Xung quanh vụ đề xuất đánh thuế thu nhập từ tiền gửi:

3 lý do khẳng định không thể đánh thuế thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm

03/03/2013 06:35
Hoàng Lực
(GDVN) - Đánh giá về đề xuất mới đấy của Hiệp hội BĐS TP.HCM về việc “Đánh thuế thu nhập từ tiền gửi”. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: “Đây là một đề xuất mà cần phải xem xét rất thận trọng, nếu không sẽ gây ra những tác động không chỉ về kinh tế mà cả vấn đề xã hội mà có lẽ chúng ta không lường trước được”.
Liên quan đền kiến nghị mới được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã gửi Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, nhiều bộ ngành... về việc: “Đánh thuế thu nhập trên tiền lãi từ những khoản gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng, để chuyển hướng dòng tiền vào đầu tư, sản xuất kinh doanh…”.
Lý giải về kiến nghị “đặc biệt” này Hiệp hội  BĐS TP.HCM cho rằng đây là việc nhằm thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó có giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản (BĐS).
Kiến nghị đánh thuế thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm của HoREA gây "sốc" ảnh minh họa
Kiến nghị đánh thuế thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm của HoREA  gây "sốc" ảnh minh họa
Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoREA việc đưa ra kiến nghị gây tranh cãi nay xuất phát từ việc so sánh mức lãi xuất tiền gửi ngân hàng của nước ta với một số nước như Mỹ. Trong khi các nước lãi xuất thực dương thấp hơn lạm phát thì ở nước ta mức lãi xuất thực dương lại cao hơn. Từ đó ông Châu cho rằng việc nhiều người không đóng thuế mà mỗi năm vẫn hưởng hàng tỉ đồng tiền lãi là điều vô lý. Chính vì vậy cần phải thực hiện đánh thuế tiền gửi tiết kiệm. Nhận định kiến nghị “Đánh thuế thu nhập tiền gửi tiết kiệm” của HoREA. TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Central Institute for Economic Management - CIEM) cho biết: “Đây là một đề xuất mà cần phải xem xét rất thận trọng, nếu không sẽ gây ra những tác động không chỉ về kinh tế mà cả vấn đề xã hội mà có lẽ chúng ta không lường trước được, bởi đằng sau nó còn nhiều câu chuyện khác nhau”.  
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Central Institute for Economic Management - CIEM)
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Central Institute for Economic Management - CIEM)
Cụ thể theo đề xuất này thì việc đánh thuế vào những người gửi tiền tiết kiệm từ 500 triệu trở lên, theo TS Lê Đăng Doanh câu chuyện đầu tiên cần nói đến là tính khả thi của đề án này. Ví dụ nếu như người gửi tiền tiết kiệm dùng cách chia ra nhiều các gói gửi tiết kiệm mỗi gói chỉ khoảng 490 triệu thì liệu rằng có thu được không.
Thứ hai theo TS Lê Đăng Doanh tiền tiết kiệm được hiểu là tài sản tích lũy của một người hoặc cả một gia đình để khi họ cao tuổi, về hưu thì người ta còn có một cái thu nhập nào đó. “Nếu chúng ta đánh thuế vào nguồn thu nhập duy nhất của những người như vậy sẽ gây ra tác động xã hội rất lớn mà có lẽ chúng ta chưa thể lường trước được” – TS Doanh lo lắng. Câu chuyện thứ ba được TS Lê Đăng Doanh vạch ra là việc đánh thuế như thế thì số tiền tiết kiệm gửi trong các ngân hàng sẽ bị giảm đi một cách đột ngột, liệu rằng các ngân hàng có ổn định hay không. Ngược trở lại nếu các ngân hàng không có vốn thì các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn thế nào. Để đưa ra kiến nghị này HoREA đã tiến hành so sánh mức lãi xuất ở Mỹ không có lãi xuất thực dương với mức lãi xuất tiền gửi với số thực dương cao ở các ngân hàng trong nước. Nhưng TS Lê Đăng Doanh so sánh này không hợp lý, bởi ở nước ta từ khi chống lạm phát đã có lãi xuất thực dương. Hơn nữa ở Mỹ chuyện sinh viên đầu tư là chuyện bình thường còn ở ta không thể bắt người về hưu hay cựu chiến binh đi đầu tư để sản xuất kinh doanh được. “Ở đây là muốn nói đến sự khác biệt của điều kiện xã hội mỗi nước. TS Lê Đăng Doanh lấy ví dụ ở Hà Giang việc lấy lương của giáo viên cắm bản khó khăn khi phải đi cả chục km đường đất mới có ngân hàng rút tiền. Vậy với yêu cầu đầu tư thì liệu họ sẽ phải đầu tư vào đâu” – TS Doanh nói. Đồng thời TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, không thể lấy số tiền thuế thu nhập từ tiền tiết kiệm để “cứu” BĐS. Bởi lẽ trước đây khi lãi xuất BĐS là 100%/ 1 năm không ai bảo ai mọi người đổ xô vào đầu tư. Giờ BĐS gặp khó không thể thu tiền thuế từ nguồn tiền gửi tiết kiệm để giải cứu BĐS được. “Vì vậy câu chuyện giải cứu BĐS và tiền thuế thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm là hai câu chuyện khác nhau, liệu rằng số tiền thuế đó có giải cứu được BĐS lúc này” – TS Doanh phân tích. Cũng liên quan đến ý kiến đề xuất này, việc cho rằng nên khuyến khích người dân thành lập doanh nghiệp để tạo nguồn thu nhập. Theo TS Lê Đăng Doanh để thành lập doanh nghiệp không khó nhưng để đứng vững, sản xuất kinh doanh tạo thu nhập đóng góp cho xã hội lại rất khó. Nó tùy thuộc vào điều kiện xã hội cụ thể. Người dân có tiền do tiết kiệm, tích lũy nhiều năm nhưng ví dụ họ không có khả năng kinh doanh việc thành lập doanh nghiệp rồi “chết” thì lại càng nguy hiểm hơn. Nhất là chuyện nhiều năm qua doanh nghiệp “ma” thành lập số lượng nhiều nhằm mục đích vay vốn để rồi sau đó vỡ nợ, gây thiệt hại lớn cho kinh tế quốc dân.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trả lời báo Thanh Niên, ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên Trưởng phòng Thuế TNCN Cục Thuế TP.HCM cho rằng, ý tưởng đánh thuế TNCN trên tiền lãi tiết kiệm đã được bàn nhiều trước đây. Do thấy không phù hợp nên Quốc hội đã bác khi luật Thuế TNCN được thông qua. Người lao động, cán bộ công chức thu nhập thấp phải tằn tiện tiết kiệm mồ hôi, nước mắt gửi NH để hưởng chút lãi thì việc đánh thuế là không thể chấp nhận được.
Hoàng Lực