ASEAN+3 thành lập công cụ phòng ngừa khủng hoảng

05/05/2012 06:51
Ngọc Quang
(GDVN) - Khủng hoảng nợ kéo dài ở khu vực đồng tiền chung Châu Âu có khả năng ảnh hướng xấu đến các nền kinh tế ASEAN + 3 thông qua các kênh tài chính và thương mại.

Ngày 3/5/2012, trong khuôn khổ hợp tác tài chính ASEAN+3, dưới sự chủ trì của Campuchia và Hàn Quốc, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 lần thứ 15 đã diễn ra tại Manila, Phillipin, bên lề Hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Tham dự Hội nghị lần này có các Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương và quan chức tài chính ngân hàng của các nước ASEAN+3, Phó Tổng thư ký ASEAN, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Giám đốc Văn  phòng nghiên cứu Kinh tế vĩ mô khu vực ASEAN+3 (AMRO).

Với sự tham gia lần đầu tiên của các Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN+3 tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính, các bộ trưởng và thống đốc đã cùng trao đổi quan điểm về tình hình kinh tế khu vực và toàn cầu trong thời gian gần đây cũng như các giải pháp chính sách, đánh giá tiến độ triển khai các sáng kiến hợp tác tài chính khu vực như Đa phương hóa sáng kiến Chiềng Mai (CMIM), thành lập Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực (AMRO), Sáng kiến Thị trường Trái phiếu Châu Á, Nhóm Nghiên cứu ASEAN + 3 và các giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa tiến trình hợp tác tài chính khu vực trong thời gian tới.     

Hội nghị chung một quan điểm cho rằng mặc dù còn tồn tại những biến đổi khó lường của thị trường tài chính toàn cầu nhưng khu vực ASEAN + 3 đã đạt được những bước tăng trưởng vững chăc. Điều này được củng cố bằng chính sự gia tăng của cầu nội địa của khu vực và việc hoàn thành có hiệu quả  vai trò trung gian của các thể chế tài chính trong khu vực. 

Đồng thời, các Bộ trưởng và Thống đốc cũng chia sẻ mối quan ngại về những rủi ro tiềm ẩn đối với tăng trưởng kinh tế trong năm 2012. Khủng hoảng nợ kéo dài ở khu vực đồng tiền chung Châu Âu có khả năng ảnh hướng xấu đến các nền kinh tế ASEAN + 3 thông qua các kênh tài chính và thương mại. Áp lực lạm phát vẫn tồn tại thông qua việc tăng giá dầu, tình trạng bất ổn đang gia tăng đối với các dòng vốn ngắn hạn cũng có thể tác động đến các giao dịch thương mại và tài chính nội khối.

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW đã nhất trí thành lập công cụ phòng ngừa khủng hoảng, theo đó sẽ tăng quy mô của CMIM từ 120 tỷ USD lên 240 tỷ USD, tăng phần cho vay khi không có chương trình vay của IMF từ 20% lên 30% trong năm 2012, kéo dài thời hạn cho vay và chu kỳ hỗ trợ tổng thể. Hội nghị khuyến khích cần nâng cao năng lực và vị thế pháp lý cho Văn phòng AMRO, hướng tới đưa văn phòng sớm trở thành một tổ chức quốc tế trong tương lai.

Sau 10 năm triển khai sáng kiến phát triển thị trường trái phiếu châu Á, các Bộ trưởng và Thống đốc ghi nhận những thành tựu đã đạt được trong việc gia tăng quy mô của thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ, đa dạng hóa các nhà phát hành và các loại trái phiếu.

Những chuyển biến này có đóng góp tích cực vào việc tăng cường tính hiệu quả cũng như khả năng thanh thoản của các thị trường trái phiếu thông qua việc tận dụng huy động nguồn tiết kiệm trong dân phục vụ cho mục đích đầu tư. Hội nghị nhất trí thông qua lộ trình phát triển thị trường trái phiếu mới, tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên như triển khai chương trình bảo lãnh tín dụng đầu tư, phát hành trái phiếu qua biên giới, tăng cường Diễn đàn thị trường trái phiếu, thúc đẩy việc thành lập trung tâm thanh toán khu vực…

Ngọc Quang