Bộ quản lý.

Nhận định về thực trạng tồn tại trong chính sách tuyển sinh hiện nay, thầy Thư cho rằng, nhiều trường đưa ra yêu cầu với thí sinh về chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong khi đó Đề án tuyển sinh không nêu về chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP.

"Tại sao các trường không đưa VSTEP là một tiêu chí tuyển sinh, đây là điều bất hợp lý", thầy Thư nhấn mạnh.

Phó Trưởng ban quản lý đào tạo Học viện báo chí và tuyên truyền cũng nhận định, các trường cần có sự đánh giá giữa chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, để đảm bảo sự công bằng.

Theo đó, chúng ta không thực hiện theo nguyên tắc “cực đoan” nhưng phải nhìn được vị thế, tương xứng của chứng chỉ VSTEP. Đồng thời phải đặt ra câu hỏi, tại sao không công nhận nó như tiêu chuẩn khác của nhà trường.

"Trong chính sách tuyển sinh của chúng ta có sự bất cập, bởi vậy chúng tôi đang đề xuất đưa VSTEP là một trong các chứng chỉ ngoại ngữ của nhà trường. Việc sử dụng chứng chỉ VSTEP chứng tỏ vị thế nền giáo dục của đất nước và để tạo điều kiện thuận lợi cho người học, cũng như khẳng định chất lượng của việc Bộ Giáo dục trao giấy phép cho các cơ sở đào tạo và cấp chứng chỉ VSTEP, chúng tôi đánh giá đây là việc rất chuẩn mực và phải ủng hộ", Phó Trưởng ban quản lý đào tạo Học viện báo chí và tuyên truyền nhấn mạnh.

Cuối tháng 4/2021, Học viện báo chí và tuyên truyền trình Bộ Giáo dục và Đào tạo đề án "Tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam" và được phê duyệt.
Theo danh sách Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) công bố, tính đến cuối tháng 8/2022, cả nước có 25 trường đại học, học viện được tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP là:
  • Đại học Thái Nguyên
  • Học viện An ninh Nhân dân
  • Học viện Báo chí và Tuyên truyền
  • Học viện Cảnh sát nhân dân
  • Học viện Khoa học quân sự
  • Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
  • Trường Đại học Cần Thơ
  • Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM
  • Trường Đại học Công nghiệp TPHCM
  • Trường Đại học Hà Nội
  • Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM
  • Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM
  • Trường Đại học Ngân hàng TPHCM
  • Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng
  • Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế
  • Trường Đại học Quy Nhơn
  • Trường Đại học Sài Gòn
  • Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
  • Trường Đại học Sư phạm TPHCM
  • Trường Đại học Tây Nguyên
  • Trường Đại học Thương mại
  • Trường Đại học Trà Vinh
  • Trường Đại học Văn Lang
  • Trường Đại học Vinh
  • Mạnh Đoàn