Biến đổi khí hậu: Chuyện không chỉ của riêng bộ Tài nguyên&Môi trường

15/11/2012 10:47
Diện Hứa
(GDVN) - Trao đổi với báo chí về việc ứng phó với biến đổi khí hậu, Thứ trưởng Bộ TN-MT, Nguyễn Văn Đức cho biết: Đó là công việc của cả thế kỷ nên cần sự đồng lòng của cả cộng đồng, nên không chỉ bộ TN&MT thực hiện mà cần có sự tham gia của các bộ cùng cơ quan ban ngành khác.

- Thưa ông, xin ông cho biết về vai trò của Bộ Tài nguyên - Môi trường trong việc điều phối các hoạt động liên quan đến thực hiện chương trình thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu?

Thứ trưởng Bộ TN&MT, Nguyễn Văn Đức
Thứ trưởng Bộ TN&MT, Nguyễn Văn Đức

Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức: Việt Nam sẽ có một Ban chủ nhiệm, chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện Chương trình thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường làm chủ nhiệm. Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ là cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin, kịch bản, cơ chế chính sách liên quan đến các hoạt động biến đổi môi trường… Việc thực hiện chủ yếu sẽ là các chương trình, dự án của các bộ ngành nhưng sẽ tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, người nông dân và các vùng ven biển. Hiện  Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cũng xây dựng các kế hoạch ứng phó với thiên tai, lũ lụt…

- Trong khi các bộ, ngành có đầy đủ nội lực lại mất nhiều thời gian lo chuyện lên kế hoạch, xây dựng chương trình thì các tổ chức phi chính phủ đã triển khai tuyên truyền cho người dân biết thế nào là biến đổi khí hậu và phải làm gì để ngăn chặn tác hại của nó. Ông nghĩ gì về điều này?

Các tổ chức phi chính phủ có cách làm và mục đích làm riêng. Tôi cho rằng biến đổi khí hậu liên quan nhiều đến khoa học thực tiễn nên không phải ai làm công tác xã hội cũng có thể hiểu được. Hơn nữa, biến đổi khí hậu của nước này có thể khác với các nước khác. Tuy nhiên, việc sớm có chiến dịch tuyên truyền, phổ biến để người dân, tổ chức chính quyền hiểu là điều tốt.

- Hiệu quả tuyên truyền về biến đổi khí hậu đã được công nhận, vậy giữa cơ quan nhà nước và các tổ chức phi chính phủ đã có sự liên kết, phối hợp như thế nào, thưa ông?

Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ xây dựng các chủ trương, chính sách khung. Công việc này rất cấp thiết nhưng cũng không thể vội vàng công bố. Tuy nhiên nếu nhìn bề nổi, các tổ chức phi chính phủ hay các nhà khoa học, họ chủ động hơn trong việc thực hiện các hoạt động và công bố nghiên cứu. Trong công tác xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu cũng vậy, việc xây dựng đã được chuẩn bị từ lâu nhưng phải có hội thảo để xin ý kiến tổ chức trong nước, nước ngoài, nhà khoa học rồi mới công bố được.

- Sau một thời gian thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, nếu kết quả thực hiện không đạt, trách nhiệm sẽ thuộc về cơ quan nào?

Trách nhiệm trước hết sẽ thuộc về Bộ Tài nguyên - Môi trường. Việc ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề khó, nếu nhìn toàn cục thì Việt Nam là nước vào cuộc sớm. Chỉ tính riêng chuyện ra được kịch bản, chúng ta cũng được các nước trong khu vực đánh giá cao. Bộ sẽ tổ chức các hội thảo, ra khung chính sách, hướng dẫn; chỉ đạo các sở, ngành khi thực hiện chương trình phải lồng ghép với biến đổi khí hậu. Đây là công việc của cả thế kỷ nên cần sự đồng lòng của cả cộng đồng. Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ phối hợp Bộ Giáo dục - Đào tạo để đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào trường học và xây dựng các dự án thiết thực với biến đổi khí hậu.

- Trước tình trạng như vậy, những nước đang phát triển như Việt Nam theo ông có những biện pháp gì để ngăn ngừa hay đúng ra là giảm bớt những tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu?

Các nhà khoa học̣ kêu gọi các nhà lãnh đạo các quốc gia nên có những biện pháp hạn chế sự tiêu thụ năng lượng và đồng thời đầu tư vào những công trình phát triển kỹ thuật năng lượng tái tạo, nhằm giảm bớt nhiên liệu hóa thạch thải ra khí hiệu ứng nhà kính. Đa số các quốc gia đã đáp ứng lời kêu gọi này, trừ vài quốc gia vẫn còn muốn tiêu thụ thoải mái năng lượng hoá thạch để duy trì mức sống cao và ngành công nghiệp đang trong thời kỳ phát triển cuả họ, hoặc vì những lý do thương mại và kinh tế.

Việt Nam có những điều kiện khí hậu thích hợp cho sự phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Sự xây dựng những công trình thủy điện cỡ lớn như đập Sơn La cũng là một biện pháp nhằm thay thế năng lượng hoá thạch. Công việc phát triển công nghiệp cần được thực hiện song song với công việc cải thiện môi trường.

Hiện nay, tình trạng chung cuả các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, là tình trạng môi trường bị ô nhiễm nặng nề, đây chính là mặt trái cuả sự phát triển. Khí thải xe cộ và công nghiệp làm tổn thương đến sức khỏe cuả dân cư các đô thị. Dự báo khí tượng và khí hậu là công việc dài hạn và không đơn giản nên đòi hỏi những phương tiện nghiên cứu và quan sát hiện đại. Sự cộng tác với những quốc gia có kinh nghiệm qua những chuyển giao công nghệ có thể giúp Việt Nam đề phòng những thiên tai có khả năng̉ xầy ra trong tương lai.

Trong những năm gần đây, chúng tôi đã tổ chức thường xuyên những khoá học về Môi trường và Khí hậu học tại Đại học Quốc gia Hà Nội với sự tham gia của những chuyên gia đầu ngành cuả Đại học Pierre và Marie Curie ở Paris, để thế hệ trẻ Việt Nam ý thức được những hậu quả cuả sự biến đổi khí hậu và trau dồi những kiến thức nhằm bảo vệ môi trường.

Sự biến đổi khí hậu là một hiện tượng xẩy ra trên toàn cầu. Hai vùng Bắc cực và Nam cực là những vùng dễ bị ảnh hưởng bởi sự hâm nóng khí quyển và là những nơi được các nhà khí hậu học lưu ý đến để thực hiện những quan sát rất bổ ích trong công việc tìm hiểu quá trình biến đổi cuả khí hậu. Năm nay là Năm Địa cực Quốc tế, tức là năm khởi động nhiều hoạt động khoa học ở vùng Nam cực, để các nhà khoa học trên thế giới cộng tác với nhau và phối hợp những chương trình quan sát khí quyển, nhằm nghiên cứu hiện tượng biến đổi khí hậu.

- Xin cảm ơn ông!

Diện Hứa