Bộ trưởng Bộ KH-CN nói gì về dưa hấu Hải Dương giá... 1.000 đồng/kg?

10/06/2013 13:10
Viết Cường (Nguồn VOV)
(GDVN) - Giá hồ tiêu, cà phê đều rơi vào tình cảnh được mùa lại mất giá. Và mới đây, giá dưa hấu của bà con nông dân ở Hải Dương bán tại ruộng chỉ có 1000 đồng/kg, đó là những ví dụ thật xót xa.

Cùng với những chính sách hỗ trợ tạo đầu ra cho nông sản, đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận lại rõ hơn vai trò của khoa học công nghệ trong việc giúp người nông dân bảo quản nông sản sau khi thu hoạch và nâng cao giá trị của sản phẩm. Đây là nội dung chính trong chuyên mục Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời trên Đài tiếng nói Việt Nam chiều tối 9/6 với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Quân.

Báo Giáo dục Việt Nam xin trích dẫn một phần trong nội dung này.

Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

- Nhiều người dân ở Hải Dương phản ánh, vụ dưa hấu cách đây vài tuần dưa hấu bán tại ruộng giá chỉ có 1.000 đồng/kg. Do thiếu công nghệ bảo quản chế biến sau thu hoạch nên không chỉ dưa hấu mà nhiều loại hoa quả có giá trị kinh tế cao người nông dân vẫn phải chấp nhận bán giá rẻ, bán tháo nhất là khi thu hoạch rộ. Câu hỏi đặt ra là khi nào nhà nước sẽ có công nghệ để giúp cho người nông dân không thất bát mặc dù được mùa ngay trên chính mảnh ruộng của mình?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Nhà nước luôn luôn quan tâm đến vấn đề chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch để hỗ trợ cho nông dân. Tuy nhiên nguồn lực nhà nước cũng có hạn, thứ hai là công nghệ bảo quản chế biến của chúng ta hiện nay chưa theo kịp với trình độ và năng lực sản xuất của nông dân. Do đó tình cảnh được mùa mất giá xảy ra tương đối phổ biến.

Trước đây chúng ta đã từng chứng kiến quả vải thiều Lục Ngạn và giờ là dưa hấu lâm vào tình cảnh như vậy. Chính phủ mới đây có yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ phối hợp đưa đến cho nông dân công nghệ bảo quản chế biến sau thu hoạch, chúng tôi đang huy động tối đa nguồn lực này. Hiện nay thông qua tổ chức quốc tế, Bộ KH&CN đang nghiên cứu và đưa vào Việt Nam công nghệ bảo quản tiên tiến nhất của Israel để đảm bảo nông dân sẽ có được giá trị tối đa.

Về hoa quả, hiện nay Bộ KH&CN đang hợp tác với một đối tác của Nhật Bản và họ đã sẵn sàng chuyển giao công nghệ trong việc bảo quản nông sản. Tuy nhiên đây là một công nghệ rất hiện đại nên vốn đầu tư sẽ không hề nhỏ. Sắp tới nếu dự án thành công, tôi tin quả dưa hấu ở Hải Dương sẽ được bảo quản không chỉ một vài tháng mà có thể lên đến vài năm.

Người dân mừng vì được mùa thì nỗi lo dưa hấu mất giá đã ập đến
Người dân mừng vì được mùa thì nỗi lo dưa hấu mất giá đã ập đến

- Thưa Bộ trưởng, tại sao hạt lúa của chúng ta sản lượng cao nhưng giá trị lại thấp hơn nhiều so với các nước như Thái Lan, Nhật Bản. Ở nhiều nơi, thu nhập của nông dân không đủ so với chi phí bỏ ra. Với các mặt hàng nông sản chiến lược khác như Cà phê, điều, cao su thì cũng vậy. Mặc dù đứng hàng đầu thế giới về sản lượng nhưng Việt Nam vẫn chỉ sản xuất thô với giá trị rất thấp. Ý kiến của Bộ trưởng như thế nào về thực tế này?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Đây là một đặc điểm của nền kinh tế khi bắt đầu bước vào kinh tế thị trường. Trước đây chúng ta thiếu đói nên mục tiêu là có đủ gạo để đảm bảo an ninh lương thực. Chính vì thế, Việt Nam đi theo hướng nâng cao năng suất mở rộng diện tích để đảm bảo sản lượng tối đa.

Hướng này chúng ta đã thành công, cho đến nay Việt Nam đã trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới nhưng giá gạo lại rất thấp so với các nước lân cận. Nguyên nhân khi chúng ta chạy theo sản lượng, việc đảm bảo mức độ đồng đều về giống, đảm bảo về chất lượng của hạt gạo cũng như bảo quản chế biến chúng ta chưa theo kịp. Giờ là lúc chúng ta phải cân nhắc lại việc có nên chạy theo sản lượng hay không? Tôi cho rằng trong thời gian tới Việt Nam không nên chạy theo sản lượng mà cần nâng cao chất lượng hạt gạo để doanh thu từ xuất khẩu gạo tiếp tục tăng trong khi không phải mở rộng diện tích, giữ nguyên 3,8 triệu héc ta đất trồng lúa và nâng cao năng suất và chất lượng, vẫn đảm bảo được tốc độ phát triển của hạt gạo.

Điều này buộc các nhà khoa học phải quan tâm đến việc tạo ra được giống phù hợp, đồng thời toàn bộ diện tích trồng lúa phải tương đối thống nhất về giống để đảm bảo chất lượng hạt gạo xuất khẩu đồng nhất, như thế mới có thể có được giá xuất khẩu tốt. Đến lúc Việt Nam cần đi theo con đường này, không chỉ gạo mà cả hồ tiêu, cà phê chúng ta phải làm sao chế biến được, có thương hiệu, có chất lượng đồng đều và duy trì được trong thời gian dài…

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Viết Cường (Nguồn VOV)