Tại “Hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo năm 2024” với chủ đề “Giáo dục đại học với công nghệ số”, đại diện một số doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đại học đã trình bày tham luận sôi nổi về các vấn đề liên quan đến đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ số.
Làm sao để tăng gấp đôi quy mô đào tạo lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin?
Chia sẻ tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng - Phó Trưởng Ban đào tạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã trình bày báo cáo về “Mô hình giáo dục đại học số - cộng tác và chia sẻ”.
Trong hơn một năm qua, tổ cộng tác tác của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông đã nghiên cứu rất nhiều mô hình trên thế giới liên quan đến đại học số và đã lựa chọn mô hình giáo dục đại học số cộng tác và chia sẻ để hợp tác triển khai trong thời gian tới.
Về nội dung cốt lõi của Đề án thí điểm triển khai mô hình giáo dục đại học số, trong thời gian qua, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra các chiến lược, mục tiêu cụ thể liên quan đến nội dung này.
Cụ thể, trong chiến lược phát triển từ năm 2024 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có mục tiêu là chuyển đổi số toàn diện trong công tác tuyển sinh, đào tạo và đảm bảo chất lượng. Trong đó có mục tiêu cụ thể là đến 2030, đơn vị sẽ xây dựng hơn 100 môn học MOOC.
Năm 2023 vừa qua, cơ sở đã xây dựng được 5 khoá MOOC với chủ yếu là các môn cơ bản Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học. Đến năm 2024, đơn vị đã triển khai cho các em học sinh trường phổ thông năng khiếu của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh học trực tuyến trước các môn MOOC này và sau đó thi trực tiếp. Nếu đủ điểm, các em có thể nộp vào các trường thành viên của đơn vị để được công nhận tín chỉ MOOC này. Năm nay, cơ sở đang tiếp tục xây dựng 21 môn học MOOC, đến 2025, xây dựng hơn 50 môn học MOOC và đến năm 2030, sẽ hoàn thiện hơn 100 môn học MOOC. Điều này đã chứng minh cho thấy Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh luôn đồng hành cùng với các cơ sở giáo dục đào tạo.
Về mục tiêu, theo thầy Bằng, Đề án thí điểm triển khai mô hình giáo dục đại học số này nhằm triển khai mô hình đại số góp phần tăng quy mô trong điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin cùng các lĩnh vực có liên quan phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số.
Trong đó, mục tiêu cụ thể là thiết kế và vận hành mô hình giáo dục đại học số trên nền tảng phối hợp hoạt động giữa các cơ sở giáo dục hướng đến tăng tối thiểu gấp đôi quy mô đào tạo nhân lực lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin cùng các lĩnh vực khác có liên quan thông qua quá trình chuyển đổi số đồng bộ hoạt động đào tạo, khai thác triệt để mối quan hệ hợp tác, đồng hành và đồng cam kết với các bên liên quan, đặc biệt là với các trường đại học và doanh nghiệp.
Thầy Bằng cho hay, theo Báo cáo thị trường IT Việt Nam năm 2023 của TopDev, chúng ta đang có khoảng 530.000 nhân sự công nghệ thông tin. Dự đoán chúng ta thiếu khoảng 150.000 nhân sự công nghệ thông tin so với nhu cầu thực tiễn. Có thể nói, với phương thức đào tạo, nguồn lực hiện nay, nếu không ứng dụng chuyển đổi số, chúng ta sẽ không đáp ứng đủ nguồn nhân lực mà đất nước đang cần.
Trong khi đó, nếu ứng dụng mô hình giáo dục đại học số quy mô tuyển sinh các ngành về công nghệ thông tin có thể tăng lên gấp đôi với nguồn lực hiện có.
Muốn thực hiện được việc tăng gấp đôi quy mô tuyển sinh đó, cần triển khai được mô hình đại học số này với 3 điểm mấu chốt là có cơ chế phối hợp, vận hành, cùng nhau xây dựng học liệu số và có sự phối hợp trong đào tạo, quy mô tuyển sinh và doanh nghiệp.
Về các giải pháp tổng thể để thực hiện Đề án nêu trên, theo thầy Bằng, thứ nhất, cần xây dựng thỏa thuận và triển khai hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu về lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin dưới dạng một tổ hợp (consortium).
Thứ hai, cần nghiên cứu xây dựng và triển khai các cơ chế chính sách đảm bảo chất lượng tạo điều kiện thúc đẩy tăng quy mô đào tạo.
Thứ ba, cần xây dựng các nội dung đào tạo, hình thức đào tạo cùng hệ thống học liệu thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số trong giáo dục đại học Việt Nam.
Thứ tư, cần xây dựng hệ thống quản trị tích hợp và hệ thống lưu trữ nội dung và vận hành các khoá học mở đại trà trực tuyến (MOOCs) đa ngôn ngữ. Trên thực tế, dung lượng của mỗi môn học MOOC không phải thấp, khi lên tới mấy trăm, hàng ngàn môn học MOOC, tốc độ vận hành và lưu trữ môn học số này không phải đơn giản.
Thứ năm, cần xây dựng và triển khai các không gian hỗ trợ học tập khuyến khích đổi mới sáng tạo thông qua các ứng dụng công nghệ phù hợp giúp sinh viên có thể học tập mọi lúc mọi nơi.
Về cơ chế, chính sách triển khai, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học được giảng dạy trực tuyến 30%, còn lại trực tiếp. Do vậy, muốn thực mục tiêu tăng quy mô tuyển sinh gấp đôi, cần tăng khối lượng giảng dạy trực tuyến từ 30% lên 50% trong chương trình đào tạo, giảng dạy bằng các môn học MOOC.
Bên cạnh đó, nên sử dụng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng từ các học viên cao học, nghiên cứu sinh của các cơ sở giáo dục đào tạo; giáo sư đầu ngành từ các cơ sở đào tạo trên thế giới có thể sử dụng để tăng đầu mối giáo viên. Tổ chức học kỳ doanh nghiệp với 30% tổng thời gian đào tạo được thực hiện thực tế tại doanh nghiệp.
Với những giải pháp nêu trên cũng như bằng nguồn lực hiện tại, thầy cho rằng, chúng ta có thể nâng quy mô tuyển sinh lên gấp đôi, đồng thời đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, để công nhận chuyển đổi tín chỉ của môn học MOOC là tối đa 50% trong chương trình đào tạo, cần công nhận tín chỉ các khóa học mở đại trà trực tuyến (MOOCs) của các khóa học trực tuyến (MOOCs) cùng phối hợp và xây dựng bởi các cơ sở đào tạo trong tổ hợp. Xây dựng hệ thống chứng chỉ tích hợp hoặc công nhận chuyển đổi phù hợp vào chương trình đào tạo dài hạn.
Về điều kiện tổ chức thực hiện hệ thống quản trị tích hợp nền tảng chung để triển khai mô hình giáo dục đại học số, các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng không gian giảng dạy và học tập với thư viện số (học liệu số + bài giảng số); xây dựng phòng thực hành ảo, mô phỏng số để sinh viên sử dụng ngay trên hệ thống trực tuyến.
Bên cạnh đó, cần một cổng dịch vụ công quốc gia với Hệ thống thanh toán, Cloud computing, hạ tầng phần cứng, thiết bị kết nối, hệ thống bảo mật, Phần mềm chuyên dụng. Không những vậy, phía doanh nghiệp phối hợp với trường phải có không gian hợp tác (Co.op Space) để tạo không gian thực tập, làm việc cho sinh viên trên môi trường số.
Cũng theo thầy Bằng, muốn thực hiện được Đề án thí điểm triển khai mô hình giáo dục đại học số trên, phải có các điều kiện đảm bảo chất lượng như xây dựng cơ chế vận hành tổ hợp (consortium); Xây dựng chuẩn chương trình đào tạo và chuẩn khóa học trực tuyến, hệ thống học liệu số; Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu đối với nền tảng kết nối chia sẻ trong tổ hợp; Quy định giảng dạy – học tập; kiểm tra – đánh giá trực tuyến; Cơ chế hợp tác và đồng hành trong quá trình đào tạo của các doanh nghiệp/tập đoàn; Hình thành và triển khai hệ thống khảo sát các bên có liên quan.
Về cơ chế hợp tác tổ chức thực hiện, dự kiến, tổ hợp (consortium) này được tổ chức hoạt động bởi Ban điều hành bao gồm 05 thành viên là Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông.
Trong đó, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo là Trưởng ban Ban điều hành. Đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục tham gia Đề án là Phó Trưởng ban Ban điều hành, trong đó Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là Phó Trưởng Ban thường trực. Đại diện lãnh đạo trường đại học thành viên/Khoa/Phòng của cơ sở giáo dục là Ủy viên. Nhân sự phụ trách triển khai Đề án của các cơ sở giáo dục là Tổ thư ký. Và Ban điều hành thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ chế phối hợp triển khai để tổ chức thực hiện thống nhất các nội dung của Đề án; triển khai các nhiệm vụ/giải pháp của Đề án thông qua các công tác cụ thể.
Có thể nói rằng, khi triển khai mô hình này, 5 đơn vị được chọn triển khai nêu trên đã khẳng định được vị thế tiên phong về chất lượng đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân; hình thành cơ chế hợp tác giữa các đơn vị với nhau trong đào tạo; công nhận về giá trị chất lượng đào tạo giữa các đơn vị với nhau qua việc công nhận chuyển đổi tín chỉ các khóa học trong Tổ hợp (công nhận giá trị); Mô hình hợp tác sử dụng chung các nguồn lực: điều kiện kỹ thuật, cơ sở dữ liệu, phần mềm, hệ thống platform (tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực); Hệ thống khảo sát các bên có liên quan (phục vụ cải tiến liên tục); Mô hình tài chính của Đề án (tính bền vững của Đề án).
Thầy Bằng cũng chỉ ra phạm vi các ngành đào tạo đối với lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin:
Để công tác chuyển tác chuyển đổi số trong giáo dục đại học được thuận lợi và sớm đạt mục tiêu, đại diện Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị cần sớm phê duyệt Đề án thí điểm triển khai mô hình giáo dục đại học số. Đầu tư hình thành Hệ thống quản trị tích hợp nền tảng chung để triển khai mô hình giáo dục đại học số.
Hơn nữa, cần có cơ chế chính sách phù hợp để tạo động lực triển khai hiệu quả tổ hợp/liên minh trong quá trình thực hiện; Hệ thống khảo sát các bên có liên quan (phục vụ cải tiến liên tục). Ngoài ra, cần có cơ chế vận hành và mô hình quản lý tài chính phù hợp để cộng tác và chia sẻ một cách bền vững các nguồn lực (nhân lực, nền tảng kỹ thuật, hệ thống bài giảng số, hệ thống khóa học mở đại trà trực tuyến – MooCs).
Doanh nghiệp cần công khai kế hoạch nhân sự AI
Cùng chia sẻ trong hội thảo, ông Đỗ Thanh Bình - đại diện VINASA (Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam) cho rằng, cần phải xác định rõ mối quan hệ giữa các chủ thể: Trường đại học – sinh viên – doanh nghiệp khi nhắc đến trí tuệ nhân tạo (AI).
Khẳng định vai trò của trường đại học trong đào tạo và cung ứng nhân lực, ông Bình cho biết, hiện tại, Việt Nam đang có khoảng 1,5 triệu nhân lực lao động về lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó, khoảng 500.000 kỹ sư được đào tạo bài bản.
Mỗi năm, Việt Nam đào tạo được 50.000 sinh viên công nghệ thông tin. Tuy nhiên, trong số này chỉ có khoảng 30% sinh viên tốt nghiệp ra trường sẵn sàng làm việc luôn mà không cần đào tạo bổ sung, còn lại các sinh viên tốt nghiệp đều phải thông qua các khóa học, chương trình đào tạo để rèn giũa thêm kỹ năng để phục vụ, đáp ứng yêu cầu công việc.
Hiện, có khoảng hơn 70% trường đại học hợp tác với doanh nghiệp, trong đó Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học FPT là 2 cơ sở đào tạo kết nối, hợp tác mạnh mẽ với doanh nghiệp trong công tác đào tạo nhân lực về công nghệ thông tin, cũng như tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ.
“Hiện, các doanh nghiệp về công nghệ thông tin ở Việt Nam đang có yêu cầu kỹ năng rất cụ thể, bao gồm: quản trị dự án về công nghệ; Big Data; AI (đặc biệt là Gen AI) và an ninh mạng”, ông Bình cho biết.
Về ngắn hạn và trung hạn, trong giai đoạn 2024-2025, Việt Nam thiếu hụt 150-200.000 nhân sự công nghệ thông tin, đặc biệt là trong các lĩnh vực AI, Big Data, Lập trình viên Full-stack và bảo mật mạng.
Trong dài hạn, 38% nhân lực cần có kỹ năng STEM cốt lõi; giai đoạn 2025-2030 Việt Nam cần thêm khoảng 1 triệu nhân sự công nghệ thông tin; 25% sinh viên Việt Nam cần có kỹ năng tự học để đáp ứng được yêu cầu về thay đổi công nghệ.
Để đáp ứng được các yêu cầu, cần trang bị cho sinh viên kỹ năng mềm như tư duy phân tích; giải quyết vấn đề; hiểu biết kỹ thuật; kỹ năng học nhanh và tư duy làm chủ. Trong đó, ông Bình đặc biệt nhấn mạnh đến kỹ năng tư duy làm chủ của sinh viên.
Trước dự báo nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ số, ông Bình đề xuất, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chương trình, khóa học bồi dưỡng giảng viên với các khóa học chuyên sâu để nâng cao năng lực giảng dạy thực tiễn; tạo điều kiện và chính sách để sinh viên, giảng viên tham gia các dự án nghiên cứu công nghệ; thiết kế chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn, ưu tiên các công nghệ mới như AI, Blockchain và Cybersecurity.
Đối với các trường đại học, cần liên kết chặt chẽ với nhau và liên kết với các doanh nghiệp bằng việc làm cụ thể như: tạo cơ hội thực tập cho sinh viên tại các tập đoàn lớn như Samsung, FPT, và Qualcomm; xây dựng phòng thí nghiệm công nghệ chuyên sâu tại các trường đại học trọng điểm; cần liên kết/hợp tác để có đủ nguồn lực nắm bắt và tổ chức được đào tạo đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp; thiết lập các xưởng trường (doanh nghiệp mini nội bộ) do giảng viên điều hành.
Đối với doanh nghiệp, cần phải công khai kế hoạch nhân sự bằng cách đưa ra nhu cầu nhân lực cụ thể để các trường đại học điều chỉnh chương trình đào tạo; đầu tư vào đào tạo nội bộ (hỗ trợ tài chính và tổ chức các khóa học nâng cao kỹ năng cho nhân viên).
“Doanh nghiệp cần kết nối chặt chẽ với trường đại học để đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ số chất lượng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn”, ông Bình đề xuất.