Kinh tế Việt Nam đang chịu những áp lực nào?

07/09/2018 08:07
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong
(GDVN) - Sức ép lạm phát đang tăng trong nửa đầu năm và khó có chiều hướng giảm trong cả nửa cuối năm nay.

Trong nửa đầu năm 2018, bất chấp nhiều động thái đáng quan ngại của tình hình kinh tế và chính trị thế giới, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực, với mức tăng GDP tăng cao nhất và khá đồng đều cả ba khu vực công nghiệp và xây dựng-nông lâm ngư nghiệp- dịch vụ. 

Khu vực doanh nghiệp tiếp tục tăng cả về số lượng và quy mô vốn, ở các lĩnh vực và địa phương. 

Kim ngạch xuất khẩu, nhất là một số mặt hàng chủ lực, tiếp tục tăng tới 16% và xuất siêu hàng hóa 2,71 tỷ USD. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 10,7%; Thu hút khách quốc tế ước tăng 27,2% và tăng ở tất cả các kênh, châu lục. 

Thu hút FDI tăng khá mạnh về vốn thực hiện và vốn góp, mua cổ phần.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện (theo giá hiện hành) ướcđạt 747,6 nghìn tỷ đồng và bằng  32,9% GDP, tăng 10,1%;

Dư nợ tín dụng tăng 6,35%, thấp hơn mức tăng GDP, cho thấy sự tăng trưởng kinh tế không còn phụ thuộc chủ yếu vào tăng trưởng vốn, tức hiệu quả đầu tư xã hội đang được cải thiện;

Hệ thống ngân hàng có thanh khoản cao; Nợ xấu nội khối chỉ còn dưới 2,81% (cuối quý I/2018).

Áp lực lạm phát tăng do chịu cộng hưởng nhiều nhân tố cả khách quan và chủ quan, cả trong nước và quốc tế. Ảnh minh hoạ: VnEconomy.vn
Áp lực lạm phát tăng do chịu cộng hưởng nhiều nhân tố cả khách quan và chủ quan, cả trong nước và quốc tế. Ảnh minh hoạ: VnEconomy.vn

Chỉ số Đổi mới sáng tạo (Global Innovation Index, gọi tắt là GII) của Việt Nam năm 2018 tiếp tục tăng 2 bậc, đứng ở mức 45/126 nước, sau khi tăng tới 14 bậc năm 2017 theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố ngày 7/10, với điểm số cao trên mức trung bình trong cả bảy trụ cột chính (tổng cộng với 21 nhóm chỉ số và 80 tiểu chỉ số) bao gồm:

Thể chế vĩ mô; nguồn nhân lực và nghiên cứu; cơ sở hạ tầng; thị trường và môi trường kinh doanh; trình độ phát triển của thị trường; sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo.

Đà tăng trưởng kinh tế những tháng tới là khá tích cực. 

Các tổ chức quốc tế đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam với khả năng GDP cả năm hoàn toàn có thể đạt mức 6,7% như mục tiêu Quốc hội đặt ra; 

Hệ số tín nhiệm của quốc gia và các ngân hàng thương mại tiếp tục được cải thiện, dù đang và sẽ còn không ít thách thức cần vượt qua để duy trì động lực và đạt tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, như xu hướng ghi nhận được liên tục trong suốt nhiều năm qua.

Kinh tế Việt Nam đang chịu những áp lực nào? ảnh 2Xử lý những điểm nghẽn trong nền kinh tế

Tuy nhiên, trên thị trường tài chính-tiền tệ đang có một số động thái đáng quan ngại về biến động tăng tỷ giá và về trồi sụt với biên độ lớn các chỉ số thị trường chứng khoán.

Đặc biệt, sức ép lạm phát tăng đang tăng trong nửa đầu năm và khó có chiều hướng giảm trong cả nửa cuối năm nay. 

Theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2018 giảm 0,09% so với tháng trước, tăng 2,13% so với tháng 12/2017, tăng 4,46% so với cùng kỳ năm trước và chỉ số CPI  bình quân 7 tháng đã tăng 3,45% so với bình quân cùng kỳ năm 2017, tức đã khá cận với chỉ tiêu phải tăng dưới 4% theo kế hoạch cả năm đặt ra.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2018 tăng 0,84% so với tháng trước; tăng 1,3% so với tháng 12/2017 và tăng 1,28% so với cùng kỳ năm 2017.

Tuy vậy, do giá đô la Mỹ trong tháng biến động khá mạnh trên thị trường thế giới, ngày 23/7/2018 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh giá bán đô la Mỹ từ mức 23.050 VND/USD lên 23.273 VND/USD phù hợp hơn với tình hình thị trường trong nước và quốc tế. 

Thực tế cho thấy, áp lực lạm phát tăng do chịu cộng hưởng nhiều nhân tố cả khách quan và chủ quan, cả trong nước và quốc tế.

Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Ở trong nước, áp lực lạm phát gắn với xu hướng tăng giá dịch vụ công (y tế, học phí.. ) theo lộ trình thị trường hóa giá cả để tăng tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công; gắn với áp lực tăng chi phí đẩy đầu vào của khu vực doanh nghiệp; gắn với độ trễ áp lực từ chính sách nới lỏng tín dụng kích thích đầu tư và tiêu dùng, cũng như từ cac đợt mua vào lớn để tăng dự trữ ngoại tệ lên tới mức gần 67 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Trên thế giới, giá cả và áp lực tỷ giá của đồng Việt Nam đang chịu thêm áp lực lạm phát ở các nền kinh tế lớn đều đang gia tăng, cả ở Mỹ, Nhật Bản và EU...;

Trong đó có xu hướngtăng và ổn định ở mức cao của một số hàng nông sản, đặc biệt nhất là giá xăng dầu thế giới, với mức cao nhất lên tới 80 USD/thùng so với mức thấp nhất chưa tới 30 USD/thùng cách đây 2 năm và 110 USD/thùng vào năm 2014.

Kinh tế Việt Nam đang chịu những áp lực nào? ảnh 4Ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam

Ngoài ra, việc đồng USD của Mỹ tăng giá và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá, cũng tạo áp lực giảm giá đồng VND của Việt Nam.

Về tổng thể, ngược với năm qua, áp lực lạm phát tăng trong khi chỉ tiêu mức độ kiểm soát đặt ra cả năm 2018 (dưới 4%) lại thấp hơn năm trước (dưới 5%).

Bởi vậy, yêu cầu kiểm soát lạm phát đang và sẽ tiếp tục trở thành nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên trong nửa cuối năm nay.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương không được chủ quan và cần nghiêm túc triển khai đồng bộ và phối hợp làm tốt những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất,  chủ động theo dõi, bám sát sát diễn biến tình hình trong nước, khu vực và quốc tế phản ứng chính sách kịp thời;

Điều tiết lượng cung tiền và chính sách tài khóa phù hợp; không tăng giá điện trong năm nay;

Chỉ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục nếu điều kiện cho phép vào thời điểm phù hợp, không để gây sức ép tăng giá lớn;

Theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng nông sản, cân đối cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng, như lúa gạo, thịt lợn, đường, muối, xăng dầu, vật liệu xây dựng (nhất là giá thép) và thị trường bất động sản..;

Tiếp tục rà soát các dự án BOT, điều chỉnh giảm phí BOT theo nguyên tắc ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian hoàn vốn;

Thứ hai, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, hướng mạnh tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục cơ cấu lại thu - chi Ngân sách nhà nước, cơ cấu lại nợ công; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu đối với các hoạt động chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, thu hồi nợ đọng thuế;

Quyết liệt cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt;

Bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ; phấn đầu giảm lãi suất cho vay;

Mở rộng quy mô tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng.

Kinh tế Việt Nam đang chịu những áp lực nào? ảnh 5Đẩy nhanh giảm giá một số mặt hàng thiết yếu

Đẩy mạnh giải ngân vốn đối với các chương trình tín dụng, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy tăng năng suất lao động, cơ cấu lại doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp tư nhân, khởi nghiệp; 

Phát triển các mặt hàng, sản phẩm chiến lược và thúc đẩy các hợp đồng và kênh xuất khẩu chính ngạch; 

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm;

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 của ngành nông nghiệp và các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới;

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, lượng mưa, mực nước các sông suối, lượng trữ của các hồ chứa, phòng chống hạn hán, úng ngập và bảo đảm an toàn công trình hồ đập trong mùa mưa lũ;

Tăng cường công tác dự báo thời tiết và phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tăng cường quản lý tài nguyên; kiên quyết xử lý nghiêm các vụ phá rừng;...

Tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm giảm chi phí sản xuất và tạo ra  những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu và phát triển thị trường tiêu dùng trong nước trên cơ sở bảo đảm chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp.

Theo dõi chặt chẽ tình hình nhập khẩu, xây dựng các biện pháp hàng rào kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế để kiểm soát nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước.

Đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với nâng cao chất lượng và giá dịch vụ, nhất là trong mùa cao điểm Hè năm 2018;

Thứ năm, thực hiện đồng bộ, hiệu quả đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, gắn với tinh giản biên chế và cải cách hành chính, trọng dụng nhân tài, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới;

Giảm quá tải bệnh viện, bảo đảm an ninh, an toàn cho các cơ sở khám chữa bệnh, phòng chống các bệnh truyền nhiễm mùa hè và coi trọng bảo hộ lao động, phòng và chữa cháy;

Củng cố tiềm lực quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hộim đảm an toàn, an ninh thông tin mạng;

Không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống; chủ động, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội;

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân…/.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong