Không thể chỉ giảm giá vé qua trạm BOT

09/01/2018 06:57
Lại Cường
(GDVN) - Các chuyên gia cho rằng, để giải quyết vấn đề tồn đọng của BOT hiện nay, cần có giải pháp tổng thể, trong đó không loại trừ khả năng đổ vỡ tài chính.

Tiếp tục câu chuyện các trạm BOT trên các tuyến quốc lộ bị phản đối, nhiều chuyên gia cho rằng cách giải quyết vấn đề của Bộ Giao thông Vận tải như hiện nay không đi đến được tận gốc của vấn đề BOT. Phương án giảm giá vé chỉ là biện pháp tạm thời, trong khi vấn đề cần giải quyết là phải thực sự minh bạch trong đầu thu, thu phí.

Bày tỏ quan điểm với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức - Chuyên gia tư vấn cao cấp dự án JICA cho rằng để giải quyết các vấn đề tồn đọng của BOT trên cả nước cần một giải pháp quyết liệt hơn.

Theo Tiến sĩ Đức, cái gốc của sự bức xúc chính là việc người dân không có quyền lựa chọn, họ cưỡng ép sử dụng dịch vụ, phải trả tiền trong khi không muốn.

Trước BOT Sóc Trăng, BOT Cai Lậy... nhiều trạm BOT khác cũng đã bị người dân phản ứng, nhưng cái cách mà Bộ Giao thông Vận tải xử lý chỉ đơn thuần là giảm giá vé.

Hệ quả của biện pháp này chính là việc tình trạng phản đối vẫn diễn ra ở rất nhiều trạm BOT giao thông khác nhau như thời gian vừa qua.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia tư vấn cao cấp dự án JICA cho rằng cần tính đến phương án đổ vỡ tài chính (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia tư vấn cao cấp dự án JICA cho rằng cần tính đến phương án đổ vỡ tài chính (Ảnh: NVCC)

Cũng theo Tiến sĩ Đức, cần phải khẳng định rằng thu hút đầu tư theo hình thức BOT là chủ trương đúng của nhà nước, nhưng khi đưa vào triển khai thực tế thì Bộ Giao thông Vận tải lại để xảy ra quá nhiều chuyện bất hợp lý, từ chỉ định thầu, vị trí đặt trạm cho tới mức phí.

Tuy nhiên, các giải pháp của Bộ Giao thông Vận tải lại không tập trung vào việc sửa cái sai một cách có hệ thống mà đi tập trung quá nhiều vào bài toán kinh tế và làm theo cách giảm giá vé tạm thời.

Cho đến nay, những biện pháp giảm giá vé cho thấy Bộ Giao thông vận tải vẫn đang tìm cách cứu phương án tài chính để cho nhà đầu tư có lãi và duy trì việc thu phí.

Giảm giá vé tại các trạm BOT nhưng lại kéo dài thời gian thu phí khiến cho việc thu phí tại các trạm này không thay đổi được bản chất. Việc này hệ quả của nó chỉ là việc đẩy rủi ro sang cho ngân hàng.

"Với tình trạng như hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang đứng trước hàng loạt bài toán đau đầu về lời giải. Di dời trạm cũng không được mà để lại thu phí cũng không xong.

Di dời trạm thì phải bồi thường cho nhà đầu tư. Còn tiếp tục thu phí sẽ gặp phải sự phản đối của người dân. Vòng luẩn quẩn này sẽ đặt ra nhiều thách thức cho Bộ Giao thông vận tải", Tiến sĩ Đức đánh giá.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, việc Bộ Giao thông Vận tải đi giải quyết những vấn đề về các phương án tài chính ở các trạm sẽ không giải quyết được vấn đề.

Không thể chỉ giảm giá vé qua trạm BOT ảnh 2Cần một cuộc đại phẫu cắt bỏ "ung nhọt" trong đầu tư BOT giao thông

Việc quan trọng lúc này là Bộ Giao thông Vận tải có dám nhìn vào thực tế, vấn đề cốt lõi về sai phạm tại các trạm BOT đã triển khai hay không?

"Để giải quyết tận gốc vấn đề của BOT, theo tôi, cần tính đến phương tán tài chính đổ vỡ.

Tôi cho rằng cần có cuộc đối thoại trực tiếp 3 bên: Bộ Giao thông vận tải, nhà đầu tư và ngân hàng.

Nguyên tắc là 3 bên cùng phải nhìn nhận chung và chịu phần thiệt thòi về việc tài chính đổ vỡ. Tất cả sự việc của BOT cần phải khẳng định là lỗi không phải của người dân.

Khi phương án tài chính đổ vỡ, ngân hàng chỉ thu hồi vốn, nhà đầu tư có hướng rút ra và Bộ Giao thông vận tải cần điều chỉnh lại chủ trương về xây dựng các trạm, đầu tư và chỉ định thầu.

Đây là giải pháp tổng thể cho toàn bộ những trạm BOT đã được triển khai, không thể giải quyết từng trạm từng trạm một được.

Bên cạnh đó, cần các biện pháp quyết liệt từ phía Chính phủ, thậm chí có thể mua lại một số trạm thu phí và xử lý các cán bộ để xảy ra sai phạm", ông Đức nêu quan điểm.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức cho rằng, chỉ giảm giá vé thì không thể giải quyết tận gốc vấn đề của BOT. (Ảnh:VOV)
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức cho rằng, chỉ giảm giá vé thì không thể giải quyết tận gốc vấn đề của BOT. (Ảnh:VOV)

Nêu quan điểm về việc khắc phục những vấn đề tồn tại của BOT, Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, cần có sự vào cuộc từ đầu của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, bất kỳ dự án nào cũng cần phải được kiểm toán chặt chẽ.

"Việc đánh giá BOT phải có cơ quan chuyên môn chuyên biệt đánh giá chứ không phải chủ đầu tư. Việc kiểm toán phải có sự chính xác cho từng mức dự án, dạng dự án và vị trí tương đồng", ông Phong nói.

Nói về tình trạng “lập lờ đánh lận con đen” với những dự án đầu tư thì ít vẫn gắn mác BOT thu phí cao, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng: "Vấn đề này cần sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, phải thực hiện đấu thầu công khai.

Dự án nào là BOT thì thực hiện đúng theo tinh thần đầu tư BOT, dự án nào không phải mà chỉ là sửa chữa thì dứt khoát không được thu như đường làm mới, mà BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ là thí dụ rõ nhất.

Cần quy trách nhiệm người đứng đầu các quy hoạch, dự án. Khi đưa ra dự án cần có quy hoạch, căn cứ pháp lý, có sự khảo sát đánh giá hài hòa về lợi ích cộng đồng và lợi ích của nhà đầu tư.

Nếu có việc tư lợi, lợi ích nhóm thì cần phải thực hiện xử lý nghiêm. Không để xảy ra tình trạng sai phạm rồi sau đó không ai bị xử lý, chỉ giảm giá vé để xoa dịu dư luận", ông Phong cho biết.

Lại Cường