Kiên trì tập luyện thể thao, thầy hiệu trưởng đạt 2 kỷ lục để giúp đỡ HS nghèo

20/03/2023 06:39
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hai lần xác lập kỷ lục tâng bóng của thầy Đào Chí Mạnh đều hướng tới việc kêu gọi giúp đỡ những học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Đầu năm 2023, thầy Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận lập kỷ lục với nội dung tâng bóng bằng đầu liên tục 2.720 lần trong vòng 17 phút 45 giây. Đây cũng là lần thứ 2 thầy Mạnh xác lập kỷ lục qua việc tâng bóng.

Trước đó, cách đây hơn 2 năm, thầy Mạnh đã một lần xác lập kỷ lục Việt Nam khi vừa tâng bóng, vừa đi bộ mà không để bóng rơi trên quãng đường dài hơn 8,5 km.

Thầy Đào Chí Mạnh tâng bóng bằng đầu trước sự chứng kiến của các em học sinh, xác lập kỷ lục lần thứ 2 để kêu gọi cộng đồng giúp đỡ học sinh hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NVCC

Thầy Đào Chí Mạnh tâng bóng bằng đầu trước sự chứng kiến của các em học sinh, xác lập kỷ lục lần thứ 2 để kêu gọi cộng đồng giúp đỡ học sinh hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NVCC

Là một người có đam mê với trái bóng tròn, yêu thích thể thao, thầy Đào Chí Mạnh luôn chăm chỉ rèn luyện thể lực. Hơn 10 năm tập tâng bóng nhưng khi quyết định tâng bóng bằng đầu trước sự chứng kiến của toàn thể học sinh, phụ huynh, thầy hiệu trưởng vẫn không tránh khỏi những áp lực tâm lý.

Chia sẻ về câu chuyện lập kỷ lục của mình với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Mạnh cho biết, những thử thách luôn là điều khiến cuộc sống của chúng ta thú vị và ý nghĩa hơn, thầy muốn chinh phục những thử thách mới và vượt qua giới hạn của bản thân. Đó cũng là lý do thầy quyết định tâng bóng bằng đầu, xác lập kỷ lục lần thứ 2.

Bên cạnh đó, thầy còn muốn lan tỏa tinh thần thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe đến tất cả các em học sinh và các thầy cô giáo.

Nhưng quan trọng hơn, hai lần xác lập kỷ lục của thầy đều vì mục đích nhân văn, là muốn kêu gọi mọi người cùng giúp đỡ những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Ở lần xác lập kỷ lục đầu tiên, thầy Đào Chí Mạnh đã kêu gọi giúp đỡ được hai em học sinh mồ côi cha mẹ, hoàn cảnh khó khăn, trong đó có một em học sinh lớp 12 nhờ thầy kêu gọi mọi người giúp đỡ đã có tiền nộp học phí khi em đỗ hệ cao đẳng.

Thầy Mạnh (áo xanh, đứng giữa) tích cực tham gia các hoạt động thể dục, thể thao. Ảnh: NVCC

Thầy Mạnh (áo xanh, đứng giữa) tích cực tham gia các hoạt động thể dục, thể thao. Ảnh: NVCC

Hoạt động tâng bóng và lần xác lập kỷ lục lần thứ 2 của thầy Mạnh nằm trong chương trình mang tên "Kỷ lục và điều hơn thế". Sau khi thực hiện chương trình này, thầy Mạnh đã quyên góp được 24 triệu đồng và trao tặng hết cho các em học sinh hoàn cảnh khó khăn.

Từ việc chạy bộ đến xác lập kỷ lục Việt Nam

Thầy Đào Chí Mạnh cho biết, hai lần xác lập kỷ lục của bản thân đều xuất phát từ việc chạy bộ.

“Năm 2020 khi thế giới phải giãn cách vì đại dịch Covid-19, tôi đã nghĩ rằng mình phải làm điều gì để tích lũy năng lực cho bản thân trong giai đoạn mà cả thầy và trò không tới trường. Có rất nhiều điều hay để thực hiện lúc ấy như: Đọc sách; học tiếng Anh và ... chạy bộ.

Những ngày đầu tập chạy, bàn chân, các ngón chân, gót chân đau ê ẩm; các cơ đùi, bắp chân như muốn vỡ ra bởi trước giờ mình chưa từng hoạt động liên tục.

Thầy Đào Chí Mạnh cho biết, chạy bộ chính là nguồn cảm hứng để thầy tập tâng bóng và xác lập kỷ lục Việt Nam. Ảnh: NVCC

Thầy Đào Chí Mạnh cho biết, chạy bộ chính là nguồn cảm hứng để thầy tập tâng bóng và xác lập kỷ lục Việt Nam. Ảnh: NVCC

Tôi đã thực hiện được mục tiêu chạy 1.000km trong một trăm ngày đầu tiên của năm 2020 (vì giãn cách nên quãng đường này tính trên hệ thống đo bước chạy). Hoàn thành mục tiêu này giúp tôi thay đổi rất nhiều, từ vóc dáng, sức bền, sức chịu đựng của cơ thể, tim mạch, huyết áp cũng chuyển biến tích cực. Đến khoảng giữa năm 2020 tôi có ý định thử sức mình với một thử thách mới là tâng bóng đi bộ.

Ban đầu tập tâng bóng, tôi cũng không có ý định là xác lập kỷ lục Việt Nam, tôi chỉ muốn thực hiện để kêu gọi quyên góp giúp đỡ hai bạn học sinh mồ côi.

Cũng nhờ việc chạy bộ trước đó giúp tôi có một sức chịu đựng tốt hơn rất nhiều, dẻo dai hơn và đặc biệt là ý chí bền bỉ, kiên trì hơn... Trở thành kỷ lục gia với nội dung “người Việt Nam tâng bóng bằng hai chân đi bộ với quãng đường dài nhất” (8525m), giờ nhìn lại, tôi cũng không biết điều gì giúp mình vượt qua thử thách ấy. Nhưng niềm vui khó đo đếm là tôi đã giúp được hai em học sinh, truyền động lực, niềm tin để các em tiếp bước trên con đường học tập”, thầy Mạnh chia sẻ.

Từ kỷ lục tâng bóng đi bộ, thầy Đào Chí Mạnh lại muốn chinh phục thử thách mới. Sau thời gian tham gia các hoạt động thể thao do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức, thầy Mạnh bắt đầu tập tâng bóng bằng đầu, điều này khó khăn hơn nhiều. Đều đặn tập luyện mỗi ngày, thầy đã nâng thành tích từ 500 lần; 700 lần; 850 lần; rồi 1200 lần.

Thầy Đào Chí Mạnh truyền cảm hứng cho các thầy cô giáo xây dựng trường học hạnh phúc. Ảnh: NVCC

Thầy Đào Chí Mạnh truyền cảm hứng cho các thầy cô giáo xây dựng trường học hạnh phúc. Ảnh: NVCC

“Trong một lần đưa video tâng bóng lên facebook, một cô giáo bình luận rằng, “các em học sinh trường sẽ rất vui và được truyền cảm hứng nếu tận mắt chứng kiến thầy Hiệu trưởng tập tâng bóng thế này”. Thế là tôi quyết tâm thêm độ khó bằng cách tập làm sao để vượt qua rào cản tâm lý trước sự chứng kiến của giáo viên, học sinh toàn trường.

Ở trường tôi có nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có em mồ côi cả cha và mẹ. Ngoài việc truyền cảm hứng về tinh thần tập luyện thể thao, tôi muốn giúp các em bằng cách kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ và đã nhận được sự đồng lòng của tất cả thầy cô trong trường. Thật vui vì chúng tôi làm được một điều ý nghĩa, 4 học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất đã được mọi người chung tay giúp đỡ qua hoạt động này”, thầy Mạnh tâm sự.

Tâng bóng quan trọng nhất là tâm lý, khi lần đầu tâng bóng trước sự chứng kiến của học sinh toàn trường, thầy Mạnh cũng gặp một chút “rào cản” tâm lý. Lần đầu tiên, thầy chỉ tâng được 100 lượt. Sau 2-3 phút nghỉ ngơi, uống nước, thầy thực hiện lại và có kết quả vượt mong đợi với 2.720 lượt.

Lúc thực hiện xong, các em học sinh chạy theo hỏi han thầy, nhiều phụ huynh chia sẻ các con hào hứng và bất ngờ với màn “trình diễn” tâng bóng bằng đầu của thầy, đó chính là niềm vui với thầy Hiệu trưởng giàu lòng yêu thương.

Thầy cô giáo Trường Tiểu học Hội Hợp B tập nhảy chuẩn bị cho Lễ khai giảng năm học 2022-2023. Ảnh: NVCC

Thầy cô giáo Trường Tiểu học Hội Hợp B tập nhảy chuẩn bị cho Lễ khai giảng năm học 2022-2023. Ảnh: NVCC

“Nhìn lại chặng đường đã qua cho tôi nhiều cảm xúc, tôi muốn cảm ơn giải thể thao của Phòng Giáo dục Vĩnh Yên, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc đã tổ chức để qua giải chạy ấy, tôi phát hiện ra rằng mình còn có thể một lần nữa vượt qua giới hạn của bản thân, tạo nên thêm điều ý nghĩa.

Đó là kỷ niệm không bao giờ quên không chỉ cho tôi mà tôi tin rằng cho cả các thầy cô, các em học sinh chứng kiến, giữa cuộc sống bộn bề công việc nếu ta dành một chút thời gian mỗi ngày để tập luyện, để chăm sóc bản thân thì sẽ có thêm nhiều sức khỏe, năng lượng tích cực hơn và có thể những điều tích cực ấy sẽ nhanh chóng lan tỏa tới những người xung quanh”, thầy Mạnh chia sẻ.

Thầy Hiệu trưởng tiên phong xây dựng trường học hạnh phúc

Hiện tại, thầy Đào Chí Mạnh cùng các thầy cô Ban điều hành Mạng lưới Quản lý Giáo dục không biên giới đang phát động chương trình “Khỏe để cống hiến và hạnh phúc”, dành cho các thầy cô giáo là quản lý giáo dục.

Mục đích của chương trình là lan tỏa tinh thần thể thao, thầy cô cùng nhau đi bộ hoặc chạy bộ. Vì các thầy cô quản lý khá bận rộn, áp lực nên duy trì thói quen này sẽ giúp thầy cô giảm phần nào áp lực để sáng tạo và làm việc hiệu quả hơn.

Sự kiện này gồm 2 chặng, chặng 1 các thầy cô chạy tập luyện trong 21 ngày và đo thành tích trên phần mềm điện thoại; chặng 2 là chạy trực tiếp với quãng đường khoảng 3km.

Thầy Đào Chí Mạnh còn được biết đến là một thầy Hiệu trưởng trẻ tuổi, tài năng, tiên phong trong hành trình xây dựng mô hình trường học hạnh phúc ở tỉnh Vĩnh Phúc.

Thầy cũng là người truyền động lực để các thầy cô giáo trong trường cùng bước vào hành trình thay đổi, gỡ bỏ “áp lực” nặng nề trong giáo dục, hướng tới dạy học phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, giáo dục các em bằng tình thương.

Cùng với những chuyển mình, đổi mới của toàn ngành, thầy Mạnh bắt đầu cho lồng ghép các hoạt động như văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, những hoạt động học tập về Toán, tiếng Việt, tiếng Anh cũng được đổi mới theo hướng nâng cao năng lực học sinh, không còn lối thầy đọc trò chép và ghi nhớ.

Để giúp các con tự tin hơn, nhà trường khuyến khích học sinh thực hiện các hoạt động giáo dục khác nhau và ghi lại clip gửi lên nhóm lớp cho các bạn cùng học tập.

Thầy Hiệu trưởng và các thầy cô giáo, các em học sinh cùng hoà vào âm nhạc, tập dân vũ cùng nhau. Ảnh: NVCC

Thầy Hiệu trưởng và các thầy cô giáo, các em học sinh cùng hoà vào âm nhạc, tập dân vũ cùng nhau. Ảnh: NVCC

Từ năm 2022, thầy Đào Chí Mạnh đã phát động chương trình nhảy dân vũ cho học sinh và thầy cô giáo toàn trường. Hòa vào âm nhạc, điệu nhảy, vừa giúp các em rèn luyện thể lực, đồng thời học trò và thầy cô cùng hòa chung dòng cảm xúc, gắn kết với nhau hơn.

“Hành trình xây dựng trường học hạnh phúc là hành trình kết nối, chia sẻ, thấu hiểu và yêu thương. Khi người hiệu trưởng thấu hiểu và sẻ chia, các thầy cô giáo sẽ có động lực để thay đổi, tạo nên một môi trường giáo dục tích cực, lành mạnh, trao yêu thương đến học trò.

Hạnh phúc chính là một hành trình cần sự kiên trì, cố gắng và thay đổi, hoàn thiện mình mỗi ngày của các thầy cô, chúng ta sẽ bắt đầu từ những việc nhỏ bé nhất và sẽ gặt hái được nhiều kết quả ý nghĩa”, thầy Mạnh chia sẻ.

Phạm Minh