Không ít thầy cô chật vật mới vào họp trực tuyến được, trách ai bây giờ?

05/09/2021 06:35
HƯƠNG GIANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ở thời điểm hiện nay, khi mà các trường học đang có kế hoạch triển khai dạy trực tuyến, họp trực tuyến thì vẫn có một số thầy cô giáo khá vất vả khi tiếp cận.

Những năm qua, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, nhiều học sinh tiểu học hiện nay đã biết sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, nhiều em biết cài đặt và sử dụng nhiều phần mềm khác nhau trong quá trình học tập.

Chương trình lớp 6 ở những năm qua mỗi tuần có 2 tiết Tin học nên phần lớn học sinh từ cấp 2 trở lên đã dễ dàng cài đặt các phần mềm học tập khi nhà trường triển khai dạy học, sinh hoạt trực tuyến mà không cần sử trợ giúp của cha mẹ.

Tuy nhiên, trái ngược với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin thì trong các trường phổ thông vẫn có một số ít giáo viên gặp khó khăn ở việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và thực hiện các nhiệm vụ.

Đặc biệt, ở thời điểm hiện nay, khi mà các trường học đang có kế hoạch triển khai dạy trực tuyến, họp trực tuyến thì vẫn có một số thầy cô giáo khá vất vả khi tiếp cận với công nghệ thông tin. Nhưng, biết trách ai bây giờ…?

Đã có nhiều tỉnh lên kế hoạch dạy và học trực tuyến trong năm học tới đây Ảnh minh họa: Như Ý.

Đã có nhiều tỉnh lên kế hoạch dạy và học trực tuyến trong năm học tới đây

Ảnh minh họa: Như Ý.

Nhiều thầy cô giáo chật vật mới có thể tham gia vào buổi họp trực tuyến

Đối với những thầy cô ra trường trước năm 2000 thì nhiều thầy cô chưa được học tin học trong các nhà trường, những thầy cô tốt nghiệp sau năm 2000 thì ít nhiều cũng đã được học tin học đại cương ở các trường đại học, cao đẳng sư phạm và đặc biệt là ở các cấp học phổ thông.

Hơn nữa, từ khoảng từ năm 2000 cho đến nay thì khi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục, người được tuyển dụng luôn luôn phải có chứng chỉ tin học mới được tham gia dự tuyển.

Khi đi làm trong những năm gần đây thì đa phần các thầy cô giáo đều có chiếc máy tính, laptop có mới có thể làm được các công việc hàng ngày. Từ việc soạn giáo án, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy đến làm các kế hoạch trường, lớp, đọc báo, gửi, nhận email của trường…

Thế nhưng theo quan sát của người viết ở ngay chính địa bàn mình công tác, đến thời điểm hiện nay vẫn có một số giáo viên ở cấp tiểu học và trung học cơ sở còn khá hạn chế về công nghệ thông tin. Thậm chí, có những thầy cô không biết đánh văn bản, không biết gửi, đọc, tải email xuống như thế nào.

Trong điều kiện bình thường, những thông tin của ngành của trường gửi qua email thì vẫn có những thầy cô ít để ý, thậm chí có những thầy cô không có email cá nhân. Mọi thứ đều phải hỏi và lệ thuộc vào đồng nghiệp trong trường.

Các kế hoạch trong năm đều nhờ đồng nghiệp làm thay, giáo án nhờ soạn và in hộ, đề kiểm tra đi xin. Dạy công nghệ thông tin thì đồng nghiệp chung khối cho giáo án, vào lắp máy, mở bài sẵn, người dạy chỉ có việc enter bài dạy mà thôi.

Nhưng, đó là công việc trước đây, còn năm học tới đây thì hoàn toàn khác.

Hiện, nhiều tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên đầu năm học nhà trường chủ yếu triển khai các kế hoạch qua email và họp trực tuyến.

Trước cuộc họp, nhà trường đã gửi sẵn đường link vào zalo nhà trường, emai cá nhân nhưng vẫn có những giáo viên không biết làm sao vào được cuộc họp. Nhiều giáo viên trong trường phải gọi zalo để hướng dẫn trực tiếp từng thao tác.

Khi tập huấn để chuẩn bị dạy trực tuyến các phần mềm thông dụng hiện nay như: Google Meet, Zoom, K12 online… nhưng có những giáo viên hỏi mãi người tập huấn mà vẫn không hiểu. Một số giáo viên lấy lý do nhà không có máy tính, không có laptop để tìm cách thoái thác việc dạy trực tuyến…

Thế nhưng, lớp của người nào thì người đó phải dạy chứ giao cho ai bây giờ?

Vì thế, năm học mới cận kề mà vẫn có những thầy cô không biết xoay sở thế nào. Một số thầy cô được nhà trường, đồng nghiệp hướng dẫn nhiều lần vẫn không hiểu các thao tác cần thiết để dạy cho học trò trong những ngày tới đây.

Giáo viên không tự học công nghệ thông tin sẽ vất vả trong công việc

Thực ra, những năm học trước đây không có dịch bệnh nên mọi việc diễn ra suôn sẻ, những việc nhờ cậy trong trường cũng ít người để ý. Thế nhưng, trong năm học tới đây nhiều tỉnh đã có chủ trương dạy trực tuyến mà giáo viên yếu công nghệ thông tin thì việc giảng dạy rất cực.

Dù giáo án xin ở đồng nghiệp được nhưng việc dạy cho học trò tất nhiên là giáo viên bộ môn phải đảm nhận.

Trong lúc nhiều tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội, các địa phương đang thực hiện phương châm: “ai ở đâu ở yên đó” thì việc hỗ trợ của đồng nghiệp chủ yếu qua zalo, điện thoại chứ làm sao chỉ trực tiếp được.

Trong khi, trên mạng internet bây giờ gần như cái gì cũng có. Những tuần vừa qua đã có rất nhiều giáo viên trên cả nước thực hiện các clip video hướng dẫn cài đặt, sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến và đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội rất hữu ích.

Nếu giáo viên yếu công nghệ thông tin mà chịu khó, tự mày mò học tập thì chỉ 1-2 buổi là có thể sử dụng tốt các phần mềm dạy học trực tuyến và không phải quá lệ thuộc vào đồng nghiệp của mình.

Thế nhưng, một số giáo viên gần như vẫn chưa biết cách khai thác những lợi ích từ mạng internet

Công nghệ thông tin đã phát triển mạnh mẽ ở nước ta trên dưới 20 năm qua nhưng một số thầy cô vẫn thờ ơ với môn học này, ít khám phá, tìm tòi…Điều này không chỉ thiệt thòi cho học trò mà giáo viên cũng thiệt thòi, vất vả trong quá trình thực hiện công việc giảng dạy ở nhà trường.

Trong lúc dịch bệnh như hiện nay, việc dạy và học trực tuyến là lẽ đương nhiên nhưng ở nhiều trường học vẫn có những thầy cô không biết sử dụng công nghệ thông tin, không làm chủ được những ứng dụng cơ bản để dạy học thì biết trách ai bây giờ?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG GIANG