Trong Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua, tại Điểm b, khoản 3, Điều 11 về những việc tổ chức, cá nhân không được làm với nhà giáo nêu: “Đăng tải, phát tán thông tin mang tính quy kết về trách nhiệm của nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền;...".
Quy định này được đánh giá đảm bảo việc tiếp cận thông tin theo quy định pháp luật, đồng thời góp phần bảo vệ danh dự, uy tín nhà giáo trước những thông tin quy kết về nhà giáo, đặc biệt trên không gian mạng.
Bảo vệ hình ảnh, uy tín của nhà giáo là một yêu cầu chính đáng, cần thiết
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, cô Phan Thị Lệ Hường - Giáo viên Tiếng Anh, Trường Tiểu học Yên Thịnh (thành phố Yên Bái, tỉnh Lào Cai) cho rằng, trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như ngày nay, nhiều giáo viên đã trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công dư luận trên không gian mạng. Trên thực tế, không ít sự việc mới chỉ đang trong quá trình xác minh, nhưng tên tuổi và hình ảnh của giáo viên đã bị lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, kèm theo hàng loạt bình luận gay gắt. Thậm chí, ngay cả khi cơ quan chức năng kết luận rằng giáo viên không vi phạm hoặc chỉ mắc sai sót nhỏ, thì hậu quả từ những lời lẽ tiêu cực trên mạng vẫn tiếp tục đeo bám, để lại nhiều hệ lụy lâu dài trong công việc và cuộc sống của nhà giáo.

“Tôi cho rằng, trong giáo dục, người thầy luôn là hình mẫu, là người được phụ huynh tin tưởng và gửi gắm con em mình. Nếu danh dự của giáo viên dễ bị tổn thương bởi những thông tin chưa được kiểm chứng, thì điều đó không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân nhà giáo mà còn làm lung lay niềm tin của xã hội vào ngành giáo dục nói chung. Do đó, việc bảo vệ hình ảnh, uy tín của nhà giáo không phải là đặc quyền, mà là một yêu cầu chính đáng, cần thiết để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của môi trường giáo dục.
Mặt khác, quy định này không cản trở quyền phản ánh của phụ huynh, học sinh hay báo chí. Nếu có phát hiện sai phạm, phụ huynh hoàn toàn có thể gửi kiến nghị đến nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục hoặc các cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định. Bên cạnh đó, cơ quan báo chí có thể tìm hiểu, xác minh vụ việc, nhưng cần đảm bảo thông tin đa chiều, có kiểm chứng, tránh gây hiểu nhầm hoặc tạo áp lực không đáng có lên giáo viên khi sự việc chưa được làm rõ.
Trên thực tế, trong quá trình công tác, tôi từng chứng kiến một đồng nghiệp bị phụ huynh tố cáo sai sự thật trên mạng xã hội, trong khi sự việc đang được trường xác minh. Dư luận khi đó rất gay gắt, nhiều người chưa hiểu rõ chuyện đã vội lên án, yêu cầu xử lý giáo viên nghiêm khắc. Tuy nhiên, sau đó, khi kết quả xác minh cho thấy thầy giáo không có hành vi vi phạm như phản ánh ban đầu, thì những người từng buông lời chỉ trích lại im lặng, còn thầy giáo ấy phải mất một thời gian dài mới có thể lấy lại tinh thần và sự tự tin trong công việc”, cô Hường nêu quan điểm.
“Tóm lại, trong một xã hội văn minh, quyền được phản ánh, giám sát và tiếp cận thông tin là rất quan trọng. Tuy nhiên, đi kèm với đó phải là ý thức trách nhiệm trong phát ngôn và hành xử, nhất là đối với những thông tin liên quan đến danh dự, nhân phẩm của nhà giáo", cô Hường nhấn mạnh.
Cùng bàn vấn đề này, thầy Chẩu Văn Trường - Giáo viên dạy Tin học, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trương Định (xã Đắk Ơ, tỉnh Đồng Nai) nhận định, quy định là bước đi phù hợp nhằm bảo vệ uy tín, danh dự của đội ngũ nhà giáo.

Theo thầy Trường, trong xã hội hiện đại, quyền tự do ngôn luận là điều hiển nhiên và được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, quyền này cũng cần thực hiện trong khuôn khổ luật pháp, đặc biệt là khi thông tin liên quan đến con người, danh dự của nhà giáo.
“Việc đưa quy định này vào Luật Nhà giáo còn có tác dụng giáo dục rất rõ ràng. Bời quy định này cũng nhắc nhở công dân, đặc biệt là người sử dụng mạng xã hội, cần có trách nhiệm với phát ngôn, hành vi của mình. Thông tin dù chỉ là một dòng trạng thái hay đoạn video ngắn nếu không chính xác sẽ để lại hậu quả lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của người khác. Đặc biệt, nhà giáo là những người luôn cần được tôn trọng thì sự thận trọng càng cần thiết hơn.
Nhà giáo cần giữ hành xử chuẩn mực và làm tốt vai trò của mình
Theo thầy Trường, song song với việc được pháp luật bảo vệ danh dự, thầy Trường bày tỏ, nhà giáo cũng cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nghề nghiệp. Cụ thể, trách nhiệm ấy không chỉ nằm ở việc truyền thụ kiến thức, mà còn là người mẫu mực về nhân cách, chuẩn mực đạo đức và lối sống. Nhà giáo phải hành xử chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử phù hợp với học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp, không vi phạm quy định chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Khi nhà giáo làm tròn vai trò của mình, họ không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn giữ vững hình ảnh tốt đẹp của người thầy trong xã hội.
“Tóm lại, quy định này là một sự bổ sung cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nó góp phần tạo dựng môi trường giáo dục an toàn, văn minh, giữ gìn danh dự của nhà giáo, đồng thời vẫn đảm bảo quyền được giám sát và phản ánh của công luận trong khuôn khổ pháp luật. Từ đó, mỗi nhà giáo càng cần có ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm và chuẩn mực trong hành vi, lời nói, từ đó giữ gìn niềm tin và sự tôn trọng từ xã hội”, thầy Trường nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, thầy Lành Văn Tướng - Tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tri Lễ (xã Tri Lễ, tỉnh Lạng Sơn) bày tỏ, nhà giáo là một nghề đặc thù, không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là người xây dựng niềm tin, giá trị đạo đức và tác động đến nhận thức của học sinh, sinh viên. Do đó, danh dự của người thầy gắn liền với niềm tin của xã hội vào giáo dục. Vì vậy, khi việc quy kết trách nhiệm của nhà giáo khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng là không phù hợp.
“Tuy nhiên, trong xã hội dân chủ, phụ huynh, học sinh có quyền phản ánh, góp ý, nêu lên những vấn đề tồn tại trong hoạt động giáo dục, bao gồm cả phản ánh về hành vi hoặc chất lượng chuyên môn của giáo viên nếu có dấu hiệu chưa phù hợp.
Nếu phụ huynh có ý kiến, hoàn toàn có thể phản ánh trực tiếp đến nhà trường, thông qua ban giám hiệu, hội đồng kỷ luật hoặc các phòng, sở giáo dục để đưa ra kết luận khách quan.
Ngoài ra, theo thầy Tướng, trong thời đại mà công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, việc sử dụng mạng xã hội là quyền tự do cá nhân, nhưng đi kèm với đó là trách nhiệm trong phát ngôn. Khi những chia sẻ trên không gian mạng có khả năng ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của một người, đặc biệt là giáo viên, thì cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để hạn chế những tác động tiêu cực, nhất là trong môi trường giáo dục vốn đòi hỏi sự chuẩn mực, nhân văn.
“Tóm lại, quy định trong Luật Nhà giáo không chỉ là một biện pháp bảo vệ nhà giáo, mà còn là thông điệp thể hiện sự tôn trọng nghề nghiệp, sự cẩn trọng trong tiếp cận và sử dụng thông tin, đồng thời khuyến khích mọi phản ánh cần được thực hiện đúng nơi, đúng cách để đảm bảo hài hòa giữa quyền phản ánh của công dân và quyền được bảo vệ danh dự của nhà giáo”, thầy Tướng nhấn mạnh.