9 tháng đầu năm, 6.742 doanh nghiệp phá sản

25/09/2013 09:30
Hoàng Lực
(GDVN) - Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2013 cả nước có 6.742 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2012.
Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2013 là 11.299 doanh nghiệp.

Theo báo cáo đưa ra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2013 ước đạt 5,14% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó tăng mạnh nhất dịch vụ 6,25%, đứng thứ hai khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,02% và khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản tăng 2,39%.

Nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản và sáp nhập trong năm 2013. Ảnh: Minh họa
Nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản và sáp nhập trong năm 2013. Ảnh: Minh họa

Chỉ số IPI (tính theo gốc năm 2010) có chiều hướng cải thiện dần qua những tháng đầu năm 2013: 3 tháng đầu năm tăng 4,9%; 6 tháng tăng 5%; 9 tháng tăng 5,4%. Nguyên nhân chủ yếu là do sự phục hồi của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tăng trưởng cao ở điện cấp phục vụ công nghiệp và xây dựng; và tăng trưởng ổn định ở ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải so với cùng kỳ năm 2012.

Trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, khu vực và trong nước đã phần nào ảnh hưởng đến khu vực dịch vụ trong 9 tháng đầu năm 2013. Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ 9 tháng đầu năm 2013 ước đạt 6,2% so với cùng kỳ năm 2012. Hiện khu vực này vẫn có mức đóng góp cao nhất vào tăng trưởng GDP. Trong đó, một số lĩnh vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá như: dịch vụ thông tin và truyền thông, dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ vận tải và kho bãi.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 58,4 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ và chiếm 60,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Liên quan đến đầu tư phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ước tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng đầu năm 2013 là 755,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2012.

Về thu hút vốn ODA, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết 9 tháng đầu năm 2013 đạt 4.593 triệu USD, tăng 8,83% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 9 tháng đầu năm 2013, tình hình thực hiện và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là đối với các dự án, chương trình do JICA (Nhật Bản) và WB tài trợ. Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân trong 9 tháng đầu năm 2013 ước đạt 3.130 triệu USD.

Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính lũy kế đến ngày 20/9/2013, cả nước có 872 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 9.294 triệu USD, bằng 92,7% về số dự án và 134,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2012. Tổng số lượt dự án tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất trong 9 tháng đầu năm 2013 là 444 lượt dự án với tổng vốn tăng thêm là 5.711,2 triệu USD, bằng 76,6% về số dự án và bằng 137,9% về vốn so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực FDI tiếp tục đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2013 của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng 12,4 tỷ USD (đóng góp hơn 95% kim ngạch tăng thêm). Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2013 của khu vực FDI là 24,8% cao hơn so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chung (15,5%) của cả nước.

Về phát triển doanh nghiệp, trong Quý III năm 2013 có 19.323 doanh nghiệp thành lập, đăng ký mới với số vốn đăng ký là 87.798 tỷ đồng, giảm 16,7% về số doanh nghiệp và 23,1% về số vốn đăng ký so với Quý II năm 2013. Tính chung cả 9 tháng đầu năm 2013, cả nước có 58.231 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 281.359 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2012 thì số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 10,8%, tuy nhiên, số vốn đăng ký giảm 21,6%.

Trong 9 tháng đầu năm 2013, cả nước có 6.742 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2012. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2013 là 11.299 doanh nghiệp.
Hoàng Lực