2012, doanh nghiệp Việt "điêu đứng" trên sân nhà

08/12/2012 08:43
Hà Nhi
(GDVN) - Những con số thống kê tiếp tục chỉ ra một làn sóng “biến mất” của doanh nghiệp Việt như: số doanh nghiệp giải thể trong năm 2011 là gấp 8 lần mức bình quân những năm trước, tình hình đầu 2012 còn khốc liệt hơn với gần 18,000 doanh nghiệp đăng ký giải thể (tháng 04/2012).

Trong 2 năm, gần 100.000 doanh nghiệp rời thị trường
Từ cuối 2010 cho đến 06 tháng đầu 2012, chưa bao giờ doanh nghiệp Việt phải đối đầu tình hình ngặt nghèo đến như vậy. Theo dữ liệu của cơ quan chức năng chỉ còn khoảng 400.000/600.000 còn thực sự đóng thuế điều này đồng nghĩa với 1/3 doanh nghiệp (hơn 200.000 doanh nghiệp) đang gặp khó khăn lớn hoặc đã dừng hoạt động, con số này trên thực tế có lẽ còn nặng nề hơn nhìn trên góc độ từng ngành. Những con số thống kê tiếp tục chỉ ra một làn sóng “biến mất” của doanh nghiệp Việt như số doanh nghiệp giải thể trong năm 2011 là gấp 8 lần mức bình quân những năm trước, tình hình đầu 2012 còn khốc liệt hơn với gần 18,000 doanh nghiệp đăng ký giải thể (tháng 04/2012).
Khảo sát tại thời điểm tháng 04/2012 có gần 18,000 doanh nghiệp đăng ký giải thể (Ảnh minh họa)
Khảo sát tại thời điểm tháng 04/2012 có gần 18,000 doanh nghiệp đăng ký giải thể (Ảnh minh họa)
Chủ tịch VCCI – Vũ Tiến Lộc cũng phải thốt lên: “Doanh nghiệp chưa bao giờ chết nhiều như 2 năm qua”. Ông cho biết: “Trong vòng 2 năm, dự báo có gần 100.000 doanh nghiệp rời thị trường, tương đương với một nửa số doanh nghiệp đóng cửa trong vòng 20 năm qua”. Vấn đề đáng ngại hơn là đồng nhịp với con số thống kê nêu trên là làn sóng biến động khá lớn quyền sở hữu các thương hiệu Việt một thời là biểu tượng vươn lên của nền kinh tế quốc dân. Một ví dụ điển hình của sự biến mất của thương hiệu Việt như trường hợp Phở HB – món Phở Việt đã không còn “hàng độc”
Khởi đầu từ năm 2003, đến nay Phở HB đã phát triển được hệ thống 60 nhà hàng tại Việt Nam cùng với khoảng 20 cửa hàng ở châu Á. Tốc độ nhượng quyền của thương hiệu này được Forbes Asia đánh giá là nhanh hơn cả KFC. Nhưng cuối cùng Phở HB đã được chuyển nhượng cho một doanh nghiệp và doanh nghiệp này cùng được chuyển nhượng cho thương hiệu của Tập đoàn nước ngoài. Báo giới và các nhà chuyên môn đưa là những lý do khá hợp lý: Tính mới, tính đặc biệt của Phở HB không còn dẫn đến mô hình khai thác nhượng quyền không mang đến lợi nhuận cao; Tính đồng bộ về chất lượng sản phẩm “phở” – yêu cầu then chốt cho một hệ thống nhương quyền khó giải quyết trong bối cảnh Việt Nam gây khó khăn mở rộng thị phần; Lãnh đạo phở HB cho rằng chuyển nhượng là được giá thì nên sang nhượng để thương hiệu có điều kiện phát triển tốt hơn…Vì sao nhiều thương hiệu Việt “chết” trên “sân nhà” Phân tích nguyên nhân của việc các thương hiệu Việt thất bại ngay chính trên sân nhà, chuyên gia marketing Hoàng Tùng cho rằng: Nhiều doanh nghiệp chúng ta không chuẩn bị tâm thế thích ứng cho một cuộc chiến toàn cầu khốc liệt ngay tại sân nhà đòi hỏi sự quả cảm, óc sáng tạo, tầm nhìn toàn diện và dài hạn. Hai là do nhiều nguyên nhân như phán đoán chủ quan cơ hội và xu hướng thị trường, “cám dỗ” đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh không đúng năng lực cốt lõi… dẫn đến khá nhiều doanh nghiệp chúng ta đã ra quyết định chiến lược phát triển chưa phù hợp cộng với thiếu cân đối trong quyết sách quản trị. Nhiều trường hợp doanh nghiệp thất bại khi sử dụng chi phí nguồn vốn vay ngắn hạn cho những dự án dài hạn, sử dụng nguồn lực có chi phí cao vào những dự án tài chính phái sinh (như địa ốc, chứng khoáng) kỳ vọng cho lãi suất cao nhưng do không dự báo được khủng hoảng và mãi lực thực sự của xã hội… Vậy chính chúng ta đã làm tự giảm thiểu nguồn lực, tự mình gây khó ngay trong thời khắc cạnh tranh quyết liệt hơn bao giờ hết?! Ngoài ra, lý do thứ ba mà chuyên gia Hoàng Tùng đưa ra là một số doanh nghiệp Việt chưa thấy rõ các “công thức tổng lực” tiến hành chiến lược cạnh tranh của các Tập đoàn quốc tế để sáng tạo đối sách đó là: Sử dụng nguồn vốn toàn cầu giá rẻ để đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công nghệ cao, xúc tiến thương mại, thu tóm nhân tài, mua bán sáp nhập + lợi dụng triệt để các định chế toàn cầu và luật chơi toàn cầu hóa để xóa bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan bảo vệ doanh nghiệp trong nước + tiến hành chiến tranh trên toàn chuỗi giá trị của từng ngành hàng, đẩy doanh nghiệp trong nước vốn hoạt động đơn chiếc trên từng phân đoạn của chuỗi giá trị phải “lưỡng đầu thọ địch” từ đầu vào cho đến đầu ra đều muôn phần khó khăn.
Làm thế nào để doanh nghiệp Việt "thắng" trên sân nhà, cạnh tranh được với các Tập đoàn đa quốc gia đó là một bài toán khó đang rất cần lời giải. (Ảnh minh họa)
Làm thế nào để doanh nghiệp Việt "thắng" trên sân nhà, cạnh tranh được với các Tập đoàn đa quốc gia đó là một bài toán khó đang rất cần lời giải. (Ảnh minh họa)
Thêm vào đó, theo chuyên gia marketing Hoàng Tùng: Hầu hết doanh nghiệp Việt đang phải sử dụng “sở đoản” cùa chúng ta để đua với “sở trường” của các Tập đoàn đa quốc gia trong việc tranh giành sự ủng hộ của công chúng bằng quảng cáo, khuyến mãi, giảm giá… Trong khi sự ủng hộ, hưởng ứng bền vững, mạnh mẽ của cộng đồng có vai trò quyết định đối với thành – bại của doanh nghiệp Việt lại cũng chính là cái thiếu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. “Chắc chắn cộng đồng Việt không quay lưng với doanh nghiệp Việt nếu chúng ta tiếp cận đúng cách như ông cha ta đã biết cách thức tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, chiến tranh toàn dân trên mặt trận kinh tế” – ông Tùng nói. Vì vậy, “thông qua các quốc sách về văn hóa, giáo dục, ngoại giao, bảo vệ môi trường để kêu gọi tinh thần đồng lòng ủng hộ hàng Việt, thương hiệu Việt, chúng ta cần hình thành mô hình “Tiếp thị quốc gia”, “Ngoại giao kinh tế” để yểm trợ mạnh mẽ, có hệ thống giúp cho doanh nghiệp Việt không những thành công tại sân nhà vốn đã chật hẹp mà còn bước ra “biển lớn” toàn cầu, đua tranh sòng phẳng với thế giới” – chuyên gia marketing Hoàng Tùng nhấn mạnh.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hà Nhi