Alan Phan: Doanh nghiệp Việt 'mắc bệnh' lười suy nghĩ

22/03/2013 15:49
Theo Infonet
Theo Tiến sĩ Alan Phan, doanh nghiệp Việt đang "mắc bệnh" lười suy nghĩ, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước ở cả hoạt động tìm kiếm thị trường cũng như xúc tiến thương mại.
TS Alan Phan.
TS Alan Phan.
Trong cuộc hội thảo bàn về "Cơ hội trong thời kinh tế suy thoái" tại học viện Doanh nhân LP diễn ra mới đây, TS Alan Phan chia sẻ rằng thay vì nhìn khủng hoảng như một rào cản, doanh nghiệp Việt Nam nên thấy được cơ hội "có một không hai" trong đó. "Đây là thời đại biên giới quốc gia hầu như đã bị "xóa" nhòa bởi Internet. Doanh nghiệp cũng không chỉ ngụp lặn trong vũng đầm nữa mà đang tiến ra biển khơi. Một khi đã ra tới biển, chúng ta chỉ cần tìm cho mình một góc nhỏ là sẽ có đủ cá để ăn cả đời", ông Alan Phan ví von. Đồng quan điểm với TS Alan Phan, ông Nguyễn Liên Phương, Giám đốc học Viện Doanh nhân LP cho rằng trong cộng đồng doanh nghiệp Việt chỉ 20% là có khả năng sáng tạo ra những giá trị mới, trong đó chỉ có 5% là đưa được giá trị mới ra thị trường. "Thay vì làm tốt để tăng giá bán, không ít doanh nghiệp Việt sẵn sàng hạ chất lượng sản phẩm chỉ để cạnh tranh được ở mức giá rẻ hơn. Nhiều công ty thậm chí bỏ quên mảng nghiên cứu phát triển vì lầm tưởng điều này tương đồng với việc phát minh ra một công nghệ mới, trong khi thực tế, hoạt động này có thể đơn giản chỉ là tìm cách chuẩn hóa chất lượng". Trước lo lắng của các doanh nhân có mặt tại hội thảo về vấn đề thị trường đầu ra khó khăn, ông Phương cho rằng tại bất cứ thời điểm nào, doanh nghiệp sáng tạo đều có cách tìm ra thị trường ngách với nhu cầu cao. "Sai lầm của nhiều doanh nghiệp là muốn trở thành công ty hàng đầu tại Việt Nam, chắc chân tại thị trường trong nước, rồi mới nghĩ tới việc làm ra các sản phẩm mang tiêu chuẩn quốc tế để bán ra thế giới. Hiện nay, cơ hội của các doanh nghiệp ở nước ngoài có lẽ còn nhiều hơn ở trong nước, chỉ cần doanh nhân nghĩ khác đi", vị này chia sẻ. Dẫn lời Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên trong chuyến công tác và làm việc tại Dubai, Giám đốc học viên Doanh nhân cho biết: "Khi đến đó mới thấy thế giới đang chơi một cuộc chơi khác, và Việt Nam gần như đã bị lãng quên mất. Trong cả một hội chợ hàng nông sản thế giới (Dubai Index) với 110 gian hàng thì Thái Lan, Philippines đều có đại diện, riêng Việt Nam - một cường quốc nông nghiệp hàng đầu thế giới - lại không thấy bóng dáng. Tình trạng đó đối lập với thực tế rằng nguyên liệu của Việt Nam đang góp mặt trong hầu hết các sản phẩm trưng bày tại đây".
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo Infonet