6 thông tin kinh tế đáng chú ý nhất tuần qua

29/07/2013 07:24
Liễu Phạm (Tổng hợp)
(GDVN) - Kiểm toán Nhà nước đề nghị điều tra 5 vụ sai phạm, Gói hỗ trợ BĐS 30.000 tỷ đã giải ngân 11 tỷ cho 56 người vay, Phát hiện vàng nhái SJC tinh vi, khó phân biệt... là những sự kiện kinh tế đáng chú ý tuần qua.
1. Kiểm toán Nhà nước đề nghị điều tra 5 vụ sai phạm

Ngày 26/7, báo Tiền phong đưa tin, tại cuộc họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2012 diễn ra ngày 25/7, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Lê Minh Khái cho biết trong năm 2012, qua kiểm tra, cơ quan kiểm toán chuyển cơ quan điều tra 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật với số tiền sử dụng sai mục đích, thất thoát lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Vụ việc thứ nhất là trường hợp của Ban quản lý dự án thuộc Sở NN&PTNT Hưng Yên về công trình cấp nước tại 2 xã trên địa bàn. Hai công trình này cuối năm 2011 quyết toán khống khối lượng hơn 3 tỷ đồng.

Vụ thứ 2 liên quan đến Cty CP Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh thuộc Tổng Cty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) ký hợp đồng với 3 Cty TNHH ở Tiền Giang để mua gạo và đã ứng trước 143 tỷ đồng, nhưng đến thời hạn không nhận được hàng. Riêng phần lãi suất mà công ty bị thiệt hại trong thời gian thực hiện hợp đồng là 18 tỷ đồng. Tổng cộng số tiền thất thoát chưa thu hồi được là 161 tỷ đồng.

Đến thời điểm trung tuần tháng 7/2013, đã có 56 khách hàng cá nhân vay được gói cước 30.000 tỷ.
Đến thời điểm trung tuần tháng 7/2013, đã có 56 khách hàng cá nhân vay được gói cước 30.000 tỷ.

Trường hợp nữa liên quan đến Cty Tài chính II của Ngân hàng NN&PTNT. Đây là đơn vị đã được KTNN vào làm việc từ năm 2010. Khi kiểm toán cũng phát hiện một số dấu hiệu vi phạm, nhưng chưa chuyển cơ quan điều tra do có khả năng khắc phục. Đợt kiểm tra sau đó, số tiền sai phạm cả gốc và lãi lên tới hơn 1.000 tỷ đồng và đến năm 2011 không còn khả năng khắc phục. Sau đó vụ án cũng được khởi tố.

Vụ việc thứ tư, Cty bê tông Vinaconex Xuân Mai mua đất nông nghiệp thuộc diện quy hoạch và một số vấn đề khác với số tiền vi phạm sử dụng vốn nhà nước lên tới vài chục tỷ đồng đã chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý.

Vụ việc thứ năm, việc sử dụng vốn sai tại Cty Tài chính Sông Đà. Tại Cty này, việc huy động, và sử dụng vốn có những dấu hiệu bất thường như: Chi lương, thủ tục hồ sơ không rõ, khuyến mãi bằng hiện vật, mua bán ngoại tệ bị lỗ với những dấu hiệu bất thường.

2. Gói hỗ trợ BĐS 30.000 tỷ: Đã giải ngân 11 tỷ cho 56 người vay

Theo báo cáo của Bộ xây dựng, tính đến trung tuần tháng 7/2013, đối với tổ chức (bao gồm doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội và doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội), Ngân hàng Nhà nước xác nhận đã ký hợp đồng cho vay đối với 02 doanh nghiệp (Công ty cổ phần Vicoland là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Thừa Thiên - Huế với số tiền là 117.709 triệu đồng và Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân là chủ đầu tư dự án chuyển đổi sang nhà ở xã hội tại TP.Hồ Chí Minh với số tiền là 540.000 triệu đồng; ngoài ra đã giải ngân cho Công ty cổ phần Vicoland với số tiền là 34 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đối với hộ gia đình, cá nhân, các ngân hàng thương mại đã giải ngân được khoảng 11 tỷ đồng cho 56 khách hàng. Hiện nay, các Ngân hàng được giao thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP đã nhận được nhiều hồ sơ xin vay (riêng Vietinbank nhận được 160 hồ sơ, BIDV nhận được khoảng 100 hồ sơ) và đang tích cực triển khai tiến hành việc thẩm định để cho vay theo quy định.

3. Sữa liên tục tăng giá

Báo Pháp luật TP.HCM ngày 28/7 cho biết, tính từ đầu năm đến nay, giá sản phẩm sữa trong nước và nhập khẩu các loại đã tăng trung bình ở mức 15%.

Tổng hợp ghi nhận từ các đại lý cho thấy vào đầu năm 2013, hãng sữa Dumex, Mead Johnson đã “mở màn” bằng việc điều chỉnh giá các sản phẩm của mình tăng 8,5%-10%. Đầu tháng 3, Friesland Campina Việt Nam tăng giá sản phẩm trung bình 8%-9%, Abbott cũng tăng 2%-9%. Đầu tháng 4, Nestlé tăng giá thêm 8%-9%... Chưa hết, đến đầu tháng tới (1-8-2013), giá sữa nhập khẩu Insulac IQ sẽ tăng thêm 7%...

Giá sản phẩm sữa trong nước và nhập khẩu các loại đã tăng trung bình ở mức 15%.
Giá sản phẩm sữa trong nước và nhập khẩu các loại đã tăng trung bình ở mức 15%.

Giá thay đổi nhưng các nguyên nhân tăng giá được đưa ra hầu như không mới như là giá cả đầu vào tăng, thay đổi bao bì, bổ sung thành phần…

Hiện nay thị trường sữa Việt Nam có gần 500 dòng sản phẩm. Sữa nội chỉ đáp ứng 30% nhu cầu trong nước, 70% phải nhập khẩu, trong đó 20% là thành phẩm. Trong bối cảnh như vậy, giá sữa Việt Nam đương nhiên phụ thuộc vào giá sữa quốc tế.

Tuy nhiên, thông tin từ Cục Quản lý Giá cho thấy trong nửa đầu năm 2013, sữa nguyên liệu trên thế giới đều giảm. Hiện giá thu mua sữa tươi trên thị trường vẫn ở mức ổn định, thậm chí còn giảm nhẹ và giá sữa nguyên liệu nhập khẩu không tăng.

4. Phát hiện vàng nhái SJC tinh vi, khó phân biệt

Chiều 22/7 báo Thanh niên đưa tin, Công ty TNHH Một thành viên vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC công bố vừa phát hiện 1 lượng vàng miếng nhái thương hiệu SJC khá tính vi.

Theo Công ty SJC, sáng nay nhân viên phòng kinh doanh tại hội sở công ty (trên đường Nguyễn Công Trứ, Q.1, TP.HCM) có nghi ngờ 1 lượng vàng (loại miếng 1 lượng) là hàng nhái nên mang sang tổ kiểm định kiểm tra.


Ông Cao Việt Hùng, Tổ kiểm định Công ty SJC cho biết: “Sau khi kiểm định, chúng tôi thấy miếng vàng này dùng bao bì Hologram thật nhưng miếng vàng bên trong là giả vàng SJC. Chúng tôi công bố thông tin này nhằm giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng”.

Theo ông Cao Việt Hùng, những người gian lận lấy miếng vàng nhái bỏ vào bao bì của miếng vàng thật rồi ép lại nên bao bì của miếng vàng nhái sẽ cứng hơn, miếng vàng cầm nặng tay hơn. Một số nét chữ trên miếng vàng nhái SJC khác hẳn so với miếng vàng thật.

"Nếu nhìn bằng mắt thường, người tiêu dùng bình thường sẽ khó phân biệt được thật hay giả nên tốt nhất người tiêu dùng nên mua vàng ở những nơi uy tín, có hóa đơn ghi rõ số sêri của miếng vàng”, ông Hùng khuyến cáo.

VAMC chính thức hoạt động

Ngày 26/7/2013, Ngân hàng Nhà nước tổ chức lễ khai trương hoạt động Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Trước đó, trong một bản giải trình thông tin liên quan, Ngân hàng Nhà nước dự kiến công ty này sẽ xử lý được khoảng 80 - 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu với tỷ lệ thu hồi dự kiến là 20% - 40%.


Ngoài ra, theo Cơ quan Thanh tra giám sát, VAMC không chỉ xử lý nợ cho ngân hàng mà còn hỗ trợ, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, khách hàng vay vốn. Một nhóm các biện pháp xử lý nợ của công ty này được thiết kế để hỗ trợ, giảm khó khăn cho doanh nghiệp như: điều chỉnh kỳ hạn trả nợ; giảm hoặc miễn toàn bộ số lãi đã quá hạn thanh toán; đầu tư, cung cấp tài chính để hỗ trợ khách hàng vay xử lý khó khăn tài chính tạm thời... Các khách hàng có nợ xấu bán cho VAMC sẽ được tiếp tục vay vốn của tổ chức tín dụng theo quy định hiện hành.

6. Tranh cãi quanh thông tin 80% mẫu bún có chất huỳnh quang

Lao động đưa tin: Chiều 22/7, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng thuộc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã công bố thông tin gây sốc cho người tiêu dùng: 80% số lượng mẫu bánh canh, bánh phở, bánh cuốn... được khảo sát tại TPHCM có sự hiện diện chất làm trắng quang học (tinopal).

Theo đó, nếu ăn bún chứa chất huỳnh quang lâu dài sẽ gây suy gan, thận, cơ thể mệt mỏi và cả bệnh ung thư.

Tuy nhiên, trước thông tin trên, nhiều cơ quan phủ nhận kết quả trên và khẳng định: Số liệu không tin cậy, vì trung tâm đã sai từ quy trình lấy mẫu, cách kiểm nghiệm để phát hiện chất tinopal, thậm chí cả tư cách phát ngôn. Nhận thấy việc ảnh hưởng của vấn đề trên rất lớn, sáng 24/7, UBND TP đã họp khẩn với các cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc.

Mặt khác, một cuộc họp giữa Sở Công Thương, Sở Y tế với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng về điều tra bún chứa chất phát quang tinopal đã được tổ chức vào ngày 25/7 tại TP.HCM. Trong cuộc họp này, đại diện đơn vị cung cấp thông tin về các mẫu kiểm nghiệm là Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng không có mặt. Trong khi đó, phía Sở Công Thương cho rằng, vẫn chưa nhận được báo cáo về kết quả kiểm nghiệm từ trung tâm này trước khi công bố thông tin.

>> Tra cứu điểm thi ĐH - CĐ tại đây: http://diemthi.giaoduc.net.vn/Home.mvc/Index

Liễu Phạm (Tổng hợp)