Không nên tính cơ học số máy tính cá nhân phục vụ học tập ở chuẩn cơ sở GDĐH

08/06/2023 06:30
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số thầy cô cho rằng không nên tính toán máy móc, cơ học về số máy tính phục vụ học tập và nghiên cứu vì đa số SV có máy tính cá nhân.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo thông tư quy định "Chuẩn cơ sở giáo dục đại học” với mục đích sử dụng làm cơ sở xem xét, thẩm định và giám sát các điều kiện cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo đối với các trường.

Theo ghi nhận ý kiến của lãnh đạo một số trường đại học cho thấy, bên cạnh những tiêu chuẩn, tiêu chí có thể đạt được, thì cũng có những tiêu chuẩn, tiêu chí khó đạt như: sự hài lòng của sinh viên; số máy tính cá nhân phục vụ học tập; số đầu sách giáo trình, tài liệu học tập bắt buộc; số sinh viên nhập học mới, số sinh viên thôi học; tiêu chuẩn giảng viên…

Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường).

Khó đạt tiêu chuẩn giảng viên, tỷ lệ sinh viên/giảng viên; máy tính, giáo trình

Bàn về dự thảo, quan tâm đến tiêu chuẩn giảng viên có trình độ tiến sĩ tính trên số giảng viên toàn thời gian đạt trên 20% và từ năm 2025 đạt trên 25% đối với trường không đào tạo tiến sĩ, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một vị hiệu trưởng của trường đại học ở Hà Nội cho biết, để đạt được tiêu chí này, nhà trường phải cố gắng rất nhiều và cũng có thể sẽ không đạt được trong khoảng thời gian ngắn.

“Thiết nghĩ, nên kéo dài thời gian hơn để trường chuẩn bị đội ngũ, nhân sự giảng viên đạt chuẩn như quy định”, vị này chia sẻ.

Bên cạnh đó, vị này cũng cho biết, quy định về tỷ lệ sinh viên/giảng viên vẫn là tiêu chí quan trọng nhưng cần điều chỉnh để phù hợp hơn.

Chẳng hạn, có thể điều chỉnh thành: tỷ lệ sinh viên làm đề tài tốt nghiệp/giảng viên, hoặc tỷ lệ sinh viên/giảng viên/học kỳ lớn hơn để phù hợp thực tế việc học kết hợp online và trực tiếp.

Cùng chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong bối cảnh các trường đại học thực hiện chuyển đổi số và để phù hợp với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là cách mạng 4.0, việc ưu tiên cơ sở vật chất hạ tầng công nghệ thông tin cho giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học rất cần thiết.

Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

“Đối với một trường đại học, tiêu chí số máy tính cá nhân phục vụ học tập tính trên 1.000 sinh viên không nhỏ hơn 50 máy, tốc độ đường truyền tối thiểu 100Mbps là phù hợp.

Tuy nhiên, không nên tính toán một các máy móc, cơ học về số máy tính phục vụ học tập và nghiên cứu vì đa số sinh viên hiện nay đều đã có máy tính cá nhân, nên trong thời gian học, nghiên cứu không quá phụ thuộc vào máy tính của nhà trường.

Nên chăng, chúng ta tính đến hiệu suất hoạt động của máy, sự phù hợp với quy mô đào tạo được tính trên lượt sử dụng máy. Với 1.000 sinh viên, số máy tính nên được tính là số lượt sinh viên có thể sử dụng không dưới 50 máy.

Đặc biệt, hiện nay đào tạo theo tín chỉ, rất linh hoạt và thuận lợi cho sinh viên với nhiều ca học khác nhau và tận dụng tối đa thời gian sử dụng của máy, có thể một ngày có 3 hoặc 4 ca học với 3-4 lượt sinh viên sử dụng 1 máy tính đều được”, thầy Lý chia sẻ góp ý.

Ngoài ra, với tiêu chí số đầu sách giáo trình, tài liệu học tập bắt buộc tính bình quân trên một ngành đào tạo ở các trình độ đào tạo không nhỏ hơn 50, thầy Lý cho biết:

“Giáo trình giảng dạy là nguồn tài liệu không thể thiếu của tất cả các ngành, trường đại học. Mỗi ngành, số lượng giáo trình, tài liệu tham khảo (của các trường và nhà trường tự biên soạn), tài liệu trong và ngoài nước chắc chắn sẽ hơn 50. Vì vậy, quy định về số sách giáo trình, tài liệu không nhỏ hơn 50 có tính khả thi cao.

Tuy nhiên, không nên quy định phải là sách in, giáo trình in vì hiện nay giáo trình, tài liệu số rất phổ biến và cũng nên được xem là một nguồn tài liệu được phục vụ giảng dạy và nghiên cứu. Khi điều chỉnh tiêu chí thì việc quy định sách, giáo trình sẽ được hiểu là cả tài liệu số, sách điện tử, đường link các tạp chí, trang web tra cứu”.

Các trường rất khó chủ động về số sinh viên nhập học

Dự thảo quy định các trường phải chứng tỏ uy tín, chất lượng và hiệu quả đào tạo qua sự lựa chọn, sự tiến bộ và thành công của người học.

Trong đó, có tiêu chí số nhập học mới đạt trên 50% so với chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh. Về tiêu chí này, thầy Lý cho rằng, đây là con số rất khó để xác định.

Chia sẻ nguyên nhân, thầy Lý cho biết, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và phù hợp với nhu cầu về lao động của xã hội nhưng số sinh viên nhập học thì các trường rất khó chủ động.

Ngoài một số ngành “hot” có sinh viên nhập học cao thì còn một số ngành dù được coi là “xương sống” về phát triển kinh tế nhưng số thí sinh nhập học chưa cao. Ví dụ, nhóm ngành nông lâm nghiệp, thủy sản ở một số trường; nhóm ngành khoa học cơ bản và nhóm ngành khoa học sự sống… không thể đáp ứng tiêu chí số nhập học mới đạt trên 50%.

“Việc một số ngành học có lượng thí sinh nhập học thấp không phải do uy tín, chất lượng hay hiệu quả đào tạo thấp mà còn một phần do xã hội chưa hiểu đúng về ngành, nghề nên ít thí sinh lựa chọn. Ngoài ra, việc định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh và truyền thông về các ngành nghề có thể chưa phù hợp nên đánh giá tiêu chí số nhập học mới trên 50% so với chỉ tiêu để đo lường chất lượng, uy tín và hiệu quả hoạt động trường là chưa thật sự sát thực tế, phù hợp với tình hình hiện nay”, thầy Lý chia sẻ.

Liên quan đến tiêu chí tỷ lệ sinh viên thôi học hàng năm chưa tốt nghiệp không quá 10% đối với toàn trường. Thầy Lý nêu quan điểm cần phải xem lại lý do sinh viên thôi học trong quá trình đào tạo là gì để đưa ra nhận định phù hợp. Bởi, nếu sinh viên thôi học vì lý do chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo thấp thì áp dụng tiêu chí này là đúng. Nhưng có thể sinh viên thôi học vì lý do cá nhân, có hướng đi mới phù hợp hơn hoặc do chọn sai ngành.

“Chúng ta chấp nhận một tỷ lệ sinh viên thôi học để tìm đường đi phù hợp vẫn hơn là chấp nhận sinh viên học hết đại học mà chỉ là “học đại”, ra trường không hành nghề hoặc làm trái ngành, gây lãng phí. Vì vậy, tiêu chí này cần được tách bạch rõ ràng theo lý do thôi học của sinh viên để đánh giá. Trong đó, nếu tỷ lệ sinh viên thôi học vì lý do chất lượng đào tạo không quá 10% là phù hợp”, thầy Lý nêu quan điểm.

Theo thầy Lý, việc sinh viên học vượt, học trước và tốt nghiệp trước hạn thường dao động khoảng từ 10-15% nên quy định thời gian tốt nghiệp đúng hạn không thấp hơn 50% là phù hợp và có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, cần lưu ý phân biệt giữa sinh viên chưa tốt nghiệp nhưng không phải do nợ môn mà đã hoàn thành chương trình đào tạo hoặc thực hiện xong khóa luận tốt nghiệp nhưng còn nợ chuẩn đầu ra ngoại ngữ, tin học khác với sinh viên chưa hoàn thành chương trình đào tạo.

Vì vậy, với tiêu chí này có thể đổi lại là sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo trong khung thời gian không vượt quá 1,5 lần thời gian kế hoạch và không thấp hơn 70%, trong đó tốt nghiệp đúng hạn không thấp hơn 50%.

Đặc biệt, về tiêu chí tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, tự tạo việc làm phù hợp với trình độ đào tạo hoặc học tiếp trình độ cao hơn trong 12 tháng (18 tháng đối với ngành y khoa) không thấp hơn 70%, thầy Lý cho rằng, đây là tiêu chí rất quan trọng và thực tế hiện nay nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp; khoa học môi trường và bảo vệ môi trường có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm rất cao (trên 90%).

Tiêu chí này thể hiện được tính hiệu quả đào tạo cũng như chất lượng nguồn nhân lực do các trường đại học đào tạo ra, được xã hội chấp nhận và tuyển dụng.

Vì vậy, với tiêu chí này, tôi đề xuất có thể nâng lên 80% để các trường cùng cố gắng và thực hiện”, Tiến sĩ Trần Đình lý đề xuất.

Ngọc Mai