Không phải ứng viên biết tạp chí giả mạo mà vẫn gửi đăng, không ai dại dột thế!

23/02/2022 06:55
Ánh Giao
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chủ tịch HĐGS ngành Giáo dục học cho rằng, ứng viên đăng bài trên những tạp chí không được công nhận là do không may, không đủ căn cứ quy kết vấn đề về đạo đức.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có nhận được phản ánh của một số nhà khoa học về chất lượng bài báo của một vài ứng viên trong đợt xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư 2021.

Theo thông tin phản ánh, ngành Giáo dục học có một số ứng viên kê khai bài báo khoa học đăng trên các tạp chí giả mạo. Cụ thể có ứng viên L.C.L có 4 bài báo bất hợp pháp, trong đó các bài số 44, 46, 51 đăng trên tạp chí giả mạo; riêng bài số 53 đăng trên tạp chí không có trong danh mục như tác giả kê khai.

Ứng viên P.P.T có bài số 34 đăng trên tạp chí giả mạo bởi tạp chí trong danh mục Scopus Multicultural Education do Caddo Gap Press xuất bản là tạp chí in, không có bản điện tử. Tạp chí có bài báo của tác giả xuất bản có giống tên gọi nhưng do tổ chức làm giả có tên là International Journal Documentation & Research Institute.

Để có thông tin đa chiều, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Lộc – Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành Giáo dục học.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Lộc – Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành Giáo dục học. (Ảnh: Báo Phụ nữ Việt Nam)

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Lộc – Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành Giáo dục học. (Ảnh: Báo Phụ nữ Việt Nam)

Thưa Giáo sư, Hội đồng giáo sư ngành Giáo dục học có nắm được thông tin một số ứng viên trong ngành đang bị phản ánh về việc đăng bài trên tạp chí phi pháp, giả mạo không?

Giáo sư Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Ngay từ trước khi Hội đồng giáo sư ngành họp, các nhà khoa học trong hội đồng đã nhận được thông tin phản ánh về vấn đề này, kể cả qua email, qua công văn chính thức của văn phòng Hội đồng giáo sư nhà nước gửi cho Hội đồng ngành.

Chính vì có những thông tin như vậy nên Hội đồng giáo sư ngành lại càng phải bỏ nhiều công sức hơn để làm rõ những thông tin đó, đảm bảo không để lọt những những ứng viên không đủ tiêu chuẩn; đồng thời đảm bảo không xét duyệt sai và oan cho các ứng viên.

Ngành Giáo dục học có tất cả 6 ứng viên. Tất cả những bài báo đăng trên những tạp chí được đánh giá là không uy tín đều được hội đồng đánh giá khách quan. Vì vậy, những gì các ứng viên đạt được là xứng đáng, một số ứng viên có những bài báo không may rơi vào những tạp chí bị đã bị loại khỏi ISI/ Scopus thì sẽ không được tính bài báo uy tín, điều này ứng viên phải chấp nhận thôi.

Theo chia sẻ của bà, với một số ứng viên có bài báo khoa học đăng trên tạp chí phi pháp, giả mạo, hoặc những tạp chí đã bị loại khỏi danh sách Scopus, quá trình xét duyệt vẫn diễn ra bình thường?

Giáo sư Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Quá trình xét duyệt vẫn diễn ra bình thường, bởi vì ứng viên đâu chỉ có những bài báo đấy, họ còn những bài báo khác nữa. Không phải họ biết tạp chí là giả mạo rồi mà vẫn gửi đăng, không ai dại dột như thế.

Ví dụ có trường hợp, thời điểm ứng viên gửi bài thì tạp chí đó vẫn nằm trong danh sách ISI/Scopus nhưng khi bài được đăng lên thì tạp chí đã bị loại khỏi danh sách ISI/Scopus rồi.

Vậy Hội đồng giáo sư ngành trong quá trình xét duyệt có lưu tâm đến vấn đề đạo đức học thuật, liêm chính khoa học của các ứng viên không? Nếu có, thì đối với các ứng viên đang bị phản ánh, Hội đồng có thẩm định lại hồ sơ không, thưa bà?

Giáo sư Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Đạo đức của nhà khoa học là một trong những tiêu chuẩn đầu tiên để xem xét tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, sau đó mới đến xét các công trình nghiên cứu.

Đạo đức của nhà khoa học đầu tiên là uy tín của họ, họ đã qua xét duyệt của Hội đồng giáo sư cơ sở, sau khi hội đồng cơ sở đánh giá, thông tin cũng được công khai để ghi nhận thêm các ý kiến phản ánh. Dựa trên những phản hồi đó, hội đồng ngành mới có căn cứ đánh giá cá nhân con người đó có uy tín không, có đủ năng lực trong lĩnh vực đó hay không.

Vì vậy, đạo đức của nhà khoa học là tiêu chí phải được xem xét đầu tiên.

Còn việc một số ứng viên đăng bài vào tạp chí không được công nhận quả thật là do không may. Bởi lẽ, không một ai dại dột mà mang công trình tốn bao công sức nghiên cứu, hoàn thành một bài báo lại đi đăng vào một tạp chí không có giá trị.

Chưa kể trên thế giới bây giờ cũng có nhiều vấn đề trong đăng bài khiến chúng ta dễ bị lừa, đơn cử có khi một tạp chí giả mạo thêm 1 chữ “s” so với tạp chí chính thống, nếu không tinh tường là không nhận ra được.

Những chuyện đó mà quy kết vào đạo đức của ứng viên thì tôi nghĩ là không có căn cứ, không ai tự làm việc mà đem lại thua thiệt cho bản thân mình như thế.

Hội đồng giáo sư ngành phải làm việc rất vất vả, quan trọng là phải xem xét thực chất chất lượng bài báo như thế nào, sau đó mới xem đến tạp chí như thế nào.

Và phải đánh giá thực chất con người đó, họ đã qua nhiều công đoạn để đến được Hội đồng ngành xét duyệt, nếu họ không có đạo đức, uy tín thì đã bị loại rồi.

Nếu khẳng định những ứng viên đăng bài trên tạp chí giả mạo là vấn đề không may, liệu rằng nếu không có một cơ chế, quy định rõ thì sau này sẽ có những ứng viên viện dẫn lý do này để tiếp tục đăng bài như vậy không, thưa bà?

Giáo sư Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Họ cứ đăng thôi, nhưng họ đăng cũng không được tính điểm, bởi trong các hội đồng đã xét duyệt rất rõ rồi, tra ra tạp chí nào thuộc Scopus hay ISI.

Trên tất cả những hệ thống tạp chí ấy, hội đồng chuyên sâu, chuyên nghiệp đã tra cứu rồi, còn có cả mật khẩu để vào trong từng cá nhân và từng bài báo, nếu đã bị loại khỏi Scopus thì các hội đồng còn có mã để kiểm tra. Có nhiều kỹ thuật khác nhau để tra tìm ra một bài báo, đi vào từng tên tác giả cụ thể, bài báo cụ thể để đánh giá.

Những ứng viên, họ có nhiều công trình chứ đâu phải mỗi công trình đó, tất cả những bài báo khác của họ xứng đáng thì đều được tính điểm, còn không thì bị loại và không được tính điểm.

Đặt giả thiết có ứng viên cố tình đăng bài trên tạp chí giả mạo. Theo Giáo sư, hành vi này có vi phạm liêm chính khoa học hay không?

Giáo sư Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Không ai cố tình làm điều đó, biết một tạp chí không được tính điểm mà vẫn cố tình đăng vào để làm gì, vì mục đích đăng để được tính điểm.

Nếu đăng bài mà không được tính thì sẽ mất công sức nghiên cứu vì bài báo đăng ở tạp chí đó rồi không đăng được tạp chí khác nữa.

Để có được 1 bài báo không hề đơn giản, 1 công trình nghiên cứu phải mất biết bao nhiêu thời gian, công sức mới ra được nên đó là điều không may cho các tác giả.

Thưa bà, trong quá trình xét duyệt, hội đồng giáo sư ngành đã xây dựng những tiêu chí nào khi xem xét, đánh giá chất lượng bài báo khoa học của mỗi ứng viên?

Giáo sư Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Hội đồng ngành sẽ dựa vào Quyết định 37 là quy định quan trọng nhất, rồi đến quy định về đánh giá, xem xét các ứng viên, sau đó các bài báo khoa học sẽ có các chuyên gia đầu ngành đánh giá.

Trong mỗi một Hội đồng giáo sư ngành/ liên ngành, bao giờ cũng thẩm định hồ sơ theo chuyên môn. Các giáo sư ở trong hội đồng đều là những chuyên gia đầu ngành của một lĩnh vực cụ thể, ứng viên theo lĩnh vực nào thì chuyên gia đầu ngành đó thẩm định và đánh giá hồ sơ. Sẽ không ai làm tốt hơn nhà khoa học đầu ngành, vì họ nắm rất vững thông tin lĩnh vực, ngành đó.

Nhưng quan trọng nhất là đánh giá thực chất bài báo đó có chất lượng không, có xứng đáng đánh giá điểm không.

Hội đồng giáo sư ngành cũng chấm điểm rất chi tiết, chấm chi tiết đến từng 0.1 điểm, vì vậy, tùy chất lượng bài báo để đánh giá bao nhiêu điểm, chứ không phải bài báo nào cũng có điểm như nhau.

Trước những thông tin từ phía báo chí, theo bà, cần khắc phục những lỗ hổng nào trong xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư để tránh gây ồn ào mỗi mùa xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Các ý kiến của xã hội bao giờ cũng có, vì không phải ai cũng là người trong cuộc, người trong cuộc họ mới biết khó khăn như thế nào, quy trình cụ thể ra sao, còn người ở ngoài khó nắm bắt chính xác.

Nên theo tôi, các hội đồng phải đánh giá thực chất, xem xét bài báo có giá trị hay không.

Vừa rồi cũng có công bố số lượng lớn bài báo khoa học nằm trong hệ thống ISI/Scopus nhưng không có giá trị, ý nghĩa. Bởi vậy không phải lúc nào thuộc ISI/ Scopus cũng là có chất lượng.

Quan trọng là xem bài báo chất lượng không, vai trò tác giả của ứng viên trong công trình khoa học như thế nào, và ứng viên có phẩm chất đạo đức xứng đáng không.

Hội đồng giáo sư ngành làm việc trong thời gian ngắn nên cần phải dựa vào đánh giá của Hội đồng cơ sở, về những phản hồi với những thông tin ứng viên đã được công khai.

Phải đánh giá rõ ràng vì học hàm khác với học vị, học vị chỉ thuần túy về mặt khoa học thôi, còn học hàm thì ngoài vấn đề khoa học, bản thân ứng viên đó phải uy tín.

Với những phản ánh đơn thuần về chuyên môn thiết nghĩ cũng tốt, sẽ giúp cho các nhà khoa học trong các hội đồng giáo sư xem xét một cách kỹ lưỡng, đánh giá chuẩn xác các ứng viên.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Ánh Giao